Nhằm phát triển quan hệ hợp tác với các hiệp hội cựu học viên và những đại diện đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở châu Á, ngày 3/10, Cơ quan hợp tác Liên bang Nga đã tổ chức Diễn đàn học viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga (ngày nay) tại Hà Nội.
|
Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp hình lưu niệm. |
Tham dự sự kiện, có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ; Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.
Về phía Liên bang Nga, có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko; Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga Pavel Anatolyevich Shevtsov.
Chương trình còn có sự góp mặt của Ban chấp hành Hội cựu học viên Nga ở các nước châu Á, cùng đại diện nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trên cả nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ nhấn mạnh: “Nền giáo dục của Liên bang Nga có uy tín cao ở Việt Nam. Việc đào tạo được thực hiện ở các cấp, bậc từ dự bị đến đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo lại. Những năm gần đây, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Điều đó được minh chứng bằng các văn kiện hợp tác về giáo dục và đào tạo đã được ký kết suốt thời gian qua và sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới”.Ông Đinh Công Sỹ cũng chia sẻ, truyền thống tiếp nhận nền giáo dục ở Liên bang Nga của nước ta được thực hiện liên tục và xuyên suốt trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước. Và một trong những người đặt nền móng cho hành trình ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Người từng theo học tại Trường đại học Lao động Cộng sản phương Đông ở Moscow. Người nói và viết tiếng Nga rất thành thạo. Năm 2023 đánh dấu tròn 100 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Nga.
Tiếp nối truyền thống đó, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đã lựa chọn theo học tại các trường đại học, học viện của Liên bang Nga. Hằng năm, có khoảng 5.000 sinh viên nước ta theo học tại các cơ sở đào tạo ở Nga. Sau khi tốt nghiệp, không ít người đã trở về nước và nắm giữ những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực.
Thực tế cho thấy, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ở Nga đã có những đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Họ là cầu nối cho mối quan hệ bền chặt, nghĩa tình giữa nhân dân hai nước. Điều này không chỉ là sự tin tưởng về chất lượng đào tạo mà còn thể hiện sự yêu mến của người dân Việt Nam với con người và văn hóa Nga.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay cần tiếp tục gìn giữ và phát huy mối quan hệ tốt đẹp mà Việt Nam và Liên bang Nga đã cùng nhau vun đắp trước đó. Ông cũng đề cập, năm 2024, hai nước sẽ kỷ niệm một số ngày quan trọng và đáng nhớ trong mối quan hệ song phương. Đây là những sự kiện đặt nền móng cho tình hữu nghị và sự tương trợ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao vai trò tích cực của các trường đại học ở Nga trong quá trình thúc đẩy về hợp tác giáo dục, đào tạo. Hiện có hơn 350 thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục bậc cao giữa hai nước. Mục tiêu của các thỏa thuận này là hướng tới sự trao đổi một cách cởi mở các ý tưởng, tổ chức các hoạt động nghiên cứu chung, cùng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm cải thiện chất lượng đào tạo.
Đánh giá về ý nghĩa của diễn đàn, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Diễn đàn là cơ hội để chúng ta nhìn lại sự giúp đỡ quý báu của Liên bang Nga dành cho Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa tình hữu nghị truyền thống sâu sắc, những đóng góp, hợp tác hiệu quả của hai quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.