Chênh lệch điểm chuẩn vào lớp 10 của bốn trường chuyên ở Hà Nội
15:02 - 16/03/2022
 Amsterdam có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất trong bốn trường có lớp chuyên tại Hà Nội.


Ba năm nay, do phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội thay đổi, thí sinh không còn chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn như trước, nên phương án tuyển sinh vào các trường chuyên cũng thay đổi. Thay vì dựa vào điểm Toán và Ngữ văn (hệ số 1) cộng điểm môn chuyên (hệ số 2), điểm xét tuyển giai đoạn 2019-2021 được tính theo công thức:

Điểm xét tuyển = Toán + Ngữ văn + Ngoại ngữ + Môn chuyên x 2. (Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là các môn không chuyên, thi cùng thí sinh có nguyện vọng vào các trường THPT công lập bình thường).

Tại Hà Nội, có bốn trường THPT có lớp chuyên tuyển sinh theo phương án này gồm: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây.

Dù có hay không có môn Ngoại ngữ khi xét tuyển như giai đoạn trước, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn là trường có đầu vào cao nhất. Sơn Tây lấy điểm thấp nhất. Trong hai trường chuyên Nguyễn Huệ và Chu Văn An, mức điểm trúng tuyển của trường Chu Văn An cao hơn ở hầu hết lớp.

Biểu đồ dưới đây thể hiện sự chênh lệch điểm chuẩn vào từng lớp chuyên ở các trường năm 2021: Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có bảy trong số 12 lớp chuyên lấy điểm trúng tuyển từ 40 trở lên, tức trung bình thí sinh phải đạt từ 8 điểm một môn. Mức 40 này không xuất hiện ở ba trường có lớp chuyên còn lại.

Mức chênh lệch là khá lớn giữa các trường chuyên. Ví dụ cùng lớp chuyên Sinh học, thí sinh đỗ vào chuyên Hà Nội - Amsterdam năm ngoái cần 39,5 điểm (trung bình 7,9 một môn), nhưng với trường Sơn Tây, thí sinh chỉ cần 20,35 (tương đương 4,07 một môn).

Giữa trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An, điểm chuẩn ở một số lớp chuyên cũng chênh nhau nhiều. Lớp tiếng Pháp của Hà Nội - Amsterdam lấy 44, cao hơn Chu Văn An 6,6 điểm.

Không chỉ 2021, những năm trước đó, chênh lệch điểm chuẩn vào lớp chuyên giữa các trường cũng rõ rệt. Thí sinh có thể tham khảo biến động điểm chuẩn hai năm 2019-2020 ở hai biểu đồ dưới đây: Hàng năm, Hà Nội có trên dưới 8.000 thí sinh có nguyện vọng vào bốn trường có lớp chuyên thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong khi tổng chỉ tiêu chưa đến 2.000.

Tỷ lệ chọi vào từng trường cũng chênh lệch. Năm ngoái, một học sinh muốn vào THPT chuyên Nguyễn Huệ phải cạnh tranh với gần 6 bạn khác trong khi ở THPT Sơn Tây, chỉ 8 trong số những thí sinh đăng ký bị trượt.

Thí sinh khi lựa chọn trường chuyên, ngoài các yếu tố như vị trí địa lý, cần lưu ý đến điểm chuẩn các trường để có sự lựa chọn phù hợp với khả năng của mình.


 

Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng