Chú trọng chất lượng nghiên cứu khoa học trong trường học
09:03 - 23/03/2023
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học và giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng dạy-học. Tại thành phố Đà Nẵng, việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học được các nhà trường đặc biệt quan tâm, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, học sinh đoạt giải thưởng, có tính ứng dụng thực tiễn cao.
Sinh viên thăm gian hàng triển lãm sản phẩm công nghệ (BKDN Techshow) năm 2022.


Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học và giáo dục phổ thông tại thành phố Đà Nẵng được chú trọng đầu tư, trong đó, đặc biệt phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn. 5 năm qua, Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học đã trở thành địa chỉ tin cậy, thu hút hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố tham gia, qua đó các em được thể hiện tài năng, trí tuệ của mình.

Riêng năm 2022 có hơn 500 đề tài tại các vòng thi cơ sở ở các trường và có 123 đề tài gửi về vòng thi cấp thành phố, trong đó 33 đề tài vào vòng chung kết. Hầu hết các đề tài này gần gũi và thực tế, có khả năng ứng dụng cao.

Đánh giá về Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2022, đồng chí Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Thường trực ban tổ chức Cuộc thi cho biết: Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên và sự hưởng ứng tích cực của các trường đại học, cao đẳng với các vòng thi sôi nổi từ cấp khoa, trường.

Các đề tài được lựa chọn trao giải cao đạt chất lượng tốt, nhiều đề tài có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học là một trong những mục tiêu lớn mà Đại học Đà Nẵng chú trọng, đặc biệt lan tỏa trong sinh viên. Tại Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hiệu quả vào thực tế.

Đặc biệt, năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trường đã cho ra đời các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 như: Robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm trong bệnh viện, máy rửa tay sát khuẩn tự động, xe chở bệnh nhân Covid-19,...

Năm 2022, các đề tài tham gia Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng có nhiều đột phá với thành quả nghiên cứu mới, có ý nghĩa thực tiễn cao. Như đề tài của nhóm tác giả đến từ Khoa Y dược (Đại học Đà Nẵng) với đề tài "Tổng hợp các dẫn xuất mới chứa nhân 2-aminothiazole-3-ium và đánh giá hoạt tính kháng khuẩn", đóng góp kết quả cho hoạt động y học trong vấn đề tìm kiếm các dẫn xuất kháng khuẩn.

Nhóm tác giả đến từ Khoa Kinh doanh Quốc tế (Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) với đề tài nghiên cứu nhằm bổ sung cho sự thiếu hụt của các tài liệu liên quan đến tính thẩm mỹ trong bối cảnh ứng dụng ngân hàng di động tại Việt Nam.

Mới đây, nhóm sinh viên Khoa Cơ khí của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng xuất sắc giành giải nhì Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc - Euréka lần 24 năm 2022 với đề tài "Nghiên cứu thiết bị hỗ trợ người bị run tay". Điều đáng ghi nhận là đề tài của các em đưa ra với giải pháp thiết thực, mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực y tế. Nhóm sinh viên thực hiện là hai em Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng, lớp 19C1.

Chia sẻ về thành quả này, sinh viên Bạch Ngọc Bích Đào cho biết: Đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, là một loại hình nghiên cứu ứng dụng trên cơ thể người, đặc biệt là ở tay. Nghiên cứu hướng tới bệnh nhân bị bệnh lý rung tay chân Parkinson, thay vì dùng thuốc điều trị có thể dùng thiết bị này để hạn chế rung động ở tay trong quá trình làm việc cũng như các quá trình nghỉ ngơi khác.

Đề tài đã được Trung tâm y tế quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đánh giá cao và có khả năng ứng dụng trên bệnh nhân bị bệnh run tay. Thiết bị sử dụng mô-men quán tính con quay hồi chuyển, hoạt động dựa trên nguyên tắc mô-men động lượng. Các đĩa quay giống như bánh đà bên trong con quay hồi chuyển sẽ hấp thụ các lực nhiễu (run tay). Do đó sẽ làm giảm đáng kể hiện tượng run tay.

Để đánh giá hiệu quả, nhóm sử dụng hai cảm biến đo dao động tần số 3-7Hz, phân tích trên máy đo hình sin. Khi thử nghiệm sản phẩm trên hai bệnh nhân Parkinson, nhóm nhận thấy mức độ run tay của họ giảm 70%, có thể cầm nắm những vật nhỏ như điện thoại, bút.

Nhóm giảng viên Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội và một số cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng vừa nghiên cứu thực hiện cải tiến, tối ưu hóa cấp phối để tạo ra loại bê-tông xuyên sáng (đã có trên thế giới) tạo tiền đề cho việc ứng dụng rộng rãi. Đại diện nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hải chia sẻ: Kết quả lớn nhất mà nghiên cứu thu được là phát triển được cấp phối bê-tông vừa có độ dẻo rất cao, vừa bảo đảm được cấu trúc đặc chắc sau khi đóng rắn, vừa có tính bám dính cao với các sợi quang.

Điều này giúp phát triển bê-tông xuyên sáng cân bằng được việc bảo đảm cường độ cao (hơn 80Mpa) với mật độ bố trí sợi quang cao là 7,1% trong khi các nghiên cứu về loại vật liệu này hiện nay dừng ở mức cường độ 40-65Mpa khi mật độ sợi quang tối đa là 5%. Đây là tiền đề quan trọng để sản xuất các tấm bê-tông xuyên sáng mỏng hơn và sáng hơn sau này. Ngoài ra, một số kết quả về mức độ truyền sáng, quan sát cấu trúc,... cũng tạo ra một cơ sở dữ liệu để cho các nghiên cứu sau này.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, phong trào nghiên cứu khoa học có ý nghĩa sống còn đối với bất cứ một trường đại học nào. Bên cạnh đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của cả giảng viên và sinh viên chính là động lực để phát triển và cũng là giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng đào tạo.
Nguồn: nhandan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng