Làm gì để giảm biến chứng do đái tháo đường?
11:53 - 21/01/2021
Các biến chứng do đái tháo đường (ĐTĐ) thường rất nguy hiểm, gây tàn phế, thậm chí có thể khiến bệnh nhân tử vong. Dưới đây là những cách giúp hạn chế những biến chứng đó.
Kiểm soát đường huyết chặt chẽ là cách tốt nhất giảm biến chứng của ĐTĐ


ĐTĐ có thể gây ra các biến chứng gì?

Mắt: Bệnh ĐTĐ có thể làm tăng tỷ lệ các vấn đề liên quan đến thị lực đối với mắt, có thể dẫn đến mù lòa. Cụ thể là: đục thủy tinh thể; tăng nhãn áp; bệnh lý võng mạc.

Tim: Khi đường huyết tăng cao kéo dài nhiều năm có thể gây hại đến mạch máu, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và tổn thương thần kinh. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. Kèm theo đó, tăng huyết áp và tăng cholesterol làm nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

Thận: Bệnh ĐTĐ làm tổn thương các mạch máu trong thận, từ đó dẫn đến tổn thương thận hoặc suy thận.

Chân: Lượng đường huyết tăng cao trong máu kéo dài dẫn đến sự lưu thông máu kém và tổn thương thần kinh, nếu đôi chân gặp phải các vấn đề như bị thương gây ra vết xước thì việc chữa lành thường chậm, có thể dẫn đến lở loét, hoại tử... Việc tổn thương thần kinh có thể làm mất đi cảm giác ở đôi chân, từ đó không cảm nhận được các tổn thương ở đôi chân nên thường dẫn đến nhiễm trùng nặng. Lúc này, giải pháp đưa ra là buộc phải cắt bỏ phần bị nhiễm trùng.

Thần kinh: Khi đường huyết cao dẫn đến biến chứng thần kinh do ĐTĐ, tổn thương thần kinh sẽ tạo cảm giác đau, ngứa, tê râm ran, đặc biệt là ở đôi chân.

Da: Bệnh nhân ĐTĐ có thể dễ nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm… ngoài da. Do lượng đường huyết cao nên các vết thương chậm lành.

Rối loạn cương dương: Nam giới mắc bệnh ĐTĐ thường có nguy cơ mắc rối loạn cương dương, do tổn thương thần kinh và tổn thương mạch máu nên lượng lưu thông máu đến dương vật kém.

Làm thế nào để giảm nguy cơ biến chứng do ĐTĐ?

Kiểm soát chặt chẽ đường huyết là cách tốt nhất để giảm nguy cơ biến chứng của bệnh ĐTĐ. Người bệnh nên có một cuốn sổ tay để ghi chép lại đường huyết hằng ngày để theo dõi. Chỉ số đường huyết nên nằm trong các mức sau đây:

Trước bữa ăn: 70mg/dL-130mg/dL.

Sau ăn 2h: dưới 180mg/dL.

Kết quả xét nghiệm HbA1: HbA1C dưới 7% (mục tiêu HbA1C hợp lý cho người trưởng thành không mang thai).

HbA1C dưới 6,5% (nghiêm ngặt) dành cho người mới bị ĐTĐ, ĐTĐ type 2 đang được điều trị bằng cách thay đổi lối sống hoặc metformin đơn độc và không mắc các bệnh về tim mạch - mạch vành.

HbA1C dưới 8% (ít nghiêm ngặt), thích hợp với các bệnh nhân có tiền sử bị hạ đường huyết nặng, biến chứng mạch máu nhỏ, bệnh ĐTĐ lâu năm.

Theo dõi huyết áp và cholesterol: Cố gắng giữ huyết áp dưới 140/90mmHg và cholesterol dưới 200mg/dL.

Đi khám thường xuyên: Bác sĩ có thể xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm khác để phát hiện các vấn đề do bệnh ĐTĐ gây ra. Nhiều biến chứng ĐTĐ không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nên việc đi khám thường xuyên, định kỳ là rất quan trọng.

Kiểm tra bàn tay và bàn chân mỗi ngày: Tìm kiếm các vết xước, vết cắt, vết loét, mụn nước hoặc các biểu hiện sưng đỏ ở chân. Rửa và lau chân khô bằng khăn sạch, mềm một cách cẩn thận mỗi ngày. Nên đi giày mềm khi đi dạo, không nên đi chân không. Vào mùa lạnh, nên đi thêm vớ để giữ ấm chân và luôn cắt móng chân sạch sẽ.

Chăm sóc da: Giữ làn da sạch sẽ và khô ráo. Sử dụng bột talc ở những nơi da có thể chà xát vào nhau như nách. Hạn chế tắm vòi sen, tắm nước nóng hoặc sử dụng xà phòng và gel tắm. Dùng kem dưỡng ẩm cho da và dùng máy tạo độ ẩm trong phòng.

Thay đổi lối sống: Bỏ thuốc lá (nếu có hút), tuân thủ chế độ ăn hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ, tăng cường thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường