Hiệu quả hoạt động hỗ trợ vốn của Hội Nông dân trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
09:40 - 04/07/2019
Ban Điều hành Quỹ HTND- T.Ư Hội NDVN xin trân trọng giới thiệu bài tham luận tại Hội thảo Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban điều hành Quỹ HTND Trung ương.

 

Việt Nam là một quốc gia thống nhất có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với trên 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Họ cư trú tập trung chủ yếu ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng có địa hình núi cao, biên giới, nơi có điều kiện địa lý tự nhiên khắc nghiệt, điều kiện kinh tế xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, chậm phát triển thuộc khu vực các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải Miền Trung.


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới sự phát triển toàn diện của các dân tộc, tạo điều kiện cho các dân tộc cùng phát triển, thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi. Người khẳng định “Chính sách của Đảng ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào.


Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi về xóa đói, giảm nghèo và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống vật chất tinh thần của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số từ đó từng bước được nâng lên. Đồng hành cùng Đảng và Nhà nước là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, trong đó Hội Nông dân Việt Nam người đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, cầu nối tin cậy giữa giai cấp nông dân với Đảng và Nhà nước, chỗ dựa vững chắc của chính quyền nhân dân ở nông thôn với những hoạt động tích cực, thiết thực trong tham gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo tinh thần Nghị quyết 24- NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.


Những đóng góp quan trọng của hoạt động Hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo và làm giầu cho hội viên nông dân, đặc biệt là đối với hội viên, nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo từ mức rất cao (gần 60% năm 1993) xuống còn 5,2 - 5,7% theo chuẩn nghèo đa chiều (12/2018), trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn chiếm khoảng 25,5% số hộ nghèo cả nước đồng thời cũng là điều kiện để Hội Nông dân phấn đấu thực hiện mục tiêu: “Xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, cụ thể ở lĩnh vực hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân như sau:


Thứ 1: Hội Nông dân trực tiếp hỗ trợ vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Ngay từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ II (3/1993), Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội, thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Ban Thường vụ Trung ương Hội (khóa II) triển khai xây dựng Đề án thành lập Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân Việt Nam, với mục đích nhằm phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong nông dân, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nhất là hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo. Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, ngày 02/3/1996, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ra Quyết định số 80/QĐ-HND thành lập Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân Việt Nam.


Hơn 20 năm đồng hành cùng nông dân, trực tiếp hỗ trợ vốn giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, từ nguồn vốn khởi điểm 40 tỷ ban đầu do Ngân hàng phục vụ Người nghèo nay là Ngân hàng CSXH chuyển sang đến nay tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tính đến nay đạt 3.254,018 tỷ đồng tăng hơn gấp 81,3 lần so với thời điểm khi mới thành lập. Dư nợ cho vay trong toàn hệ thống hiện đạt hơn 3.000 tỷ đồng, với hơn 156.042 hộ tham gia vay vốn.


Tính riêng 5 năm từ 2013 – 2018, doanh số cho vay nguồn vốn Quỹ HTND trong toàn hệ thống Hội đạt hơn 6.404 tỷ đồng, xây dựng được 15.529 mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ cho 310.050 lượt hộ vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 2.100 tỷ đồng, với gần 100.000 lượt hộ được tham gia vay vốn từ Quỹ HTND phát triển kinh tế.


Phương thức cho vay của Quỹ HTND hiện nay được thực hiện theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm đã phát huy được tính liên kết trong cộng đồng. Cùng với mức thu phí cho vay Quỹ HTND bằng khoảng 80% lãi suất cho vay thương mại cùng loại hình của các ngân hàng đối với tổ chức, cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân đồng thời với thủ tục vay vốn đơn giản, mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ mà không cần đảm bảo tài sản thế chấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người vay là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dễ dàng tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND.


Hoạt động của Tổ, Nhóm nông dân liên kết không những tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn gắn bó, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất mà còn tác động tích cực khuyến khích người vay sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giảm thiểu tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản chế biến, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, mất an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường.


Lồng ghép với hoạt động cho vay, Hội Nông dân các cấp còn chủ động thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho người vay nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ hội viên mua vật tư nông nghiệp, máy công cụ, phân bón trả chậm… giúp người vay phát huy hiệu quả đồng vốn, hạn chế rủi ro tín dụng. Đặc biệt với việc hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần tích cực trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quý giá cũng như bảo tồn, phát triển giống cây, con đặc sản có giá trị cao riêng có.


Hội Nông dân thông qua hoạt động của Quỹ HTND đã giúp cho hằng trăm nghìn hộ hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn có thêm vốn để phát triển sản xuất, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước.


Thứ 2: Hội Nông dân phối hợp với ngành ngân hàng tham gia hỗ trợ vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Cùng với công tác vận động tạo nguồn vốn Quỹ giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Quỹ HTND các cấp là cơ quan tham mưu và trực tiếp tổ chức thực hiện giúp Hội Nông dân cùng cấp ký kết Chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng No&PTNT Việt Nam thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ; đặc biệt là ký kết Văn bản thoả thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân nói chung và hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Trên cơ sở các nội dung ký kết, Hội Nông dân Việt Nam có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội ở địa phương phối hợp với chi nhánh ngân hàng Nhà nước, ngân hàng No&PTNT, ngân hàng CSXH và các ngân hàng thương mại khác cùng cấp (Sài Gòn Thương Tín, Bưu điện Liên Việt, Tiên Phong, cổ phần Quân đội...) chủ động tổ chức ký kết các chương trình phối hợp trong việc chuyển tải vốn tín dụng đến hội viên nông dân một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Tổng nguồn vốn tín dụng dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội hàng năm tăng từ 8 -10%.


Đến nay, tổng dư nợ ngành ngân hàng ủy thác thông qua tổ chức Hội Nông dân các cấp đạt trên 112.910 tỷ đồng, với gần 3,7 triệu lượt hội viên nông dân đang được vay vốn, thông qua hơn 85.000 tổ vay vốn. Tính riêng trong 5 năm từ 2013 -2018, doanh số cho vay ủy thác từ 2 ngân hàng lớn là CSXH và NN&PTNT Việt Nam đạt trên 300.000 tỷ đồng, giúp trên 10 triệu lượt hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó, doanh số cho vay tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 74.000 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng dư nợ của 2 ngân hàng.


Có thể nói, công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với ngành ngân hàng tham gia hỗ trợ vốn phát triển kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự  xã hội và an ninh quốc phòng.


Về kiến nghị, đề xuất:
Để tiếp tục xây dựng hệ thống Quỹ HTND phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hoạt động công tác Hội, thúc đẩy các phong trào nông dân, giúp hội viên nông dân nói chung và hội viên đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững theo hướng “để không ai bị bỏ phía sau”. Xin đề xuất một số kiến nghị đối với Chính phủ như sau:


- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực, chủ động tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của đất nước.


- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đối với các chính sách về vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã ban hành. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện ban hành thêm chính sách mang tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.


- Tiếp tục quan tâm, bổ sung vốn hàng năm cho Quỹ HTND Trung ương đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hàng năm cấp bổ sung vốn Quỹ HTND ở địa phương để tăng thêm nguồn lực cho Quỹ trong công tác hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.


- Dành một phần kinh phí phù hợp chuyển qua Ngân hàng CSXH để cung cấp tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là  nông dân, nông thôn vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giầu.
 

Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng