(Quỹ HTND)- Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 49 mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả (đạt 133% so với chỉ tiêu giao). Trong đó có 26 mô hình được xây dựng từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp.
|
Nông dân Yên Bái tích cực phát triển mặt hàng thủ công, đặc trưng của địa phương |
Để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, Hội ND Yên Bái đã xây dựng 30 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp gắn với hợp tác xã hoặc tổ hợp tác trong đó có 05 mô hình được xây dựng từ các mô hình vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo cơ sở Hội tuyên truyền, phấn đấu xây dựng 65 mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, tập trung vào các thế mạnh của địa phương như quế, dâu tằm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ tổng hợp... gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 49 mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả (đạt 133% so với chỉ tiêu giao). Trong đó có 26 mô hình được xây dựng từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp.
Các cấp Hội đã đăng ký và đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển 14 mô hình theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh; xây dựng 05 mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Lục Yên, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ.
Đó là mô hình vịt bầu thương phẩm tại xã Lâm Thượng; nuôi gà thương phẩm xã Mai Sơn, H. Lục Yên; sản xuất lúa Séng Cù tại xã Thanh Lương và chuỗi giá trị sản xuất lúa lai xã Nghĩa Lợi, TX. Nghĩa Lộ; sản xuất và chế biến khoai tây xã Minh quân, H. Trấn Yên.
Ngoài ra, tỉnh còn chủ trì vận động, hỗ trợ triển khai thành lập mới tối thiểu 50 tổ hợp tác, 05 hợp tác xã và củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có.
Để phát triển mô hình bền vững, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân liên kết tham gia các hình thức kinh tế tập thể, đăng ký vận động thành lập 13 hợp tác xã và 113 tổ hợp tác.
Tính đến tháng 7/2020, Hội đã vận động, hỗ trợ thành lập được 08 hợp tác xã (đạt 160% so với chỉ tiêu giao) và 100 tổ hợp tác (đạt 200% so với chỉ tiêu giao).
Nhằm thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; khuyến khích thu hút ngoài tỉnh hoặc thành lập tối thiểu 05 doanh nghiệp, các cấp Hội đã chủ động tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân; bảo tồn, nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống, du lịch cộng đồng; nâng cao năng lực, kiến thức cho nông dân.
Đồng thời Hội cũng vận động, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên nông dân có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp. Hiện đang vận động, thu hút 08 doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (đạt 160% so với chỉ tiêu giao).
Bên cạnh đó, Hội còn chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hoạt động liên kết tiêu thụ ít nhất 05 sản phẩm nông lâm nghiệp cho nông dân. Chủ trì phối hợp xây dựng 05 sản phẩm OCOP do Hội Nông dân thực hiện.
Tỉnh Hội đã chỉ đạo các cơ sở Hội chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân. Tiêu biểu như: gà thịt (H. Lục Yên); rau an toàn (H. Văn Yên); cá sấy hồ Thác Bà, bưởi Đại Minh, thanh long ruột đỏ, dưa hấu (H. Yên Bình); gạo Séng Cù Đồng Cáng (TX. Nghĩa Lộ); tinh bột nghệ, mật ong (TP. Yên Bái)...
Chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức khảo sát sản phẩm, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở kinh doanh quy trình, thủ tục xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Qua khảo sát thực tế, tỉnh Hội đã đăng ký với tỉnh 11 sản phẩm để tiêu chuẩn hóa OCOP trong năm 2020 gồm: TX. Nghĩa Lộ: 04 sản phẩm; huyện Văn Chấn: 02 sản phẩm; huyện Lục Yên: 01 sản phẩm; huyện Văn Yên: 01 sản phẩm, huyện Trấn Yên: 01 sản phẩm; huyện Mù Cang Chải: 01 sản phẩm; TP Yên Bái: 01 sản phẩm.
Có thể nói, bên cạnh việc hỗ trợ hội viên, nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành nông nghiệp, công thương, Liên minh HTX tỉnh, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, … tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển và hoàn thiện sản phẩm OCOP gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.