Đẩy mạnh ưu tiên nguồn vốn, giúp các hộ nghèo vươn lên vượt khó và thoát nghèo
(Quỹ HTND) – Những năm qua, ngân hàng CSXH luôn tập trung đẩy mạnh việc ưu tiên nguồn vốn nhằm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, vừa tạo đòn bẩy phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo thuận lợi để giúp các hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp, vượt khó, thoát nghèo. Đồng thời, còn góp phần vào việc lành mạnh hóa các hoạt động tín dụng để hạn chế tín dụng đen tại địa bàn nông thôn.
|
Nguồn vốn ưu đãi từ kênh ngân hàng CSXH đã trợ lực kịp thời, giúp các hộ nghèo vươn lên vượt khó và thoát nghèo |
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thực tế cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng. Trước hoàn cảnh đó, ngân hàng CSXH đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng, Hội đồng quản trị ngân hàng CSXH để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống tích cực triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2021.
Theo đó, nhằm phát huy vai trò các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần giúp các nông hộ khắc phục khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh… ngân hàng CSXH đã đẩy mạnh việc chỉ đạo trong toàn hệ thống tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các chương trình tín dụng, giải quyết thủ tục cho vay đơn giản, công khai và minh bạch… Nhờ đó, bước đầu đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn.
Kết quả, tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm của ngân hàng CSXH Việt Nam đạt 48.217 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, khắc phục những ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, tổng dư nợ đạt 240.518 tỷ đồng, tăng 14.321 tỷ đồng (tương đương với 6,3%) so với thời điểm cuối năm 2020; có hơn 6,4 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 206.386 tỷ đồng (tăng 6% so với cuối năm 2020); đã hoàn thành 77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. |
Tính đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 247.340 tỷ đồng, tăng 13.914 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 23.467 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 9,3% tổng nguồn vốn); tăng 3.152 tỷ đồng và đã hoàn thành 105% kế hoạch trong năm 2021.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp tục hỗ trợ tích cực nhằm giúp các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ người dân sớm khắc phục ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại thành phố Hà Nội, tính đến tháng 9 năm 2021, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh ngân hàng CSXH thành phố đạt 11.220 tỷ đồng, tăng 1.016 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách thành phố đạt 4.686 tỷ đồng (tăng 1.105 tỷ đồng so với đầu năm); nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách quận, huyện, thị xã đạt 604 tỷ đồng (tăng 85 tỷ đồng), với 25/30 đơn vị cấp huyện đã thực hiện việc chuyển nguồn vốn ủy thác sang ngân hàng CSXH.
Đặc biệt, đối với những địa phương có chuẩn nghèo cao hơn so với chỉ tiêu chung của cả nước, cùng với nhu cầu cần có việc làm, chuyển đổi sinh kế của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra từ năm 2020 thì nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đang dần trở thành chủ công. Từ đó góp phần thiết thực trong việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Chi nhánh ngân hàng CSXH thành phố đã liên tục, khẩn trương tổ chức việc giải ngân cho vay đối với người dân, người lao động trên địa bàn. Doanh số cho vay trong 9 tháng đầu năm đạt 3.488 tỷ đồng với trên 86 nghìn khách hàng tham gia vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 2.499 tỷ đồng (bằng 72% doanh số cho vay).
Hiện, tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đạt 11.156 tỷ đồng với gần 312 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 989 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ tăng trưởng đạt 9,7%.
Trong 9 tháng đầu năm, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để tháo gỡ bớt khó khăn cho các hộ vay, người lao động có nợ đến hạn trong thời gian giãn cách xã hội hoặc các phiên giao dịch phải dừng giao dịch, chi nhánh ngân hàng CSXH thành phố đã thực hiện việc gia hạn nợ tự động cho các món vay này. Tổng số các món vay gia hạn nợ do dừng giao dịch tính đến 30/9 còn dư nợ là 3.034 món vay với số tiền 114 tỷ đồng.
Thời gian qua, chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh Thái Bình cũng đã tích cực chỉ đạo các phòng giao dịch tập trung giải ngân đối với các chương trình tín dụng. Qua đó, bảo đảm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh một cách nhanh nhất.
Theo đó, đến hết tháng 6 năm 2021, tổng nguồn vốn tại chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh đạt hơn 3.271 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt hơn 3.266 tỷ đồng.
Một số chương trình cho vay hiện đang có dư nợ cao trên địa bàn như: Cho vay thoát nghèo (trên 1 nghìn 441 tỷ đồng); vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn (trên 1 nghìn 116 tỷ đồng); cho vay hộ nghèo (hơn 165 tỷ đồng); cho vay học sinh, sinh viên (gần 120 tỷ đồng)...
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải một cách linh hoạt, đảm bảo kịp thời đến tận tay các đối tượng thụ hưởng đúng qui định đã góp phần triển khai thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo; các hộ dân tăng thu nhập; thúc đẩy tích cực hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Để đưa nguồn vốn tín dụng của ngân hàng CSXH đến đúng đối tượng có nhu cầu, kịp thời phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, những năm qua, chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh Tiền Giang đã tăng cường việc kết hợp với các ngành, đoàn thể như: Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... để triển khai các hoạt động ủy thác nguồn vốn vay.
Nhờ đó, các ngành đã kịp thời giải ngân cho các hộ hội viên nghèo, giúp họ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thông qua những chương trình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Có vốn, các hộ hội viên nghèo vừa có thêm nguồn lực đầu tư giúp phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo ở địa bàn nông thôn; mặt khác, lại vừa tạo thêm nguồn nông sản hàng hóa dồi dào nhằm đảm bảo cung ứng cho các thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Kết quả, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có thêm gần 16.700 lượt hộ dân được vay khoảng 534 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi của chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh thông qua các chương trình tín dụng. Nâng tổng dư nợ toàn tỉnh lên trên 2.948 tỷ đồng với 104.450 khách hàng tham gia vay vốn.
Trước mắt, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thiết thực giúp các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh phát triển kinh tế gia đình; mở ra cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động; giúp người lao động có thu nhập thấp vay vốn xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; giúp sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập... Bên cạnh đó, thông qua nguồn vốn tín dụng của chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh còn hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 7.249 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại cấp cơ sở.
Theo đó, trên cơ sở phối hợp với chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 1.263 Tổ TK&VV thu hút trên 48.700 thành viên tham gia. Hiện, dư nợ từ các chương trình tín dụng chính sách mà hội viên, nông dân được hỗ trợ vay ưu đãi từ chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh đạt gần 1.300 tỷ đồng.
Tương tự, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng có chương trình hợp tác tín dụng với chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh nhằm trợ giúp hội viên nghèo về vốn để phát triển kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất, chăn nuôi... Thông qua chương trình phối hợp liên ngành, tính trong hơn 7 tháng đầu năm 2021, đã có trên 2.700 lượt hội viên nghèo được trợ giúp về nguồn vốn đạt hơn 80,2 tỷ đồng; nâng tổng dư nợ với chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh lên trên 1.006 tỷ đồng, có 35.775 hội viên được hưởng lợi.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới ngân hàng CSXH tập trung chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng CSXH trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh công tác cho vay các chương trình tính dụng chính sách theo đúng chỉ tiêu kế hoạch được giao từ đầu năm. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự của toàn hệ thống ngân hàng CSXH nhằm đáp ứng và thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới.
Trong Chiến lược phát triển ngân hàng CSXH giai đoạn 2011- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg với mục tiêu: “Phát triển ngân hàng CSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác”.