Không để trẻ hoạt động lâu trong thời tiết quá nóng; nên che dù, đội nón khi ra nắng; mặc áo quần thông thoáng, sáng màu... để ngừa sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống đủ nước, uống nhiều lần trong quá trình hoạt động, không uống một lúc và nhớ mang theo đủ nước khi đi xa phòng trường hợp kẹt xe dưới trời nắng, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Phó Khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyên.
Theo bác sĩ Anh, trẻ bị sốc nhiệt khi hoạt động, vui chơi liên tục trong môi trường nhiệt độ cao, có thể không được cung cấp đủ nước và mặc nhiều áo quần. Sốc nhiệt là tình trạng đe dọa đến tính mạng vì nhiệt độ cơ thể tăng quá cao, trên 40 độ C. Điều này có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể, là tình trạng cấp cứu.
Một số dấu hiệu nhận diện trẻ bị sốc nhiệt là cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, khát nước, kiệt sức hoặc có thể bị chuột rút ở chân, ở lưng đối với các trẻ lớn hơn. Cụ thể, các triệu chứng kiệt sức vì nhiệt ở trẻ là khát nước, nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 39,5 độ C (phải đo nhiệt độ hậu môn) hoặc cao hơn nhưng không đổ mồ hôi; da nóng, đỏ, khô; nhịp tim nhanh, bồn chồn, lú lẫn, mất định hướng; chóng mặt, nhức đầu; nôn, thở nhanh, mệt mỏi, chuột rút, lừ đừ hoặc hôn mê.
Bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ bị sốc nhiệt, phụ huynh cần bình tĩnh để có cách xử trí kịp thời. Để trẻ ra khỏi môi trường có nhiệt độ cao đến nơi có bóng mát, cởi bỏ áo quần. Có thể chườm khăn mát cho trẻ thậm chí xối nước lên người rồi cho trẻ uống nước. Lưu ý, uống nước không có cồn, caffeine hoặc chất kích thích. Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được hồi sức tim phổi khi trẻ không tỉnh và không thở.