Hội NDVN: Chủ động cung ứng, chuyển tải vốn tín dụng, tích cực thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn
(Quỹ HTND)- Với vai trò đại diện của giai cấp nông dân - lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, Hội Nông dân Việt Nam thông qua hoạt động của hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) và các chương trình phối hợp với ngành Ngân hàng đã và đang chủ động, tích cực thực hiện rất hiệu quả vào quá trình cung ứng, chuyển tải vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động này tạo điều kiện cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận các dịch vụ tài chính, tín dụng một cách dễ dàng, nhanh chóng để phát triển kinh tế, đóng góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tam nông, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển Chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam hiện nay.
|
Các dự án vay vốn Quỹ đều khả thi, đem lại hiệu quả kinh tế, giúp phát huy thế mạnh của địa phương |
1. Vai trò trụ cột của tài chính toàn diện trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Tài chính toàn diện được hiểu khái quát là tất cả mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế, thu nhập thấp ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, hải đảo… được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính (thanh toán, chuyển khoản, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận lợi và phù hợp với nhu cầu, qua đó tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Vai trò của tài chính toàn diện đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu khi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nêu bật tầm quan trọng của nó, nhất là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008. Từ năm 2009, tài chính toàn diện được Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) xác định là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển của quốc gia mình; đồng thời, được Liên hợp quốc (UN) xác định là một trong những mục tiêu quan trọng để đạt 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các nước ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện (WC-FINC) từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực. Trên thế giới đã có nhiều tổ chức, cá nhân các nước đã và đang triển khai tài chính toàn diện, nghiên cứu, chứng minh vị trí rất quan trọng của nó đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, trong việc mang lại lợi ích cho kinh tế - xã hội nói chung và đối với mỗi thành viên quốc gia đó nói riêng; đồng thời, khẳng định khía cạnh quan trọng nhất của tài chính toàn diện là việc cá nhân, doanh nghiệp của quốc gia đó được tiếp cận dịch vụ tài chính, tín dụng ngân hàng như thế nào? có thuận lợi hay không? có được chủ động trong kế hoạch vay vốn để đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh hay chi tiêu phục vụ nhu cầu cá nhân hay không? Thực tế cho thấy, người dân, doanh nghiệp khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thống từ ngân hàng đã kịp thời giúp họ có vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... hạn chế rủi ro của việc đi vay tín dụng đen, lãi suất cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một bộ phận người dân nhất là nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế... sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa hẻo lánh là những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính từ ngân hàng.
Để khuyến khích và thúc đẩy phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông dòng vốn tín dụng cho nhóm yếu thế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 14-CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và kinh tế nông thôn; Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP); Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; khuyến khích cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017... Qua đó, đã tạo cơ chế thuận lợi thúc đẩy các tổ chức tài chính tập trung ưu tiên, ưu đãi vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Quyết định đưa ra 9 chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, trong đó có chỉ tiêu dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%. Đây vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở quan trọng và cần thiết để phát huy vai trò trụ cột của tài chính toàn diện trong phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển tài chính toàn diện sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng do các tổ chức được cấp phép cung ứng nhằm góp phần tích cực thực thi chiến lược xóa đói giảm nghèo, mang lại việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế cho người nông dân, đồng thời thúc đẩy phát triển một nền nông nghiệp Việt Nam bền vững, nông thôn Việt Nam văn minh, hiện đại.
2. Hội Nông dân Việt Nam chủ động và tích cực tham gia cung ứng, chuyển tải vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Tham gia vào quá trình cung ứng, chuyển tải vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng với các tổ chức chính thức hiện nay như Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân... còn có sự vào cuộc rất mạnh mẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các quỹ tương trợ, các nhóm dân cư... Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực thực hiện thông qua hoạt động hỗ trợ vốn của hệ thống Quỹ HTND trên toàn quốc và chương trình phối hợp với ngành Ngân hàng để đưa các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hàng triệu hộ nông dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... trên khắp cả nước một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng và linh hoạt.
Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế thông qua hoạt động của hệ thống Quỹ HTND
Hệ thống Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân Việt Nam hoạt động theo mô hình đặc thù, không kinh doanh tiền tệ, không vì mục tiêu lợi nhuận, cho vay theo phương thức có hoàn trả, không thu lãi nhưng có thu phí để trang trải các hoạt động… phát huy tối đa những đặc điểm, lợi thế riêng có đã tích cực hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Thành lập từ năm 1996 khi kinh tế - xã hội đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất cao, nguồn vốn Quỹ HTND được sử dụng để trợ giúp cho nông dân, nhất là hội viên nông dân nghèo (ban đầu) vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Khi Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập (năm 2002) chuyên cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì phương thức cho vay vốn của Quỹ HTND chuyển dần từ cho vay hộ nghèo phân tán theo chi, tổ hội nông dân (truyền thống theo địa bàn dân cư) sang cho vay tập trung theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm với đối tượng là các hộ khá, giỏi biết làm ăn nhưng thiếu vốn làm nòng cốt cùng với các hộ hội viên, nông dân khác tạo nhóm liên kết, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở nông thôn. Từ năm 2016, nguồn vốn Quỹ HTND tập trung cho vay đối với mô hình có quy mô lớn hơn theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, tạo sự liên kết, hợp tác, tham gia vào các chuỗi giá trị làm tăng hiệu quả kinh tế, xây dựng các tổ, nhóm nông dân liên kết làm tiền đề cho việc thành lập tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Kết quả đến nay, hệ thống Quỹ HTND đã xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, điều hành ở Trung ương và 63 Quỹ HTND thuộc 63 Hội Nông dân tỉnh/thành phố, 657/671 Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân cấp huyện và đang hoạt động tích cực ở 8.305/9.950 Hội Nông dân cơ sở đã xây dựng, phát triển được nguồn Quỹ HTND đạt 4.000 tỷ đồng. Doanh số cho vay toàn hệ thống Quỹ HTND đến nay đạt gần 13.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 2,4 triệu lượt hộ hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và mở rộng dịch vụ, làng nghề ở nông thôn. Thông qua hoạt động hỗ trợ vốn cho hộ gia đình hội viên nông dân tham gia dự án nhóm hộ (từ 10 hộ trở lên) cùng sản xuất kinh doanh một loại sản phẩm, với quy mô một dự án từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, thời gian vay tùy loại hình sản xuất kinh doanh (theo chu kỳ cây, con) lên đến 60 tháng; mức thu phí cho vay Quỹ HTND bằng khoảng 80% lãi suất cho vay thương mại cùng loại hình của các ngân hàng đối với tổ chức, cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cùng với thủ tục vay vốn đơn giản, mức cho vay đến 100 triệu đồng/hộ và không cần tài sản thế chấp bảo đảm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Qua mô hình vay vốn của hệ thống Quỹ HTND đã tạo ra ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp làm hạt nhân thu hút, tập hợp hội viên, nông dân khác tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời cũng khẳng định, việc đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với nông dân, mở rộng các hình thức cho vay bằng tín chấp không cần bảo đảm bằng tài sản, cho vay theo tổ, nhóm hộ nông dân liên kết, hợp tác thành chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tạo đà vững chắc cho phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tham gia chuỗi liên kết giá trị là một trong các giải pháp căn cơ đưa vốn đến nông dân một cách có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.
