Thành phố Cần Thơ: Vốn Quỹ HTND hỗ trợ nông dân hội nhập
12:29 - 26/01/2021
(Quỹ HTND) - Những năm qua, các cấp Hội ND thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: Giới thiệu các mô hình sản xuất; hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật; hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, giúp hội viên, nông dân thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Nuôi cá thát lát cườm VietGAP trên sông Hậu thu tiền tỷ
Ảnh minh họa

Năm năm qua, để tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân vươn lên trong sản xuất, Hội ND thành phố đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với chính quyền hàng năm trích từ ngân sách bổ sung vốn cho Quỹ HTND hoạt động. Đến nay, ngân sách thành phố đã cấp 10 tỷ đồng; ngân sách huyện cấp 4,22 tỷ đồng; nguồn do các cơ sở Hội vận động được tăng trưởng 9,531 tỷ đồng; Trung ương Hội NDVN ủy thác số vốn 6,568 tỷ đồng. Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang quản lí gần 31 tỷ đồng, cho 1.849 hộ hội viên, nông dân vay để xây dựng 257 dự án sản xuất, kinh doanh.
 

Bên cạnh đó, hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác theo chương trình phối hợp giữa Hội với ngân hàng CSXH được triển khai tốt, số dư nợ tăng dần qua các năm. Cụ thể: Năm 2016 dư nợ 709,104 tỷ đồng; năm 2017 là 788,329 tỷ đồng; năm 2018 là 868,706 tỷ đồng; năm 2019 là 924,188 tỷ đồng; năm 2020 dư nợ đạt trên 1.001 tỷ đồng (tăng 292,381 tỷ đồng so với đầu kỳ).
 

Ngoài ra, thực hiện Thỏa thuận liên ngành với chi nhánh ngân hàng NN&PTNT, tổng dư nợ đang cho vay qua 30 Tổ Vay vốn do Hội quản lý đạt 34,648 tỷ đồng, với 418 thành viên tham gia.
 

Từ thực tế cho thấy, muốn thị trường chào đón nông sản Việt Nam thì cần phải có những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và có “thương hiệu” nhằm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Nắm bắt được điều này, để giúp hội viên, nông dân thích ứng với xu thế mới của thị trường, các cấp Hội đã tranh thủ phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương vận động hội viên, nông dân tăng cường liên kết trong sản xuất, hướng đến xây dựng sản phẩm theo chuỗi giá trị.
 

Theo đó, Hội đã thành lập mới, củng cố và duy trì 1.319 Tổ hợp tác, 13 Hợp tác xã nông nghiệp; phối hợp vận động nông dân duy trì và mở rộng 119 mô hình cánh đồng lớn có diện tích 31.564 ha với gần 20.000 hộ hội viên, nông dân tham gia. Các cấp Hội cũng trực tiếp hỗ trợ nông dân hoàn thành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Đến nay, đã tiến hành xây dựng 34 nhãn hiệu; trong đó có 12 nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận, 7 nhãn hiệu đã được cấp Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, 15 nhãn hiệu đã nộp đơn và đang hoàn thiện thủ tục…
 

Cùng với đó, Hội tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông sản trên một số mặt hàng nông sản chủ lực như: Lúa gạo, ổi ruột hồng (xã Thới Tân, huyện Thới Lai); cá thát lát (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy); sầu riêng (xã Tân Thới, huyện Phong Điền)… Hội ND thành phố cũng đang phối hợp với các đơn vị thực hiện 02 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu sầu riêng Tân Thới (xã Tân Thới, huyện Phong Điền) và thương hiệu gạo sạch Thạnh Đạt (xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh) nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của nông sản, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Cần Thơ và giới thiệu đến người tiêu dùng.
 

Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo liên kết tiêu thụ nông sản; hỗ trợ các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương lập 7 điểm bán hàng nông sản an toàn, giới thiệu sản phẩm nông sản sạch của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã cho 11 cửa hàng tiện ích liên kết tiêu thụ nông sản gồm: Vinmart, Satrafood, Hợp tác xã Nông sản xanh...
 

Ngoài ra, Hội ND thành phố cũng xây dựng kế hoạch hàng năm đều tham gia các hội chợ do Trung ương Hội NDVN phát động, tham gia Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ. Thời gian mỗi đợt tổ chức trung bình 7 ngày, trưng bày quảng bá từ 15- 20 loại nông sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm có thương hiệu được sản xuất theo quy trình VietGAP của hội viên, nông dân.
 

Có thể thấy, thông qua hoạt động hỗ trợ nguồn vốn của Quỹ HTND các cấp đã giúp hội viên, nông dân gia tăng tính liên kết, mạnh dạn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại giá trị và hiệu quả. Thời gian tới, Hội ND thành phố tiếp tục phối hợp hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đăng ký mã vùng trồng…
 
Lê Thị Hoa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường