|
3 món đặc sản của Sơn La gồm Ốc suối hấp, Canh rêu suối vào Top 100 món ăn đặc sản và Chè Shan tuyết vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam |
Việc công bố các sản phẩm nói trên nằm trong hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam năm 2020-2021. Ban quản lý Hành trình mong muốn qua việc xác lập kỷ lục có thể tìm kiếm được các món ăn đặc sắc, độc đáo, mới lạ, đặc trưng ở tất cả các bản làng, thôn, xóm, phố, các quận, huyện, thành phố, thị xã rộng khắp ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là hoạt động góp phần tôn vinh giá trị ẩm thực Việt, đồng thời quảng bá ẩm thực Việt rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước, đem lại cái nhìn toàn diện về một nền ẩm thực Việt Nam đa dạng và đầy màu sắc.
Trong danh sách lần này có rất nhiều món ăn, đặc sản mới lạ, độc đáo mang nét đặc trưng tiêu biểu của vùng miền đồng thời thể hiện được sự đa dạng của ẩm thực khắp các vùng miền của Việt Nam. Với các tiêu chí rõ ràng và cụ thể như món ăn mang hơi thở Việt Nam, sử dụng nguyên liệu tự nhiên để pha chế, phù hợp khẩu vị, tốt cho sức khỏe, nguồn gốc xuất xứ văn hóa lịch sử rõ ràng,…
Đến Sơn La, đừng quên thưởng thức 3 đặc sản lừng danh
1. Ốc suối hấp
Đường đi bắt ốc của bà con thường không theo lối mòn nào, cứ phát cây, phát cỏ mà đi, dẫm trên những lớp lá đã mục nằm ếp xuống sau mỗi bước chân người. Trên những lớp lá mục ấy, trên những tảng đá rêu xanh còn ướt sũng sau cơn mưa thi thoảng lại thấy những chú ốc màu nâu đen đang nằm hoặc bò.
Ốc này thường chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp. Chúng thường ra nhiều sau mưa để ăn lá cây. Chỉ cần một đợt mưa rào là tha hồ bắt, nhiều tảng đá bắt được gần 10 con. Những con ốc đá ở đây có hình dáng khá giống ốc núi bà Đen ở Tây Ninh, chúng không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi, ốc bươu vàng, nó phát triển theo chiều ngang, mình dẹt, to trung bình bằng hai đốt ngón tay, miệng loe ra có màu trắng sữa.
Những ngày mưa không đi nương được, ngồi bên đĩa ốc nóng là tuyệt với nhất. Những ngày mưa, có ốc người ta rủ nhau đi bắt đông lắm, nhiều người bỏ cả việc để đi bắt ốc về ăn.
Ốc đá ngoài luộc ra còn có thể chế biến thành nhiều món khác. Thường bà con không xào ốc vì khi xào ốc sẽ ra nhiều nhớt, ăn không ngon. Nếu muốn nấu món canh, đun sôi nước, đổ ốc vào, cho thêm chút muối cho ốc giòn và khỏi tanh. Ốc luộc chín tới rồi đổ ra khuê. Thịt ốc đem nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua…đều ngon. Cầu kỳ hơn người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi.
2. Canh rêu suối
Đến Sơn La, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn cảm nhận sự hấp dẫn của những món ăn đặc sắc của đồng bào Thái đặc biệt là rêu đá – món ăn đặc trưng làm nên hương sắc núi rừng trong văn hóa ẩm thực của người Thái.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đơn giản nhất là canh rêu tươi (kinh tau). Trước khi chế biến thành món ăn phải để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rửa sạch không còn cát sạn. Rêu sau khi rũ hết cát sạn được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn.
Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được 2 - 3 ngày, đồng bào dân tộc Thái cũng tích trữ rêu khô phơi gác bếp để ăn dần hay dùng trong các dịp trọng đại như cưới hỏi, lên nhà mới hay lễ hội.
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là một món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp cũng như nhiều công dụng khác.
Lên cao nguyên Mộc Châu thưởng thức rêu đá – món quà của núi rừng, du khách mới thấy được cái thú ẩm thực của người vùng cao, để rồi chỉ một lần ăn mà nhớ mãi hương vị đặc biệt ấy.
3. Chè Shan tuyết
Mộc Châu là một huyện thuộc tỉnh Sơn La, nằm trên khu vực Tây Bắc, Việt Nam, với độ cao trung bình khoảng 1050m so với mặt nước biển. Nhắc đến Mộc Châu, người ta không chỉ nghĩ đến những thảo nguyên với những đồng cỏ xanh bát ngát, hay những đàn bò làm nên thương hiệu sữa nổi tiếng ở đây, mà nhắc đến mảnh đất này, người ta không thể không kể đến những đồi chè Shan Tuyết Mộc Châu khiến biết bao người yêu trà mê mẩn.
Khác với trà Shan Tuyết ở Hà Giang, Yên Bái hay Tuyên Quang,.. Cây chè Shan tuyết Mộc Châu có một số đặc điểm khác biệt về mặt hình thái: thân cây chè to hơn (vì là thân gỗ, còn các loại thân chè khác là thân bụi); cành và tán cây có phần dài hơn; lá to hơn, dài hơn, có màu xanh đậm hơn và có nhiều răng cưa hơn so với lá của những loại chè khác; mặt dưới lá chè của chè Shan tuyết có một lớp lông trắng. Thành phần cơ giới búp chè và nhất là thành phần sinh hoá búp chè cũng có những khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, đặc tính hình thái sinh vật học chè Shan tuyết Mộc Châu lại không khác biệt nhiều so với chè ở các vùng khác.
Bên cạnh đó, nhờ có độ ẩm cao, lượng mưa nhiều, sương mù bao phủ quanh năm mà búp chè Shan tuyết tại đây có thể tích lũy hương thơm mạnh hơn, hàm lượng tanin và chất hòa tan trong búp chè nơi đây đều cao hơn so với các loại chè được trồng ở nơi khác.
Năm nay, Sơn La vinh dự có 3 sản phẩm gồm món Ốc suối hấp, Canh rêu suối và Chè Shan tuyết lọt Top 100 món ăn đặc sản và đặc sản quà tặng Việt Nam 2020-2021. Với chè Shan Tuyết, đây là sản phẩm được chế biến từ những búp tươi non tinh khiết trên vùng núi cao, quanh năm khí hậu lạnh, sương mù; còn Ốc suối hấp và Canh rêu suối đều là món ăn dân dã dễ tìm kiếm và chế biến ở Sơn La.
Kết quả đạt được kể trên không chỉ khẳng định giá trị của món ăn hay sản phẩm của vùng đất mà còn là cơ hội để thúc đẩy quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực góp phần phát triển du lịch Sơn La. Nếu có dịp đến với Sơn La, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, được thưởng thức ẩm thực Sơn La với các món ăn ngon, từ lâu đã trở thành đặc sản phong phú, hấp dẫn đậm đà bản sắc của vùng Tây Bắc.
|