Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản
Ngày 29/5, tại Hà Nội, Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo phổ biến và hướng dẫn triển khai Thông tư số: 27/2023/TT-BYT ngày 29/12/2023 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; kết hợp vận động chính sách cho nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em Đinh Anh Tuấn cho biết, mạng lưới y tế thôn bản ở Việt Nam có từ rất sớm và đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Đáng chú ý, cô đỡ thôn bản là những người sinh sống tại cộng đồng, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn tại cộng đồng.Đến nay, cả nước có hơn 1.500 cơ đỡ thôn, bản đang hoạt động tại các địa phương. Để trở thành cô đỡ thôn, bản, đội ngũ này phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế.
Đến nay, chưa cô đỡ thôn, bản nào để xảy ra tai biến cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhân viên y tế thôn, bản, ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình. Trước đây đội ngũ y tế thôn, bản chỉ sơ cứu ban đầu, nhưng hiện nay đội ngũ này còn có chức năng phát hiện nguy cơ, chăm sóc dinh dưỡng, tư vấn sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đặc biệt đội các nhân viên y tế thôn, bản đã thể hiện rất tốt vai trò của mình trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn cho biết thêm, sau khi Thông tư số: 07/2013/TT-BYT, ngày 8/3/2013 được ban hành, cô đỡ thôn, bản được công nhận là một loại hình nhân viên y tế thôn, bản. Tuy nhiên, để đáp ứng với nhu cầu thực tế Thông tư số: 07/2013/TT-BYT cần có những chỉnh sửa cho phù hợp điều kiện hiện tại, phù hợp Luật Khám, chữa bệnh hiện hành. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã đưa hình thức khám chữa bệnh tại nhà vào trong các hình thức khám, chữa bệnh. Cô đỡ thôn, bản được phép làm các kỹ thuật như: đỡ đẻ, khám thai, chăm sóc sau sinh tại nhà.
Đây là lý do Bộ Y tế chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư số: 27/2023/TT-BYT, ngày 29/12/2023 Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản để thay thế Thông tư số: 07/2013/TT-BYT trước đây. Bộ Y tế đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương để xây dựng nội dung cho phù hợp thực tiễn và Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, qua đó góp phần từng bước củng cố, phát triển đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản; đội ngũ cô đỡ thôn, bản một cách hiệu quả nhất.
Thông tư số: 27/2023/TT-BYT có 11 Điều, quy định tiêu chuẩn, chức năng, và nhiệm vụ, phạm vi hoạt động khám chữa bệnh với nhân viên y tế thôn, bản cô đỡ thôn, bản; nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản. Các điều quy định về tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành, điều khoản tham chiếu, điều khoản chuyển tiếp, trách nhiệm thi hành. Ngoài ra, Thông tư có năm phụ lục kèm theo gồm 50 danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đối với nhân viên y tế thôn, bản; 76 danh mục chuyên môn khám, chữa bệnh đối với cô đỡ thôn, bản; 20 nội dung chuyên môn nghiệp vụ đối với nhân viên y tế thôn, bản; 20 nội dung chuyên môn nghiệp vụ về nội dung đào tạo chuyên môn đối với cô đỡ thôn, bản; chín nội dung về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ nhân viên y tế thôn, bản kiêm nhiệm cô đỡ thôn, bản.
Đáng chú ý, Thông tư số: 27/2023/TT-BYT quy định rõ: nhân viên y tế thôn, bản phải hoàn thành chương trình và được cấp chứng chỉ theo nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tối thiểu 3 tháng, có trình độ chuyên môn về y từ trung cấp trở lên (quy định cũ là từ sơ cấp trở lên) và tự nguyện tham gia làm nhân viên y tế thôn, bản. Đối với cô đỡ thôn, bản hoàn thành chương trình được cấp chứng chỉ theo nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ quy định thời gian đào tạo tối thiểu chín tháng, có trình độ chuyên môn về y từ trung cấp trở lên.Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số: 27/2023/TT-BYT; nguồn kinh phí hỗ trợ hằng tháng cho nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản để duy trì, phát triển đội ngũ này cả về số lượng và chất lượng để góp phần phát triển hệ thống y tế cơ sở ngày càng vững mạnh tại địa phương mình.