Khoảng 354.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư, con số gấp nhiều lần so với 30 năm trước, nhiều người khám ở giai đoạn muộn, tỷ lệ tử vong cao.
|
Người dân thăm khám sức khỏe tại sự kiện sáng 8/4 |
Thông tin được Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại sự kiện Ngày Sức khỏe thế giới năm 2023, sáng 8/4.
Theo thống kê của ngành ung thư, mỗi năm Việt Nam có hơn 182.000 ca mắc mới, trên 122.000 người tử vong do bệnh này, gấp 18 lần tử vong vì tai nạn giao thông. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm toàn cầu có gần 20 triệu ca mắc mới ung thư và hơn 10 triệu người tử vong vì căn bệnh, 2/3 là ở các nước đang phát triển.
"Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư. Con số này có xu hướng ngày càng gia tăng, gấp nhiều lần so với 30 năm trước", ông Thuấn nói, thêm rằng cứ 100.000 người Việt, có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong. Hiện ngành y tế chưa công bố số liệu người Việt mắc ung thư 30 năm trước.
10 loại ung thư phổ biến nhất, lần lượt là gan, sau đó đến phổi, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng, bạch cầu, tuyến tiền liệt, vòm họng và tuyến giáp.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến khám ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ tử vong cao.
"Yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi ung thư là việc phát hiện sớm hay muộn. Khả năng sống thêm cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp", thứ trưởng Thuấn nhận định.
Điều trị ung thư phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch. Trong đó, miễn dịch là liệu pháp mới có nhiều triển vọng, nhiều bệnh nhân khỏi ung thư nhờ "vũ khí" này.Cũng theo ông Thuấn, mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi. Các bệnh không lây nhiễm có khuynh hướng tăng, trong khi bệnh lây nhiễm giảm. Trong đó, 4 bệnh không lây nhiễm chính đang tăng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, gồm: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và rối loạn tâm thần.
"80% tác nhân gây tử vong ở người là do các bệnh không truyền nhiễm", ông Thuấn nói và nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều yếu tố liên quan như môi trường, vận động, dinh dưỡng.
Thứ trưởng kêu gọi mọi người nên ý thức bảo vệ sức khỏe ngay khi chưa có bệnh, bằng hành động như vận động, đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày; bỏ thuốc lá, tránh xa môi trường khói thuốc; dinh dưỡng hợp lý, trong khẩu phần ăn có nhiều rau quả, hàm lượng ngũ cốc, protein hợp lý.
"Người dân cũng nên quan tâm sức khỏe bằng cách đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở tuổi sau 35. Phát hiện sớm có thể loại trừ hoàn toàn nhiều bệnh", ông Thuấn khuyên.