Mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
Ban Điều hành Quỹ HTND- T.Ư Hội NDVN xin trân trọng giới thiệu bài tham luận tại Hội nghị bàn và triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại khu vực Tây Nguyên của Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Đinh Khắc Đính.
|
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Thực tế thời gian qua cũng như trong các báo cáo đã phản ánh tại một số diễn đàn, hội nghị gần đây cho thấy hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đã và đang trở thành đề trong xã hội, len lỏi khắp nơi từ thành thị đến vùng nông thôn ở nhiều địa phương trong cả nước gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hướng xấu đến đời sống kinh tế, mất an toàn trật tự xã hội, bức xúc ở nông thôn. Không khó để bắt gặp các hình thức quảng cáo cho vay với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp tài sản, chỉ cần photo một số giấy tờ tùy thân như CMND, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, đăng ký xe máy là nhận tiền ngay tại các khu vực công cộng. Trên những cột điện, gốc cây, ở nhiều con ngõ, ngách, đặc biệt trên mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính.
Ngoài những đối tượng chơi lô, đề, cờ bạc hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác tìm đến tín dụng đen thì đối tượng vay hiện nay còn là những người có kinh tế khó khăn, thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất; đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc những người có khó khăn đột xuất cần tiền để giải quyết. Họ cho rằng chỉ cần vay vài ngày rồi trả, lãi cao một chút nhưng số tiền vay không quá lớn nên không đáng lo. Trong khi đó, thủ tục cho vay qua các ngân hàng theo quy định thì chặt chẽ hơn, cần có điều kiện đảm bảo (trong đó có đảm bảo bằng tài sản), cần có phương án sử dụng nguồn vốn vay, thời gian giải ngân lâu hơn... Qua đó, đã bị các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng cho vay với lãi suất cao hơn gấp nhiều lần cho vay thông thường từ các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
Từ trước khi bộc lộ những hệ lụy mà tín dụng đen gây ra cho xã hội đến gây ra những vấn đề như hiện nay, các cấp Hội ND đã rất tích cực phối hợp với các cấp, ngành địa phương, nhất là ở cơ sở trong việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhằm cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến người dân; đặc biệt là phối hợp với ngân hàng trong việc tuyên truyền, triển khai hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận vốn nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước góp phần trong hạn chế đẩy lùi nạn tín dụng đen.
1. Công tác tuyên truyền cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến các hội viên nông dân
Xác định công tác thông tin, tuyên truyền là công cụ rất quan trọng góp phần tích cực giúp hội viên, nông dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những nghị quyết, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các cấp Hội đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và phù hợp với nông dân thông qua hệ thống báo chí và tài liệu chính thống của Hội như: Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, bản tin công tác Hội các cấp, tài liệu sinh hoạt chi hội, website; các loại ấn phẩm, tờ rơi, pano, áp phích; hoạt động phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự, chuyên đề; kết hợp lồng ghép trong các chương trình, các hội nghị, hội thảo, tập huấn, diễn đàn, sự kiện, tọa đàm trao đổi, sân khấu hóa qua các cuộc thi như Nhà nông đua tài, Tuyên truyền viên giỏi, chi Hội trưởng nông dân giỏi…
Chỉ riêng trong năm 2018, Hội ND các cấp đã có hàng nghìn tin bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân, gương sản xuất kinh doanh giỏi, gương người tốt, việc tốt, hoạt động công tác Hội, các mô hình thành công từ vay vốn, quy trình hướng dẫn sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm làm ăn của hội viên, nông dân…; xây dựng và phát hành hơn 10.000 đĩa DVD tuyên truyền về gương nông dân vượt khó làm giàu; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức được trên 28.000 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 1.600.000 hội viên tham dự; phối hợp với các ngân hàng nhận ủy thác tổ chức 2.000 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội, tổ trưởng Tổ TK&VV, Tổ vay vốn…Thông qua các hoạt động tuyên truyền hoạt động Hội, công tác tuyền truyền, cảnh báo, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng không chính thống, bất hợp pháp đến với hội viên, nông dân một cách kịp thời, thiết thực, giúp hội viên, nông dân chủ động phòng ngừa, dám đứng lên phối hợp với chính quyền địa phương trong tham gia tố giác các cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi tại địa phương nơi sinh sống.
Đặc biệt, qua các buổi sinh hoạt của chi Hội, tổ Hội, Tổ vay vốn công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về cho vay hỗ trợ lãi suất đối với người dân, doanh nghiệp đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ đánh bắt hải sản; Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các quy định của ngân hàng và các tổ chức tín dụng về hoạt động cho vay vốn… đã tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân dễ dàng hơn trong tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, nâng cao hiểu biết của người dân về các gói dịch vụ, tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, để hội viên nông dân tìm đến khi có nhu cầu vay vốn thay vì các nguồn tiền không chính thống.
Có thể nói, những năm gần đây hoạt động công tác Hội với nội dung về hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân đã có những kết quả rất thiết thực cả trong vai trò chuyển tải nhận thức và cầu nối về tín dụng, phục vụ hội viên, nông dân phát triển kinh tế.
2. Công tác phối hợp giữa Hội Nông dân với ngân hàng trong việc hỗ trợ hội viên, hộ nông dân tiếp cận vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng
Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc triển khai các giải pháp, chính sách tín dụng phục vụ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam thông qua ký kết Chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng No&PTNT Việt Nam về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 nay là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Văn bản thoả thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... đã tạo điều kiện cho người dân nói chung và hội viên, nông dân nói riêng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trên cơ sở các nội dung ký kết, Hội Nông dân Việt Nam có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội ở địa phương phối hợp với chi nhánh ngân hàng Nhà nước, ngân hàng No&PTNT, ngân hàng CSXH và các ngân hàng thương mại khác cùng cấp (Sài Gòn Thương Tín, Bưu điện Liên Việt, Tiên Phong, cổ phần Quân đội...) chủ động tổ chức ký kết các chương trình phối hợp trong việc chuyển tải vốn tín dụng đến hội viên, nông dân một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Tổng nguồn vốn tín dụng dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân hàng năm tăng từ 8- 10% cho đến 31/12/2018, tổng dư nợ ngành ngân hàng ủy thác thông qua tổ chức Hội Nông dân các cấp đạt trên 112.000 tỷ đồng, với gần 3,7 triệu lượt hội viên, nông dân đang được vay vốn, thông qua hơn 85.000 tổ vay vốn ở địa bàn dân cư theo thôn, bản, làng, xã trên cơ sở tự nguyện gia nhập của các hộ nông dân. Trong 5 năm từ 2013- 2018, chỉ riêng doanh số cho vay ủy thác từ 2 ngân hàng lớn là CSXH và NN&PTNT Việt Nam đạt trên 300.000 tỷ đồng, giúp trên 10 triệu hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động phối hợp với ngành ngân hàng để đưa vốn đến với nông dân, hiện nay hệ thống các Quỹ HTND do Ban Thường vụ Hội Nông dân Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp quản lý và điều hành trong công tác hỗ trợ vốn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, xây dựng mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Tổng nguồn vốn hệ thống Quỹ HTND đến nay có được hơn 3.000 tỷ đồng. Doanh số cho vay trong 5 năm vừa qua đạt hơn 6.404 tỷ đồng, đã xây dựng 15.529 mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ 310.050 lượt hộ hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Với phương thức cho vay theo dự án nhóm liên kết các hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm với quy mô một dự án từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ không cần đảm bảo tài sản thế chấp. Đây là hoạt động nòng cốt của Hội trong việc trực tiếp phối hợp thực hiện hỗ trợ vốn cho nông dân.
Khu vực Tây Nguyên hiện nay, nguồn vốn ngân hàng ủy thác thông qua tổ chức Hội cùng với nguồn vốn Quỹ HTND đạt gần 18.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã phát huy được hiệu quả kinh tế rõ rệt góp phần kịp thời trợ giúp cho hội viên, nông dân, nhất là nông dân nghèo có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó, ở Gia Lai nguồn vốn tín dụng ưu đãi hiện nay đạt trên 5.000 tỷ đồng với hơn 60.000 hộ nông dân được tiếp cận tham gia vay vốn phát triển sản xuất.
Lồng ghép với hoạt động cho vay, Hội Nông dân các cấp còn chủ động thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ hội viên mua vật tư nông nghiệp, máy công cụ, phân bón trả chậm… giúp hội viên, nông dân phát huy hiệu quả đồng vốn, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể nói, việc đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với hội viên, nông dân, mở rộng các hình thức cho vay bằng tín chấp không cần đảm bảo tài sản, cho vay theo tổ, nhóm hộ nông dân liên kết, đây là một trong các giải pháp căn cơ đưa vốn đến nông dân hiệu quả, giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
3. Kiến nghị
Để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân có vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống góp phần hạn chế nạn tín dụng đen, Hội Nông dân xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là: Chính phủ tiếp tục quan tâm ban hành các chủ trương, chính sách tín dụng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách tín dụng hiện nay cho phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn, với thời gian vay dài hơn. Đồng thời phải có chế tài mạnh mẽ xử lý các hoạt động tín dụng bất hợp pháp gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội.
Hai là: Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tài chính bố trí nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn của nông dân; giải quyết, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường việc phối hợp, cho vay ủy thác thông qua các tổ chức Hội đoàn thể.
Ba là: Ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Nông dân và các đoàn thể thực hiện đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các quy định trong hoạt động cho vay (quy trình, thủ tục, phương án vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh...) để người dân hiểu và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Bốn là: Các cơ quan thông tin đại chúng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung, cơ chế chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đồng thời cảnh báo về hậu quả của tín dụng đen đến nông dân.