Những lễ hội độc đáo gắn với con trâu
12:11 - 23/03/2021
“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, không chỉ gắn với sản xuất nông nghiệp, mà từ ngàn xưa đã đi vào văn hóa tinh thần của người Việt, trong tín ngưỡng dân gian và đặc biệt là trong các lễ hội.

Nhắc đến lễ hội về trâu không chỉ có Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, mà ở nhiều địa phương miền Bắc có những lễ hội trâu rất độc đáo truyền nối từ xa xưa, có những lễ hội đã thất truyền, nhưng cũng nhiều lễ hội còn gìn giữ được đến tận ngày nay.

Lễ hội trâu rơm bò rạ

Lễ hội Xuân Ngưu

Theo các thư tịch cổ, trong ngót nghìn năm thời kỳ phong kiến, hàng năm vào ngày lập xuân, là các triều đình ở kinh thành Thăng Long lại tổ chức Lễ hội Xuân Ngưu. Đây là nghi lễ cung đình vô cùng quan trọng, diễn ra suốt từ thời nhà Lý đến hết thời Lê – Trịnh. Vật phẩm cúng tế quan trọng nhất là trâu bằng đất, với ý niệm để tống khí lạnh của mùa đông và đón khi ấm áp của mùa Xuân đang tới.
 

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1782-1840) lý giải việc chọn trâu đất là vì xét về Thiên nguyệt lệnh, tháng Chạp là tháng Sửu, nên làm con trâu bằng đất để át khí lạnh. Triều đình đặt các nghệ nhân nặn một trâu đất to bằng trâu thật, màu sắc của trâu ứng với ngũ hành của ngày lập xuân (hành Kim thì màu trắng, hành Mộc thì màu xanh, hành Thủy thì màu đen…). Ngoài ra, còn phải nặn thêm 1.300 con trâu bé, cao một thước ta (khoảng 40cm). Vật tế của lễ lập Xuân còn có mục đồng được đắp bằng đất – hình tượng thần Câu Mang (tức là thần chủ về mùa màng). Vào tối trước ngày lập Xuân, một vị quan của triều đình chủ trì rước tượng trâu và tượng mục đồng đến đàn tế ở Ô Quan Chưởng, 1.300 trâu bé được đặt ở ngục Đông Môn ngay cạnh cửa Đồng Thành. Đúng giờ Tý, quan Phủ doãn được hai quan huyện Thọ Xương và Quảng Đức tháp tùng đến đàn tế làm lễ lần thứ nhất. Tế xong, trâu và mục đồng lại được rước về đền Bạch Mã bên sông Tô Lịch để tế tuần thứ hai. Sau đó, đem tượng mục đồng ra chôn ở bờ sông Tô Lịch, còn tượng trâu lớn và 1300 trâu nhỏ được rước vào trình nhà vua tại sân Đan Trì. Tại đây bách quan áo mão cân đai rực rỡ, đứng xếp hàng theo ngôi thứ. Vua ngự ở chính điện, bước xuống khỏi ngai để làm lễ tế, sau đó đem các tượng trâu phát cho các quan để làm bùa cầu may mắn. Từ khi Gia Long làm chủ đất nước, đóng đô ở Huế, Lễ hội Xuân Ngưu ở Thăng Long không còn được tổ chức nữa.


Lễ hội trâu rơm ở Đại Đồng

Tại hai làng Đồng Vệ và Bích Đại (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) ngày nay còn duy trì Lễ hội “Trâu rơm bò rạ” rất độc đáo và đặc sắc, tổ chức vào mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên Đán hằng năm. Đây là lễ hội tưởng nhớ danh tướng Đinh Thiên Tích, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, gia súc không ngừng sinh sôi nảy nở. Tương truyền, vào thời Hùng Vương thứ 6, có tướng Đinh Thiên Tích tham gia đánh tan giặc Ân, sau đó đem quân về làng Bích Đại mổ trâu ăn mừng. Tướng Đinh Thiên Tích bày cho người dân bện trâu bằng rơm, diễn cảnh cày ruộng đầu năm để rước cầu mùa màng, cũng là để động viên người dân xuống đồng cày cấy. Khi tướng Đinh Thiên Tích hóa, người dân làng Bích Đại đã xây dựng một ngôi đình thờ ông làm Thành hoàng, và trò trình trâu rơm bò rạ vẫn được lưu giữ, trở thành một nét văn hóa nổi bật của hội làng để tưởng nhớ đến ông.
 

Hàng năm, cứ từ mùa gặt tháng Mười, người ta chọn những bó rơm nếp thẳng và đẹp để dành bện thành trâu, bò vào dịp cuối năm. Vào ngày lễ hội, hơn 20 con trâu, bò làm bằng rơm rạ được xếp theo hàng ở sân đình. Trâu rơm, bò rạ này được buộc theo một cái cày đã tháo lưỡi; cứ từng cặp một người đàn ông đóng vai trâu, một người đàn ông khác cầm cày. Dân làng đóng góp những tiết mục văn nghệ hấp dẫn làm sôi động sân đình. Tiếng trống, chiêng vang lên, không khí lễ hội tưng bừng, những con trâu bằng rơm, bằng rạ được người dân hóa thân đi cày, những chàng trai giả gái tung trấu, gieo mạ theo sau. Ngoài ra còn có các trò tứ dân chi nghiệp, nhiều người đóng vai: Nông dân, thầy đồ, học trò, thợ mộc. Họ tượng trưng cho 4 tầng lớp: Sĩ, nông, công, thương. Tất cả làm nên một bức tranh xuân, bức tranh lao động hối hả cho năm mới.


Linh thiêng lễ hội Tịch điền

Trong các lễ hội về trâu, linh thiêng và nổi tiếng nhất có lẽ là lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn. Đây là lễ hội rất quan trọng, có lịch sử hơn nghìn năm, xưa kia thường do đích thân vua chủ trì. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần “Kỷ nhà Lê/ Đại Hành hoàng đế” ghi: “Đinh Hợi, năm thứ 8 (987) (Tống, Ung Hy năm thứ 4). Mùa Xuân, vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”. Từ đó, Lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau duy trì. Đến triều Nguyễn, Lễ Tịch điền có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô, do Bộ Lễ chủ trì.
 

Từ năm 2009, sau gần 100 năm ngừng tổ chức, lễ Tịch điền được chính thức khôi phục tại Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam. Từ đó đến nay cứ xong Tết, từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng âm lịch, người dân thập phương lại tìm cánh đồng dưới chân núi Đọi để trẩy hội Tịch điền.
 

Vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, tại cánh đồng thôn Đọi Tín, diễn ra hội thi vẽ trang trí trâu, nhằm chọn ra những chú trâu đẹp nhất, thuần nhất tham gia nghi thức cày Tịch điền. Nghi lễ Tịch điền diễn ra vào ngày mồng 7 Tết. Lễ đài được dựng ngay trên ruộng theo kiểu đàn cầu an xưa với 5 lá cờ phướn in chữ Hán, chính giữa nổi bật chữ “Thần nông”. Sau màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam là màn múa rồng vô cùng đặc sắc, và các hoạt động văn hóa nghệ thuật, cùng với đó là lễ dâng hương để cáo yết linh vương vua Lê Đại Hành. Lãnh đạo huyện Duy Tiên đọc văn trình, kính cẩn cung thỉnh hoàng thiên, thổ thần và thần nông; cung thỉnh Chư vị Quốc tổ Việt Nam, linh vị Lê Đại Hành hoàng đế. Tiếp đến, một lão nông được tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, rồi tiếp nhập linh khí vua Lê Đại Hành, được đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào. Người bước xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi “vua” cày xong các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày 9 sá. Lễ hội Tịch điền cho thấy tư tưởng trọng nông, khuyến nông luôn hiện diện ở mọi thời đại.

Nguồn: Trangtraiviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường