Lựa chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển vào đại học vừa phù hợp sở trường, năng lực, vừa phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực là mối quan tâm của đông đảo thí sinh cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, bên cạnh một số nhóm ngành tuyển sinh tốt, vẫn còn một số nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao nhưng tuyển sinh kém.
|
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Phenikaa năm 2023 |
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, trong ba năm vừa qua, tỷ lệ trúng tuyển nhập học trong tuyển sinh khá cao, đạt từ 83,39% đến 94,08% so với chỉ tiêu. Phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng nhập học đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu, trong đó có 194/330 cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học đạt trên 80%. Năm 2022, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển lĩnh vực đào tạo kinh doanh và quản lý cao nhất, chiếm 24,56%; tiếp đến là lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin 11,81%; công nghệ kỹ thuật 9,21%; nhân văn 8,7%; sức khỏe 6,3%; khoa học xã hội và hành vi 5,34%; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 5,11%; kỹ thuật 4,86%; luật 4%; kiến trúc xây dựng 3,7%...
Tuy nhiên, cũng có một số cơ sở đào tạo, cũng như một số ngành, lĩnh vực tuyển sinh kém. Năm 2022 có 94/440 ngành tuyển sinh kém (đạt dưới 50% so với chỉ tiêu). Ðáng chú ý, trong ba năm liền, bốn lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Thực tế tuyển sinh những năm qua, một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu, quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn nhưng luôn có kết quả tuyển sinh rất thấp.
Ðáng chú ý, một số ngành có nhiều cơ hội việc làm, doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân sự nhưng vẫn khó tuyển sinh do trào lưu lựa chọn ngành nghề của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được các cơ sở đào tạo gia tăng quá mạnh chỉ tiêu so với khả năng thu hút thí sinh, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng.
Phân tích thực tế quá trình tuyển sinh, PGS, TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, hiện nay, nhiều thí sinh lựa chọn ngành học theo phong trào, theo sự chỉ định của gia đình, người thân; hoặc đơn giản là thấy bạn mình chọn ngành học đó nên cũng chọn theo. Cũng có những em lựa chọn theo xu thế xã hội, nhưng thực tế các em cũng chưa chắc đã hiểu biết hay yêu thích ngành đó.
Vì vậy, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần xét xem bản thân mình thích ngành gì, năng lực bản thân có phù hợp không. Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng khi chọn ngành nghề, quan trọng nhất là xét năng lực của mình đến đâu, có yêu thích hay không và nhu cầu xã hội về ngành nghề đó thế nào, và cuối cùng là thu nhập ra sao.
Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo), tâm lý của hầu hết thí sinh khi chọn ngành đào tạo đều mong muốn sau khi tốt nghiệp có thể được làm một công việc vừa phải, có thu nhập cao, có hình ảnh đẹp, làm việc nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng hiểu hết về ngành nghề, công việc mà các em quan tâm. Thí dụ ngành nghề nông, lâm thủy, hải sản hiện nay đều được đào tạo công nghệ cao chứ không phải thủ công như trong suy nghĩ của phần lớn các sinh viên. Các trường đã ứng dụng công nghệ cao trong giảng dạy và thực hành.
Qua đó để thấy rằng, việc truyền thông cho thí sinh, sinh viên là rất cần thiết để thay đổi định kiến, giúp các em có cái nhìn toàn diện về cơ hội nghề nghiệp của các ngành học sau khi tốt nghiệp. Chúng ta tăng cường các hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn ngành nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông, nhất là chú trọng truyền thông về cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp đối với những ngành nghề khó tuyển sinh nhưng thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước ■