Huyện Thanh Thủy (Phú Thọ): Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND
11:34 - 18/05/2021
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, Quỹ HTND là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi nâng cao thu nhập. Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Thanh Thủy đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nguồn Quỹ HTND đã phát huy được hiệu quả thiết thực, giúp cho nông dân giải cơn “khát vốn” và đã thật sự trở thành“cứu cánh” đối với các mô hình sản xuất của hội viên, nông dân. Ảnh minh họa


Từ ngày 01/01/2020, 3 xã Đồng Luận, Trung Nghĩa, Trung Thịnh được sáp nhập thành xã Đồng Trung.
Xã Đồng Luận vốn có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nghề nuôi bò. Các hộ nông dân tận dụng đất nông nghiệp, đất vườn tạp, đất bờ đê, xen trong các vườn cây để trồng cỏ.
 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế tập thể, các cấp Hội đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, vận động thành lập các mô hình kinh tế tập thể, gắn với hình thành các chi Hội, tổ Hội ND nghề nghiệp. Trong đó, đã chỉ đạo Hội ND xã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi bò với 13 hộ tham gia. Để giúp các hộ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi và mua thêm con giống, Hội ND huyện và Hội ND tỉnh tạo điều kiện cho bà con vay Quỹ HTND để thực hiện dự án “Nuôi bò vỗ béo”.
 

Sau khi có Quyết định phê duyệt vốn, Quỹ HTND tỉnh phối hợp với Hội ND huyện, xã tổ chức lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng dẫn các hộ vay về phương thức sử dụng vốn vay. Đồng thời, tổ chức cho các hộ thảo luận, bàn bạc và cam kết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, trả gốc và phí đầy đủ, đúng hạn và tổ chức giải ngân nguồn vốn đến 13 thành viên vay vốn của dự án, bình quân mỗi hộ được vay gần 80 triệu đồng.
 

Được vay vốn và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hộ chăn nuôi có thêm kiến thức áp dụng hiệu quả. Trước khi thực hiện dự án, đa số bà con tăng đàn bò cái để sinh sản, khi bò đẻ bê đực thì bà con xuất bán cho thương lái để làm thịt hoặc bán ra các địa phương khác để nuôi lấy thịt nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có kiến thức, có vốn vay, Tổ hợp tác đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi vỗ béo bò đực, giúp các hộ dân tăng thu nhập.


Sau 2 năm thực hiện dự án, 13 hộ trong Tổ hợp tác đang nuôi gần 200 con bò các loại, hộ nhiều nhất có 18 con bò. Mô hình vỗ béo bò đang là hướng đi phù hợp, mang lại lợi nhuận khá ổn định cho nhiều bà con ở xã bởi phương thức chăn nuôi đơn giản, rủi ro thấp, giá trị kinh tế lại cao, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đàn bò thịt của địa phương.
 

Theo ước tính của các hộ chăn nuôi, bò được chọn vỗ béo chủ yếu là bò đực, giống bò lai hoặc bò 3B trên 12 tháng tuổi. Thời gian vỗ béo gần 1 năm, bò tăng trọng rất lớn, giá trị kinh tế tăng thêm từ 12 - 17 triệu đồng/con so với lúc chưa vỗ béo. Việc nuôi bò vỗ béo khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc, không tiêu tốn nhiều thức ăn, đầu tư vốn ít, hiệu quả kinh tế lại cao.
 

Để đạt hiệu quả kinh tế cao, Hội ND xã đã phối hợp với Trung tâm HTND&GDNN tỉnh mở lớp sơ cấp nghề nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò với 35 học viên theo học tại xã, trong đó có 13 hộ trong Tổ hợp tác thực hiện dự án nuôi bò vỗ béo.
 

Chăm sóc bò vỗ béo đúng kỹ thuật thì 1 năm có thể xuất bán với giá dao động từ 35 – 40 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí cho lãi  trên 10 triệu đồng/con. Đối với các hộ vỗ béo bò 3B, đến khi xuất chuồng giá dao động 50 triệu đồng/con, cho lãi sau khi trừ chi phí gần 20 triệu đồng/con. Bình quân mỗi năm trừ chi phí mỗi hộ cho thu nhập đạt 200 - 250 triệu đồng so với trước khi thực hiện dự án; giải quyết việc làm thường xuyên cho 13 lao động.


Bên cạnh đó, sau 2 năm thực hiện dự án đã kết nạp được 78 hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội, nâng tổng số toàn xã lên 2.060 hội viên (đạt 94,6% so với hộ nông dân). 100% hộ tham gia dự án đã đóng góp xây dựng Quỹ HTND với mức 100.000đ/hộ/năm và tổ chức vận động mỗi một hội viên đóng góp 10.000đ/năm, đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Hội ND huyện giao. Các hộ hội viên, nông dân có sự liên kết chặt chẽ với nhau, từng bước hình thành quy mô phát triển hàng hóa, tăng số lượng, chất lượng đàn bò để cung cấp sản phẩm thịt cho thị trường tiêu thụ, tăng nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Từ hiệu quả của mô hình mang lại, năm 2020, Hội ND xã tiếp tục thành lập mới 03 Tổ hợp tác Chăn nuôi bò; Hội ND huyện chỉ đạo thành lập chi Hội ND nghề nghiệp chăn nuôi bò tại xã vào quý I năm 2021.
 
 
Theo định hướng, thời gian tới, xã Đồng Luận trước đây nay là xã Đồng Trung tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ, nguồn thức ăn xanh phục vụ nuôi bò thịt; đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng gia trại, trang trại để tăng giá trị ngành chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn bò, tạo điều kiện để đàn bò thịt phát triển mạnh mẽ. Mô hình vỗ béo bò lấy thịt là hướng đi hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi, mở ra hướng đi phù hợp đối với nhiều nông hộ, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Có thể nói, dự án nuôi vỗ béo bò lấy thịt do Quỹ HTND Trung ương giải ngân đã hỗ trợ kịp thời cho hội viên, nông dân trong xã tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế; đồng thời, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; tạo được sự gắn kết giữa hội viên, nông dân với tổ chức Hội. Từ đó từng bước xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lý Quang Đại
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Hiệu quả từ nuôi dê sinh sản