Hòa Bình: Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ hình thành các mô hình kinh tế tập thể
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hằng năm, các cấp Hội vận động tăng trưởng phát triển nguồn vốn.
Đến tháng 7/2019, cùng nguồn ngân sách tỉnh cấp 1 tỷ đồng, ngân sách huyện cấp 1 tỷ đồng, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp 40,77 triệu đồng, nâng tổng số nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân lên 31,534 tỷ đồng, đã hỗ trợ 252 mô hình với 3.363 lượt hộ nông dân vay vốn để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nguồn lực cho nông dân, các cấp Hội trong tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Ngân hàng LiênViệt chi nhánh Hòa Bình tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất.
Năm 2018, Hội đã nhận ủy thác 2.798,8 tỷ đồng thông qua 1.856 tổ, cho 52.222 hộ vay, đồng thời các cấp Hội đã hỗ trợ cho nông dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 29,5 tỷ đồng.
Ngoài vốn, các cấp Hội còn phối hợp cung ứng vật tư nông nghiệp cho hội viên, nông dân. Chỉ tính riêng năm 2018 các cấp Hội đã phối hợp với doanh nghiệp tín chấp cung ứng trên 2.900 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm, phối hợp hỗ trợ 434kg giống rau các loại, lúa giống, ngô giống và 100 lít thuốc bảo vệ thực vật, 10.000 cây na giống, 1.367 cây bưởi Diễn, cung cấp trên 60 tấn thức ăn cho gia súc, gia cầm cho các hộ chăn nuôi không tính lãi.
Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, toàn tỉnh đã hình thành các trang trại kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng có quy mô lớn, phát triển liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị.
|
Nông dân Hòa Bình vay vốn mở rộng chăn nuôi |
Đến nay, trên toàn tỉnh có 180 trang trại thu nhập bình quân từ 650 triệu đồng/năm; 240 gia trại có thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng/năm; 193 tổ hợp tác; 276 hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 380,8 triệu đồng/năm/HTX, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Theo đó, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 35.938 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, trong đó, cấp TƯ có 112 hộ, cấp tỉnh 2.380 hộ, cấp huyện 8.853 hộ, cấp xã 24.593 hộ.
Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong SXKD giỏi, nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, HTX, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua thống kê có 90 hộ cho thu nhập từ 500 triệu-1 tỷ đồng; có 756 hộ đạt thu nhập từ 300-500 triệu đồng; có 2.970 hộ đạt từ 200-300 triệu đồng và 32.123 hộ đạt thu nhập từ 100-200 triệu đồng.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được hình thành như rau hữu cơ Lương Sơn, dưa Lạc Thủy, cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc…
Các hộ nông dân vay vốn đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề từ đó giúp việc sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.