Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ cân nhắc phương án dạy môn Sử
14:08 - 19/05/2022
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ cân nhắc các phương án dạy môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến chuyên gia.
 


Sáng 12/5, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì buổi tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và môn Lịch sử bậc trung học phổ thông. Ông Sơn cùng các thành viên Ban phát triển chương trình, Hội đồng thẩm định chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã nghe nhiều ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử.

Bộ Giáo dục cho biết, các chuyên gia đều khẳng định chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đúng đường lối; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, ông Sơn cho biết.

Theo kế hoạch Giáo dục phổ thông mới, chương trình lớp 10 từ năm học 2022-2023 chỉ yêu cầu học sinh học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Như vậy, Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp THPT chứ không bắt buộc như trước đây.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thông qua từ năm 2018. Sau bốn năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10, chương trình vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi về việc để Lịch sử là môn lựa chọn. Nhiều người cho rằng như vậy là không thỏa đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của môn Sử; thậm chí lo ngại, Lịch sử - nếu không được giảng dạy đầy đủ trong nhà trường - sẽ khiến các thế hệ sau lãng quên quá khứ, ảnh hưởng đến tình yêu đất nước.

Giữa tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc bố trí môn Lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông.

Theo Bộ, chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (năm năm tiểu học và bốn năm THCS) nhằm đảm bảo trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (ba năm THPT) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.

Ở cấp THCS của giai đoạn cơ bản, Lịch sử được dạy từ lớp 6 đến 9, trang bị cho học sinh kiến thức cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. "Ở giai đoạn này, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện", Bộ nhấn mạnh.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử là những nội dung chuyên sâu. Học sinh không học thiên về khoa học xã hội vẫn có thể lựa chọn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ nghề nghiệp mà các em lựa chọn.

Chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy.

Dù chương trình đã thông qua, được lý giải và chuẩn bị đưa vào áp dụng, Bộ vẫn nhận được nhiều ý kiến phản đối. Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và người dân trước kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV chiều 11/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và băn khoăn với việc Lịch sử là môn lựa chọn ở bậc THPT. Cử tri cho rằng việc này có thể gây "hậu quả, hệ lụy khó lường".

Nhiều đại biểu cùng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng chương trình cải cách giáo dục, nhất là đưa Lịch sử thành môn học lựa chọn ở cấp THPT. "Cần đổi mới cách dạy và học để nâng cao chất lượng, chứ không nên để Lịch sử là môn tự chọn", ông Chiến nói và đề nghị Bộ Giáo dục rà soát, nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị để có giải pháp phù hợp.

Dương Tâm
Nguồn: Vnexpress
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng