|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương thăm mô hình trồng quýt tại Bắc Kạn (Ảnh: Báo Bắc Kạn) |
Được sự đồng ý của Ban Tổ chức hội nghị, tôi xin tham luận với nội dung “Kết quả phối hợp với ngành ngân hàng trong triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và công tác tuyên truyền, cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến với hội viên nông dân”.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước. Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn: Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về cho vay hỗ trợ lãi suất đối với người dân, doanh nghiệp đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ đánh bắt hải sản; Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch … Nhờ triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách tín dụng trong khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tạo điều kiện cho người nông dân khu vực nông thôn có thêm nguồn lực tích cực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần cũng từ đó mà không ngừng được cải thiện, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh, hiện đại hơn.
1. Kết quả phối hợp với ngành ngân hàng trong triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc triển khai các giải pháp, chính sách tín dụng phục vụ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của giai cấp nông dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nông dân đã tích cực chủ động phối hợp, sát cánh cùng ngành ngân hàng góp phần đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến gần hơn với hàng triệu hộ nông dân trên cả nước.
Thông qua ký kết Chương trình phối hợp với ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thỏa thuận liên ngành với ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (No&PTNT) Việt Nam về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Văn bản thoả thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (CSXH) về thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... đã tạo điều kiện cho người dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trên cơ sở các nội dung ký kết, Hội Nông dân Việt Nam có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội ở địa phương phối hợp với chi nhánh ngân hàng Nhà nước, ngân hàng No&PTNT, ngân hàng CSXH và các ngân hàng thương mại khác cùng cấp (Sài Gòn Thương Tín, Bưu điện Liên Việt, Tiên Phong, cổ phần Quân đội...) chủ động tổ chức ký kết các chương trình phối hợp trong việc chuyển tải vốn tín dụng đến hội viên, nông dân một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Kết quả, tính đến 30/11/2018, tổng dư nợ ngành ngân hàng ủy thác thông qua tổ chức Hội Nông dân các cấp đạt trên 108.000 tỷ đồng, với gần 3 triệu lượt hội viên nông dân được vay vốn. Hội Nông dân phối hợp với chính quyền địa phương và ngành ngân hàng thành lập hơn 85.000 tổ vay vốn ở địa bàn dân cư theo thôn, bản, làng, xã trên cơ sở tự nguyện gia nhập của các hộ nông dân. Việc phối kết hợp triển khai cho vay thông qua Tổ vay vốn đã tạo được sự liên kết, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa các thành viên vay vốn, nâng cao hiệu hiệu quả sử dụng vốn và hạn chế rủi ro tín dụng. Nguồn vốn tín dụng đã phát huy được hiệu quả kinh tế rõ rệt góp phần kịp thời trợ giúp hàng triệu hội viên nông dân nhất là nông dân nghèo có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Lồng ghép với hoạt động cho vay, Hội Nông dân các cấp còn chủ động thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan tư vấn hỗ trợ, dạy nghề cho nông dân, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ hội viên mua vật tư nông nghiệp, máy công cụ, phân bón trả chậm… giúp hội viên, nông dân phát huy hiệu quả đồng vốn, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể nói hoạt động phối hợp giữa Hội Nông dân và ngành ngân hàng đã tạo ra một kênh dẫn vốn rất hiệu quả đến với người nông dân, góp phần tích cực giải cơn khát vốn trong nông thôn hiện nay.
2. Công tác tuyên truyền, cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến với hội viên nông dân
Thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi, vay “nóng” hay còn gọi dưới cái tên tín dụng đen không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn mà còn len lỏi đến các vùng nông thôn trong cả nước. Các đối tượng tín dụng đen đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân cho vay với lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất vay mượn thông thường từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Nhiều gia đình phải gồng mình trả nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” theo ngày thậm chí rơi vào cảnh khốn đốn không có khả năng trả nợ. Tín dụng đen hiện nay trở thành vấn đề nhức nhối đối với cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều hệ lụy gây mất an ninh trật tự xã hội.
Đứng trước thực trạng trên nhằm cảnh báo tác hại của tín dụng đen đến với hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân chủ động, linh hoạt đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến hội viên, nông dân như thông qua các phương tiện truyền thông như tờ rơi, báo, tạp chí, bản tin công tác Hội, lồng ghép trong các chương trình, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, sân khấu hóa qua các hội thi, hệ thống phát thanh cơ sở… chỉ ra các phương thức thủ đoạn, chiêu trò của tín dụng đen để người dân biết, hiểu, từ đó tăng cường cảnh giác, không tham gia vay tiền từ các nguồn không chính thống. Nguyên nhân một phần khiến các tổ chức tín dụng đen bùng phát là do nông dân thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Thông qua các buổi họp, sinh chi Hội, tổ Hội, tổ vay vốn người dân được trao đổi, phổ biến các chủ chương, đường lối, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn chính thống từ ngân hàng. Thông qua việc Hội Nông dân thực hiện đẩy mạnh hoạt động phối hợp với ngành ngân hàng đã đưa vốn đến với nông dân không cần thế chấp, không cần tài sản đảm bảo là giải pháp căn cơ nhất góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn với hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng cho nông dân vay vốn.
3. Một số kinh nghiệm và kiến nghị
Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông dân. Từ những kết quả đạt được trong công tác phối hợp với ngành ngân hàng xin rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là: Cần tiếp tục ban hành chính sách tín dụng theo sát thực tiễn phát triển kinh tế xã hội đáp ứng nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung chính sách tín dụng đến nông dân; vận động hội viên nông dân nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng và hoàn trả vốn vay, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của ngân hàng.
Hai là: Trong chỉ đạo điều hành quản lý, Hội Nông dân các cấp phối hợp cùng ngân hàng đưa kết quả phối hợp vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng định kỳ hàng năm nhằm động viên, khen thưởng những đơn vị, địa phương làm tốt; đôn đốc, nhắc nhở, hạ điểm thi đua đối với các đơn vị chưa làm tốt.
Ba là: Ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Nông dân và các đoàn thể thực hiện đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bốn là: Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác cho cán bộ Hội, nhất là đối với những cán bộ trực tiếp và tham gia chương trình phối hợp với Ngân hàng. Phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể cho từng cán bộ Hội, gắn nhiệm vụ quản lý, phụ trách Ngân hàng với các hoạt động Hội.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân khai thác tiềm năng, lao động, phát huy nội lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao đời sống, xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
- Đề nghị Chính phủ tiếp tục có thêm các chính sách, giải pháp đặc thù để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn nhiều, “dài hơi” hơn.
- Đề nghị các Bộ, ban ngành cần triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ ban hành nhằm giúp nông dân sớm được thụ hưởng những chính sách ưu đãi của Chính phủ, qua đó cũng góp phần làm cho chính sách đi nhanh vào cuộc sống.
- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tài chính bố trí nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn của nông dân; giải quyết, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường việc phối hợp, cho vay ủy thác thông qua các tổ chức Hội đoàn thể.