Hội Nông dân Việt Nam tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế
Cùng với việc trực tiếp hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động của hệ thống Quỹ HTND, Hội Nông dân Việt Nam đã, đang đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngân hàng, ngày càng tăng dư nợ từ các nguồn vốn ủy thác qua Hội Nông dân thông qua việc ký kết và triển khai các nghị quyết liên tịch, văn bản thỏa thuận, chương trình phối hợp... với các ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, một số ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính (Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Bưu điện Liên Việt, NHTMCP Sài Gòn Thương Tín...) nhằm mở rộng kênh dẫn vốn tín dụng ưu đãi đến hội viên, nông dân. Với dư nợ tín dụng ủy thác qua Hội Nông dân đang cho vay đến ngày 30/6/2021 đạt gần 150.000 tỷ đồng cho trên 2,6 triệu lượt hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thông qua hoạt động ủy thác giữa Hội Nông dân và ngân hàng đã phát huy được những điểm mạnh, tích cực của mỗi bên, trong đó, ngân hàng là tổ chức tài chính tín dụng chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn vay theo quy định và một bên là tổ chức Hội Nông dân các cấp với những đặc điểm, lợi thế riêng có của hệ thống mạng lưới hoạt động trải rộng hầu hết các cơ sở trong cả nước với các cấp độ từ Trung ương đến cơ sở và đến các chi, tổ hội tại các thôn, bản... với hàng chục vạn cán bộ hội cùng tham gia thực hiện công việc trong quy trình cho vay (tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát và các hoạt động phối hợp thực hiện cùng ngân hàng và các ngành, tổ chức liên quan) đã và đang là kênh dẫn vốn tín dụng ưu đãi đến với người dân nông thôn, đặc biệt là người dân nghèo, các đối tượng chính sách chiếm phần lớn trong xã hội đang sinh sống tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo... một cách nhanh chóng, hiệu quả, mở ra cơ hội để họ có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Qua các buổi sinh hoạt của các tổ, nhóm nông dân liên kết của hệ thống Quỹ HTND, Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổ vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ vay vốn của các ngân hàng thương mại khác... do Hội Nông dân thành lập đã tạo điều kiện cho Hội Nông dân, cấp ủy, chính quyền cơ sở tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các quy định về thủ tục, điều kiện, lãi suất... của ngân hàng và các tổ chức tín dụng về hoạt động cho vay vốn nhằm giúp hội viên nông dân dễ dàng hơn trong tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nâng cao hiểu biết của người dân về các gói dịch vụ, tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tài chính tín dụng, để hội viên nông dân được đáp ứng khi có nhu cầu vay vốn thay vì các nguồn vốn không chính thống.
Có thể nói, với những kết quả rất thiết thực trên, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của mình cả trong chuyển tải nhận thức và kênh dẫn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, mang đến cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chưa thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… có được các cơ hội phát triển kinh tế.
3. Bài học kinh nghiệm
Đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo: Xuất phát điểm từ một nước nghèo đói, lạc hậu, bị ảnh hưởng nhiều của chiến tranh, đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tốt đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói từ mức rất cao (gần 60% năm 1993) đến cuối năm 2020 giảm xuống dưới 3% theo chuẩn nghèo đa chiều, từ nước phải nhập khẩu lương thực trở thành quốc gia xuất siêu nông sản và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm... Có được kết quả trên là do sự định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong những năm qua với các chủ trương xuyên suốt, toàn diện và quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong đẩy mạnh phát triển tam nông và đặc biệt trong tạo điều kiện cho các ngành, các cấp, nhất là Hội Nông dân cùng với các ngành, các cấp xây dựng kênh dẫn vốn an toàn, hiệu quả để kịp thời giúp nông dân có vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Chuyển đổi trong nhận thức, hành động: Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần thông qua đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân Việt Nam có sự quan tâm, tạo điều kiện của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và được quan tâm, tạo điều kiện đối với hoạt động hỗ trợ vốn của hệ thống Quỹ HTND, Hội Nông dân Việt Nam.
Đổi mới phương thức ủy thác ngành Ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội: Đây tiếp tục được khẳng định là cách làm sáng tạo, riêng có của Việt Nam, phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị, kinh tế, xã hội đất nước. Thông qua việc đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc đã góp phần chuyển tải các chủ trương, chính sách về tam nông, chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đều tiếp cận dịch vụ, tài chính hiệu quả, an toàn và để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đổi mới trong cách làm từ hình thức cho không sang cho vay có điều kiện, có hoàn trả nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm thúc đẩy người nông dân, sử dụng vốn hiệu quả, có lợi nhất, chuyển đổi nhận thức, tập quán canh tác sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, truyền thống sang sản xuất hàng hóa lớn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý, sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả.
Đổi mới trong phương thức cho vay của Quỹ HTND: Khai thác, phát huy điểm mạnh của mô hình dự án nhóm hộ riêng có của Hội Nông dân do nông dân khá, giỏi, nông dân biết cách làm ăn, nông dân có kinh nghiệm, trình độ, tay nghề cao làm nòng cốt xây dựng dự án vay và sử dụng vốn Quỹ HTND hiệu quả đã tạo điều kiện cho các hộ cùng tham gia có điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh thông qua việc chia sẻ, truyền đạt những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp hạch toán trong sản xuất, kinh doanh sát với thực tiễn.