Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 22/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng" năm 2023. Bên cạnh việc giải đáp mọi thắc mắc của học sinh, các chuyên gia cũng đưa ra những lưu ý để học sinh lựa chọn nguyện vọng chính xác nhằm tăng tối đa cơ hội trúng tuyển vào những trường đại học, cao đẳng yêu thích, phù hợp.
|
Thí sinh tại Ngày hội "Lựa chọn nguyện vọng" năm 2023. |
Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thu Thủy cho biết: Đây là thời điểm rất quan trọng để thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đến ngày 22/7, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, mới chỉ có gần 390 nghìn thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển, đạt tỷ lệ khoảng 37%. Trong đó, có khoảng 72 nghìn thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng. Vì vậy, Vụ trưởng Giáo dục đại học đưa ra lời khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, ngược lại cũng không nên đăng ký quá ít, đặc biệt đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro.
Điều này từng xảy ra ở những năm trước khi có những em rất tự tin có thể trúng tuyển, thậm chí đã trúng tuyển có điều kiện rồi, nhưng lại không nghiên cứu kỹ điều kiện sơ tuyển nên khi hậu kiểm, đã dẫn tới những sơ suất không đáng có. Để tránh rủi ro, thí sinh cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường, từ đó có lựa chọn phù hợp.
Các em nên mạnh dạn đăng ký nguyện vọng mình yêu thích, với ngành học mà mình đam mê thì đặt lên thứ tự đầu tiên và có chiến thuật phân bổ nguyện vọng vào các nhóm ngành phù hợp để tăng hiệu quả, bảo đảm khả năng trúng tuyển cao nhất.
Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa Nguyễn Phú Khánh chia sẻ, kinh nghiệm các năm trước cho thấy, thí sinh không có "chiến thuật" tốt trong sắp xếp nguyện vọng có thể bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các ngôi trường yêu thích, thậm chí không thể trúng tuyển đại học vì những sai lầm không đáng có.
Năm nay, nhờ Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ không bị nhầm lẫn trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau cũng như các tổ hợp. Các em chỉ cần chọn ngành, trường mà mình mong muốn. Điều này giúp thí sinh giảm sai sót trong quá trình xét tuyển.
Các năm trước, nhiều thí sinh mắc phải các sai sót về mặt kỹ thuật khi lựa chọn nhầm phương thức, tổ hợp, cuối cùng không đạt kết quả tốt nhất thì năm nay, Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ưu việt hơn, cho phép thí sinh không cần chọn phương thức, tổ hợp nữa.
Lưu ý cho thí sinh trong việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, Đào Văn Đông nêu rõ, thí sinh cần cân nhắc kỹ ba tiêu chí đó là sở thích; phổ điểm của thí sinh đã có phù hợp với phổ điểm của các chuyên ngành, các trường trong hai năm gần đây và cuối cùng là lựa chọn ngành nghề mà xã hội cần. Đây là những tiêu chí cần thiết để các em ra trường có được việc làm tốt sau này.
Tại ngày hội, nhiều bậc cha mẹ lúng túng về việc con trúng tuyển sớm vào các trường đại học nhưng vẫn có nguy cơ trượt khi đăng ký trên Hệ thống xét tuyển chung. Giải đáp băn khoăn này, Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy khẳng định, trường hợp thí sinh đã có thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm và đủ các điều kiện đi kèm trên hệ thống, thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn thí sinh sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển.
Trường hợp nếu thí sinh không được trường gọi nhập học thì làm đơn gửi lên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giải quyết. Tuy nhiên, thực tế từ năm trước, nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng lại không đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển này lên Hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp như vậy đã mất đi cơ hội trúng tuyển của chính mình.
Vì cho dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì thí sinh vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông lên Hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, nộp lệ phí đầy đủ với các nguyện vọng có đăng ký.
Đối với vấn đề bảo lưu kết quả sau khi được thông báo trúng tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trường hợp muốn bảo lưu, trước hết, thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển. Nếu không xác nhận, thí sinh được xem như đã từ chối nhập học, trường sẽ tuyển thí sinh khác.
Sau khi đăng ký nhập học, thí sinh phải học một học kỳ hoặc trình bày với trường lý do để được bảo lưu kết quả. Một số trường hợp thí sinh chưa chính thức học tập nhưng phải đi nghĩa vụ quân sự hoặc có lý do đau ốm và có xác nhận của cơ quan chuyên môn, cũng có thể được trường cho phép bảo lưu kết quả. Nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt, vì thế, việc bảo lưu kết quả trúng tuyển là có thể được, nhưng cần đúng quy định chứ không phải ai cũng bảo lưu kết quả để đi học thử nơi khác.