6 lý do khiến cơn đau tim tấn công người trẻ
15:49 - 19/05/2023
Một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, dùng chất gây nghiện, lối sống không lành mạnh có thể khiến những người trẻ tuổi lên cơn đau tim.
Người trẻ cũng có nguy cơ bị đau tim do mắc một số bệnh lý hay thừa cân, béo phì. Ảnh: Freepik


Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu cung cấp máu cho tim bị gián đoạn đột ngột. Một số nghiên cứu về nguy cơ xơ vữa động mạch ở người trẻ tuổi đã ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ các cơn đau tim ở nhóm người này, đặc biệt ở phụ nữ trẻ. Các nhà nghiên cứu lưu ý các yếu tố rủi ro khác nhau ảnh hưởng đến thanh niên:

Bệnh tiểu đường

Những người trẻ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người không mắc bệnh tiểu đường. Trong đó phải kể đến tình trạng huyết áp cao hoặc cholesterol cao, làm tăng nguy cơ bị đau tim ở người bệnh.

Huyết áp cao

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thu thập dữ liệu từ hơn 12.000 thanh niên trong độ tuổi 12-19 từ năm 2001 đến năm 2016 và kết quả là cứ 7 thanh niên thì có hơn một người bị huyết áp cao trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016.

Những người trẻ tuổi mắc bệnh béo phì và tiểu đường có nhiều khả năng bị huyết áp cao khi trưởng thành. Tất cả các yếu tố nguy cơ này đều có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Thừa cân và béo phì

Nghiên cứu năm 2018 công bố trên tạp chí thuộc Hiệp hội Tim Mạch Mỹ (Circulation) cho thấy, những người có chỉ số BMI cao, bao gồm cả người trẻ tuổi, có nguy cơ suy giảm sức khỏe tim mạch. Phổ biến nhất là tình trạng huyết áp cao và tăng chỉ số khối cơ thất trái.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, cứ mỗi đơn vị BMI tăng thêm đều có liên quan đến nguy cơ huyết áp cao. Tình trạng này cũng liên quan đến việc tăng độ dày và kích thước của tâm thất trái, yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong đột ngột vì bệnh tim. Tâm thất trái là một trong những ngăn dưới của tim chịu trách nhiệm bơm máu đi khắp cơ thể.
Hút thuốc

Người hút thuốc có nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim và đột quỵ tăng gấp 3 lần so với người không hút, đặc biệt những người trẻ bắt đầu hút thuốc trước 15 tuổi có nguy cơ cao nhất.

Dữ liệu từ một số nghiên cứu thống kê rằng, những người tham gia nghiên cứu bắt đầu hút thuốc trong độ tuổi từ 10-14 có nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn. Bên cạnh đó, nếu một người bỏ hút thuốc ở tuổi 40, nguy cơ tử vong sớm sẽ giảm khoảng 90%.

Thuốc lá điện tử được cho là ít gây hại hơn thuốc lá điếu nhưng điều này không có nghĩa chúng là an toàn. Một nghiên cứu năm 2022 tạp chí thuộc Hiệp hội Tim Mạch Mỹ lưu ý, hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài có tác động gây tổn hại đến lớp nội mô (lớp lót bên trong của mạch máu giúp máu lưu thông trơn tru).

Lạm dụng chất gây nghiện

Lạm dụng các chất gây nghiện có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh tim ở một người trẻ tuổi sớm hơn. Nghiên cứu năm 2021 đã điều tra mối quan hệ giữa việc sử dụng chất kích thích và sự phát triển sớm của bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (tích tụ mảng bám) gọi là ASCVD. Theo đó những người mắc ASCVD hầu như đều có thói quen sử dụng thuốc lá, rượu, cocain hoặc cần sa từ thời còn trẻ, trong đó phụ nữ có nguy cơ cao hơn.

Di truyền

Các vấn đề về tim cũng có thể di truyền từ cha mẹ sang con. Thống kê từ CDC Mỹ cho thấy cứ 250 người thì có một người mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình, một chứng rối loạn di truyền làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch vành ở độ tuổi trẻ hơn.

Các bệnh tim khác có tính di truyền bao gồm: bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim gia đình, hội chứng đột tử do rối loạn nhịp tim...

Người trẻ tuổi có thể phòng tránh đau tim bằng cách hiểu rõ tiền sử gia đình, ăn uống điều độ, tập thể dục và khám sức khỏe định kỳ. Cơn đau tim ngoài đau ngực có thể kèm theo các triệu chứng như khó thở, buồn nôn hoặc nôn, đau lưng, đau hàm. Tình trạng này cần được thăm khám và điều trị sớm.


 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường