|
Mô hình “Trồng và chăm sóc cam” xã Nam Phong, huyện Cao Phong đem lại thu nhập cao cho các hộ tham gia dự án |
Thực hiện theo Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, 10/10 huyện được ngân sách cấp bổ sung Quỹ HTND. Năm 2020, có 07/10 huyện được ngân sách bổ sung Quỹ HTND đạt trên 500 triệu đồng, tiêu biểu như: Thành phố Hòa Bình (1.210 triệu đồng); huyện Lạc Sơn (700 triệu đồng); huyện Kim Bôi (650 triệu đồng); huyện Lương Sơn (630 triệu đồng); huyện Cao Phong 550 triệu đồng)… Bên cạnh đó, 150/150 Hội ND cấp xã vận động xây dựng Quỹ HTND; 32 xã có nguồn vận động, ủng hộ Quỹ HTND đạt mức từ 50- 100 triệu đồng.
Đến 31/10/2020, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý đạt 35.861 triệu đồng. Trong đó: Nguồn vốn Trung ương ủy thác 13.850 triệu đồng; nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp 9.249 triệu đồng; ngân sách huyện cấp 5.860 triệu đồng; nguồn thu ủng hộ từ cán bộ, hội viên, nông dân 6.752 triệu đồng; nguồn vốn mượn 150 triệu đồng.
Từ nguồn vốn trên, hàng năm, các cấp Hội đã kịp thời giải ngân hỗ trợ hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương phát triển. Các dự án vay vốn Quỹ HTND đều khả thi và đạt hiệu quả kinh tế, phát huy được thế mạnh của các địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.
10 năm qua, nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội trong tỉnh đã hỗ trợ trên 6.500 lượt hộ vay 134.725 triệu đồng để triển khai 527 dự án. Cụ thể: 212 dự án trồng trọt, giải ngân 54.280 triệu đồng (chiếm 47,82%); 195 dự án chăn nuôi vay 61.528 triệu đồng (chiếm 37%); 69 dự án nuôi trồng thủy sản vay 15.452 triệu đồng (chiếm 13,09%); 11 dự án loại hình khác, vay 3.465 triệu đồng (chiếm 2,09%). |
Tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình kinh tế hiệu quả, được các cấp, các ngành đánh giá cao. Điển hình như: Dự án “Trồng và chăm sóc cam” xã Tây Phong và Nam Phong (huyện Cao Phong); trồng bưởi diễn ở xã Ngọc Lương, thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy); chăm sóc cam, bưởi tại xã Phú Thành (thị trấn Thanh Hà); chăn nuôi bò sinh sản ở xã Liên Hòa (huyện Lạc Thủy); nuôi cá dầm xanh tại xã Vạn Mai (huyện Mai Châu)…
Nhìn chung, các dự án đều đạt hiệu quả về kinh tế và xã hội, nâng mức thu nhập bình quân của các hộ gia đình từ ngưỡng dưới 15 triệu đồng/năm (năm 2011) lên 40 triệu đồng/năm (năm 2020); thậm chí, một số mô hình đạt mức thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Từ đó, góp phần tạo thêm nguồn lực giúp hội viên, nông dân, nhất là những nông dân nghèo mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương ổn định đời sống và ngày càng thu hút được nhiều hội viên đăng ký tham gia vào tổ chức Hội.
Để tạo thêm kênh dẫn vốn đa dạng nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân, các cấp Hội còn chủ động triển khai có hiệu quả hoạt động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn. Hiện, tổng dư nợ của ngân hàng CSXH thông qua Hội ND triển khai các chương trình ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 854.600 triệu đồng (tăng 563.913 triệu đồng so với năm 2010) với 26.441 hộ vay tại 698 Tổ TK&VV. Có 27.013 hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 25.187 triệu đồng.
Chất lượng hoạt động tín dụng được nâng lên qua các năm; việc đánh giá phân loại Tổ TK&VV được tiến hành theo quy định giúp cải thiện chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV. Theo đó, có 590 Tổ xếp loại tốt (chiếm 84,53%); 98 Tổ loại khá (chiếm 14,04%); 09 Tổ trung bình (chiếm 1,3%)...
Thực hiện chính sách tín dụng và phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, Hội ND tỉnh chỉ đạo 10/10 đơn vị Hội cấp huyện tích cực ký kết chương trình phối hợp với chi nhánh ngân hàng cùng cấp. Tổng dư nợ tính đến 31/10/2020 đạt 2.572 tỷ đồng, cho 32.542 hộ vay thông qua 976 Tổ vay vốn. Trong 10 năm qua, đã có tổng số 112.816 lượt hộ hội viên, nông dân được vay vốn để sản xuất.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh cũng ký thỏa thuận hợp tác với ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank chi nhánh tỉnh Hòa Bình về việc cho tổ liên kết vay vốn thông qua các cấp Hội. Đến nay, tổng dư nợ lên đến 54,740 tỷ đồng cho 897 hộ vay vốn thông qua 95 tổ liên kết. Đồng thời, Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với ngân hàng Bưu điện Liên Việt tổ chức các cuộc tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho 272 cán bộ Hội các cấp.
Sau 10 năm thực hiện Đề án, Quỹ HTND tỉnh có bước phát triển vượt bậc, nguồn vốn Quỹ các cấp tăng trưởng hơn 13,5 lần so với khi chưa thực hiện Đề án. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND được thực hiện ở cấp tỉnh, huyện; hoạt động của Ban điều hành Quỹ HTND dần đi vào nề nếp theo đúng nguyên tắc và quy định của Điều lệ.
Phương thức cho vay được đổi mới, từ cho vay theo hộ lên tổ liên kết và dần chuyển sang cho vay theo dự án gắn với việc xây dựng mô hình các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Quy mô đầu tư vốn cho một dự án được nâng lên (từ mức 300 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng).
Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND đã giúp nhiều lượt hội viên, nông dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Đồng thời, thông qua hoạt động của Quỹ HTND còn tạo môi trường thuận lợi để các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến hoạt động của Hội, đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, năng lực của cán bộ Hội các cấp được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, từ đó có thêm điều kiện chăm lo về những lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân ở địa phương.