Tiết kiệm thực sự thú vị hơn những gì bạn vẫn nghĩ. Tùy thuộc vào mục tiêu mà mỗi người sẽ có một con số tiết kiệm phù hợp mỗi tháng.
Tiết kiệm thực sự thú vị hơn những gì bạn vẫn nghĩ. Tùy thuộc vào mục tiêu mà mỗi người sẽ có một con số tiết kiệm phù hợp mỗi tháng và những điều dưới đây sẽ giúp bạn xác định con số đó của mình.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của tài chính cá nhân là tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, nhiều người gặp khó khăn ngay từ đầu khi không chắc chắn nên bắt đầu từ đâu. Nhớ rằng, số tiền bạn nên tiết kiệm mỗi tháng sẽ khác nhau dựa trên mục tiêu của bạn. Dưới đây là những điều bạn cần biết để quyết định số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng.
Bạn nên tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng?
Đối với nhiều người, quy tắc 50/30/20 là một cách tuyệt vời để chia nhỏ thu nhập hàng tháng. Theo quy tắc lập ngân sách này, bạn nên phân bổ 50% thu nhập hàng tháng của mình cho các khoản cần thiết (nhà ở, hàng tạp hóa, tiền điện nước…), 30% thu nhập cho các khoản bạn muốn (giải trí, du lịch, mua sắm…) và 20% thu nhập để tiết kiệm.
Tại sao 20% lại là con số được đưa ra?
Có nhiều lời khuyên khác nhau liên quan đến việc việc tiết kiệm dù là với mục tiêu tiết kiệm hưu trí hay tiết kiệm quỹ khẩn cấp song nhìn chung đều là dành ra từ 10% đến 20% thu nhập của bạn cho việc tiết kiệm.
Nếu bạn không thể tiết kiệm 20% thu nhập của mình, hãy tiết kiệm bất cứ đồng nào bạn có thể. Mục tiêu của chúng ta là dần tăng mức tiết kiệm lên để đạt con số 20% thu nhập cho tiết kiệm hưu trí và tiết kiệm khẩn cấp.
Chuyên gia lập kế hoạch tài chính Laura Davis cho biết: “Không có một tỷ lệ phần trăm nào là phù hợp với tất cả mọi người, điều quan trọng là hãy bắt tay ngay vào tiết kiệm.”
Bạn nên gửi những đồng tiền tiết kiệm vào đâu?
Chuyên gia tài chính Chad Parks, Giám đốc điều hành và là người sáng lập của Ubiquity Retirement Savings, cho biết để quyết định phân chia cho tiết kiệm khẩn cấp hay hưu trí, hãy bắt đầu với những nhu cầu tức thời nhất của bạn.
Cụ thể, chuyên gia này khuyên bạn nên tìm ra số tiền mình có thể tiết kiệm mỗi tháng và sau đó quyết định nơi đi. Nếu bạn chưa tiết kiệm được ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt, Parks khuyên bạn nên phân bổ 80% số tiền tiết kiệm được để xây dựng quỹ khẩn cấp và dành phần còn lại cho việc nghỉ hưu sau này. Khi bạn đạt đến một mức tiết kiệm khẩn cấp nhất định, tỷ lệ này nên thay đổi để ưu tiên cho việc nghỉ hưu .
Ví dụ: Giả sử bạn kiếm được 3.500 đô la mỗi tháng và có đủ khả năng để dành 10% thu nhập cho việc tiết kiệm (tương đương 350 đô la). Nếu bạn đang xây dựng quỹ khẩn cấp, bạn nên bỏ 280 đô la sang một bên cho mục đích đó và 70 đô la còn lại sẽ dành cho việc nghỉ hưu. Tùy thuộc vào tình huống mà bạn có thể muốn điều chỉnh những con số đó.
Hãy xem xét tình hình và nhu cầu cá nhân của bạn để đưa ra quyết định phù hợp với chính mình. Mục tiêu cuối cùng là tăng những gì bạn tiết kiệm được. Nếu bạn không đủ khả năng để dành ra 10%-20% thu nhập cho việc tiết kiệm, hãy bắt đầu từ những gì bạn có thể và sau đó dần tăng khoản tiết kiệm của mình lên.
Các cách giúp bạn tăng khoản tiết kiệm
Theo dõi chi tiêu của bạn: Có thể là thông qua ứng dụng, bảng tính hoặc đơn giản là ghi chép trong một cuốn sổ. Nếu không nắm được bạn có bao nhiêu và đang chi cho những gì, bạn sẽ không thể tiết kiệm hiệu quả.
Tự động hóa khoản tiết kiệm của mình: Thay vì tiết kiệm những đồng tiền còn sót lại sau khi đã chi tiêu hết, hãy thiết lập chế độ tự động gửi một khoản nhất định sang tài khoản tiết kiệm mỗi khi có thu nhập phát sinh. Vậy là bạn không còn phải nghĩ mình sẽ tiết kiệm bao nhiêu tháng này.
Xây dựng thói quen tiết kiệm tốt: Ngay cả khi bạn không thể dành 10% thu nhập mỗi tháng cho việc tiết kiệm thì việc xây dựng thói quen luôn rất quan trọng. Mỗi khoản tiền tiết kiệm dù nhỏ thôi cũng sẽ góp phần giúp bạn ngày càng đến gần hơn với mục tiêu tài chính.
Tăng dần khoản tiết kiệm: Một khi đã xây dựng được cho mình thói quen tiết kiệm, hãy tăng dần con số tiết kiệm mỗi khi bạn đạt được cột mốc mới. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng số tiền đó đi đến nơi mang lại hiệu quả tốt nhất.
Xem xét nơi bạn đầu tư tiền của mình: Chìa khóa của chiến lược tiết kiệm thành công nằm ở sự tiến bộ không ngừng.
Cập nhật các khoản tiết kiệm sau mỗi sự kiện lớn trong đời: Mỗi khi bạn thay đổi công việc, được tăng lương hoặc được thưởng, hãy tăng số tiền tiết kiệm của mình thay vì nghĩ sẽ tiêu nó vào việc gì.