|
Hội Nông dân tỉnh kiểm tra nguồn vốn Quỹ HTND tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (Ảnh: Phùng Xuân Tiến) |
Năm 2019, Quỹ HTND cấp cơ sở tăng trên 3.853 triệu đồng; các huyện, thành phố, thị xã được cấp bổ sung trên 1 tỷ đồng; Quỹ HTND tỉnh được cấp bổ sung 3 tỷ đồng.
Thực hiện Thư kêu gọi của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, mỗi cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở ủng hộ 1 ngày lương, mỗi hội viên ủng hộ ít nhất 20.000 đồng, kết quả toàn tỉnh ủng hộ được 918 triệu đồng.
Đến nay, 8 đơn vị cấp huyện xây dựng được Quỹ, cao nhất là huyện Bố Trạch 1.826 triệu đồng. 152/157 cơ sở xây dựng được Quỹ HTND, trong đó có 74/157 cơ sở được ngân sách địa phương cấp với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Tổng nguồn Quỹ 3 cấp tỉnh, huyện và cơ sở đến cuối năm 2019 đạt 47.265 triệu đồng, tăng 7.957 triệu đồng so với năm 2018
(tăng 20,24%).
Từ nguồn do Hội Nông dân tỉnh, huyện quản lý và Trung ương ủy thác, Ban Điều hành Quỹ các cấp đã xây dựng 240 dự án cho 924 hộ vay với dư nợ cho vay 36.016 triệu đồng. Nguồn Quỹ cấp xã 26.767 triệu đồng cho vay riêng lẽ với 8.619 hộ được vay vốn.
Các cấp Hội tiếp tục triển khai Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND. Năm 2018, Quỹ HTND toàn tỉnh tăng 4.484,512 triệu đồng so với năm 2017. Trong đó, nguồn tỉnh tăng 2.057 triệu đồng, cấp huyện tăng 885 triệu đồng, đưa tổng số nguồn Quỹ lên 39.308,206 triệu đồng (tăng 12,9% so với 2017). Có 8/8 Quỹ cấp huyện, 64 xã được bổ sung nguồn vốn từ ngân sách.
Trong năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp ngân sách bổ sung Quỹ HTND2 tỷ đồng; các huyện, thành phố, thị xã 850 triệu đồng; có 64 xã cấp ngân sách bổ sung Quỹ số tiền 120,3 triệu đồng.
Nguồn vốn Quỹ do các cấp Hội Nông dân quản lý được đầu tư trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở địa phương.
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Ban Điều hành Quỹ HTND và các huyện, thành, thị Hội gắn xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh với vận động thành lập các tổ hợp tác với quy mô phù hợp; cơ cấu gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản, thiết thực phù hợp với trình độ của nông dân ở mỗi vùng miền.
Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hội viên nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông thôn, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh quản lý 896 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổng số 32.148 hộ còn dư nợ; dư nợ của 17 chương trình tín dụng chính sách: 1.167,4 tỷ đồng, so với năm trước tăng 74,194 tỷ đồng (6,9%); chủ yếu là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn nhằm giúp nông dân có vốn phát triển sản, xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Trong năm, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp kiểm tra 8/8 huyện, thị xã, 12 cơ sở Hội và 9 tổ tiết kiệm vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra hoạt động ủy thác ở Hội Nông dân huyện Quảng Ninh; Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã đã tiến hành kiểm tra 155/155 (100%) cơ sở; 896/896 Tổ Tiết kiệm vay vốn (đạt100% kế hoạch năm). Qua kiểm tra đã kịp thời động viên những đơn vị làm tốt các công đoạn ủy thác; phát hiện, chấn chỉnh những đơn vị còn nhiều hạn chế.
Đồng thời, Hội còn Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Ngân hàng thương mại khác thực hiện Thỏa thuận liên ngành số 01/TTLN-HNDVN-AGRIBANK ngày 23/9/2016 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/5/2015 của Chính phủ.
Hội Nông dân tỉnh và Agribank chi nhánh Quảng Bình, Bắc Quảng Bình đã ký Thỏa thuận liên ngành để thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Sau khi ký kết, Hội Nông dân tỉnh đã có công văn chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng giao dịch Agribank cùng cấp để ký kết hợp tác.
Đến nay có 7/8 đơn vị cấp huyện đã ký kết hợp tác. Năm 2018 dư nợ của Agribank chi nhánh Bắc Quảng Bình đạt 4.057,574 tỷ đồng cho 22.693 khách hàng vay, chiếm tỷ trọng 65,47% tổng dư nợ cho vay của Agribank Bắc Quảng Bình. Ngoài ra, các cấp Hội nông dân tỉnh Quảng Bình còn phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với dư nợ hơn 142 tỷ đồng.
Song song với công tác hỗ trợ vốn, các cấp Hội đã tạo phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tổ chức 742 lớp với 58.475 lượt hội viên nông dân về cách sử dụng phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp... Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”.
Nhờ đó đã trang bị vốn, kiến thức cho nông dân để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, qua đó có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.
Hội đã gắn xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Quỹ HTND, vốn Quỹ quốc gia về việc làm với thành lập các Tổ hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Trong năm, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập mới 66 tổ hợp tác, 31 hợp tác xã, đưa tổng số các mô hình kinh tế tập thể do các cấp Hội hướng dẫn thành lập lên 410 tổ hợp tác và 90 hợp tác xã.
Các đơn vị thực hiện tốt việc vận động hội viên, nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể là Hội Nông dân huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hóa. Tiếp tục giúp đỡ 2 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Đức Ninh và xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới triển khai các hoạt động lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng quy chế hoạt động; tham quan, học tập kinh nghiệm; tuyên truyền, vận động các Tổ hợp tác phát triển lên Hợp tác xã.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông thôn, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Quỹ HTND đã trở thành phương tiện để Hội đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vị thế của tổ chức Hội, là tác nhân để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong việc vận động hội viên tham gia xây dựng kinh tế nông thôn.