T.Ư Hội NDVN - Ngân hàng CSXH:
Hiệu quả hoạt động phối hợp nhằm hỗ trợ vốn ưu đãi giúp hội viên, nông dân làm kinh tế
16:40 - 01/10/2020
(Quỹ HTND) - Ban Điều hành Quỹ HTND- T.Ư Hội NDVN xin trân trọng giới thiệu bài tham luận tại Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn 2015- 2020, tổ chức vào sáng 1/10, tại Hà Nội của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị tham gia đồng chủ trì tại Hội nghị trực tuyến

 
Hội NDVN là đoàn thể chính trị- xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Hội ND có hệ thống tổ chức rộng khắp cả nước, từ Trung ương đến cơ sở, đến chi, tổ Hội ở thôn, bản… với hàng chục vạn cán bộ Hội và trên 10 triệu hội viên, nông dân luôn tích cực thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các cấp Hội luôn đồng hành cùng Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên khắp cả nước, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Hội đã và đang phát huy tích cực vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; trong đó, đặc biệt chú trọng đến hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt là với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

 
Các cấp Hội luôn nhận thức rõ hoạt động ủy thác với Ngân hàng CSXH là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền vận động, tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế và thúc đẩy các phong trào thi đua do Hội phát động mà trọng tâm là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Mỗi năm có hơn 3,55 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó không ít từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên.

 
Thực hiện Văn bản Thỏa thuận 3948, ngày 03/12/2014 ký kết giữa Ngân hàng CSXH với 4 tổ chức chính trị - xã hội, trong những năm qua, Hội NDVN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tới Hội ND các cấp, thực hiện phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt những nội dung công việc đã ký kết trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách: Chú trọng đẩy mạnh mở rộng tín dụng, nâng cao dư nợ và chất lượng tín dụng chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ TK&VV; đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú (thông tin bằng tờ rơi, trên báo, tạp chí, bản tin công tác Hội; đặc biệt trên nền tảng điện tử của Hội gồm Cổng thông tin, báo, tạp chí điện tử..., Đài phát thanh, đài truyền thanh cấp huyện, hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; các cuộc sinh hoạt chi, tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân, Tổ TK&VV, các lớp tập huấn cán bộ Hội, các cuộc thi do 2 ngành tổ chức; kiện toàn lãnh đạo đại diện Hội ND các cấp tham gia Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện và Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã; hàng năm, quán triệt, giao chỉ tiêu thi đua cho các tỉnh, thành Hội triển khai các nội dung nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ủy thác; tham mưu, đề xuất các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen; tích cực thu hồi nợ quá hạn, nợ xâm tiêu, chiếm dụng; các cấp Hội trực tiếp tổ chức Đoàn và cử cán bộ tham gia các Đoàn kiểm tra, giám sát, khảo sát về hoạt động ủy thác ở các địa phương...

 
Đến 31/8/2020, 100% Hội ND cấp tỉnh và cấp huyện đã ký Văn bản liên tịch với Ngân hàng CSXH cùng cấp; đối với cấp xã, đạt 85,8% tổng số Hội ND cấp xã trong cả nước đã ký Hợp đồng ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện.

 
Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ủy thác đến 31/8/2020 qua tổ chức Hội đạt 67.442 tỷ đồng (tăng 25.090 tỷ đồng so với cuối năm 2014), thông qua 53.954 Tổ TK&VV, cho 2.011.118 thành viên, chiếm tỷ trọng 30,58% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH ủy thác, mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 10,09%/năm. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực tuyên truyền cho hội viên, nông dân gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV. Tỷ lệ hộ tham gia gửi tiết kiệm đạt hơn 99% với số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 3.240 tỷ đồng, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi Tổ đạt 60,05 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 99,93% số Tổ, với 2.039.135 thành viên tham gia tiết kiệm tự nguyện, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi thành viên đạt 1,590 triệu đồng.

 
Doanh số cho vay từ 2014 đến nay đạt hơn 82.000 tỷ đồng, đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 132.472 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, góp phần tạo việc làm cho trên 12 nghìn lượt lao động, trên 2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và hơn 115 nghìn căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng… Nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự là một chính sách có hiệu quả trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững, góp phần giúp người nghèo cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững.


Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội


Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác được các cấp Hội chú trọng. Hàng năm, từ Trung ương đến cơ sở, các cấp Hội đều ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát; chỉ đạo các Hội cơ sở xây dựng và thực hiện đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra, đảm bảo tần suất kiểm tra hàng năm. Hơn 5 năm qua, bình quân mỗi năm, các cấp Hội đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm tra về hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng ở Trung ương Hội, hàng năm, Ban chuyên môn theo dõi trực tiếp tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác từ 25- 30 tỉnh, thành Hội. Tại mỗi tỉnh kiểm tra 02 huyện, 04 xã, 08- 10 Tổ TK&VV và 05- 10 hộ vay. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, các cấp Hội cơ bản thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định, các hộ vay đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách.

 
Cùng với đó, các cấp Hội luôn quan tâm đến công tác tập huấn để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội; đặc biệt là cán bộ phụ trách nhiệm vụ ủy thác, các Tổ trưởng Tổ TK&VV hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, xem hoạt động tín dụng ủy thác là một trong những giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

 
Để giúp hội viên, nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả, các cấp Hội tích cực tập huấn, hướng dẫn quản lý sử dụng vốn cho hàng triệu lượt hội viên, nông dân. Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ KHKT cho trên 5 triệu lượt hội viên, nông dân nhằm giúp các hộ nông dân vay vốn biết ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.

 
Có thể khẳng định phương thức ủy thác qua các đoàn thể chính trị - xã hội trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm sáng tạo, riêng có của Việt Nam, phù hợp với đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội đất nước nên đã phát huy tích cực hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng. Các chương trình tín dụng chính sách làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống dần sang ứng dụng khoa học công nghệ; từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Nhờ có vốn kịp thời, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội đầu tư sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, bộ mặt nông thôn thay đổi, góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đẩy lùi “tín dụng đen”, tích cực thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2014 từ 5,8% xuống còn dưới 4% vào cuối năm 2019. Đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đầu tư tín dụng chính sách còn có tác động quan trọng đối với việc giữ đất đai, làng, bản, biên cương, biển đảo của Tổ quốc.

 
Hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH là chính sách nhân văn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chính sách này đã đi vào đời sống của từng người dân Việt Nam nói chung và cán bộ, hội viên, nông dân nói riêng. Thông qua hoạt động ủy thác giúp công khai hóa, dân chủ hoá và xã hội hoá hoạt động tín dụng chính sách; đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Sự phối hợp giữa Ngân hàng và các cấp Hội ND đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển tải vốn đến hội viên, nông dân, mang lại lợi ích thiết thực là điều kiện quan trọng để hội viên, nông dân có cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, tăng thu nhập cho từng gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu; con em những gia đình khó khăn có cơ hội học tập; bộ mặt nông thôn thay đổi, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hoạt động ủy thác tín dụng chính sách thông qua các tổ chức chính trị - xã hội góp phần củng cố lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết Đảng - Nhà nước - Nhân dân.

 
Thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác còn là điều kiện để Hội tập hợp, đoàn kết nông dân, hoạt động của Hội thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào Hội. Hội có thêm kinh phí hoạt động, có điều kiện để thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình công tác của Hội, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đồng thời, qua đó giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý tài chính, tín dụng của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, phát huy được vai trò, trách nhiệm của Hội là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân xứng đáng là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

 
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hoạt động ủy thác, Trung ương Hội ND kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành và Ngân hàng CSXH một số vấn đề sau:

 
- Có chính sách tích cực đầu tư hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm an dân, tạo sinh kế giảm tối đa di dân (tự phát) đi đến nơi khác Nhà nước lại phải bỏ tiền tái định cư; đồng thời quan tâm đầu tư nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ các hộ thuộc chính sách của vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các hộ có vốn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống định cư tại chỗ.

 
- Cần tiếp tục quan tâm, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, ban hành hoàn thiện các chính sách, pháp luật để tạo lập và phát triển nguồn vốn ổn định, bền vững cho Ngân hàng CSXH giúp nông dân vay vốn với số lượng, mức vay lớn hơn, thời gian dài hơn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời chỉ đạo UBND các cấp, các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng CSXH trong việc nâng cao công tác tuyên truyền chính sách tín dụng; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... với tín dụng chính sách xã hội; bồi dưỡng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn có hiệu quả.

 
- Tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 40, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, quy định của Ngân hàng CSXH đến các tổ viên và hộ vay vốn một cách kịp thời.

 
- Giải quyết kịp thời các trường hợp xử lý rủi ro để tránh ảnh hưởng đến đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ và của các cấp Hội.

 
- Chú trọng công tác sơ, tổng kết hoạt động thực tiễn để có sự tổng hợp, đánh giá đúng thực trạng, xu thế biến đổi đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo sự phát triển kinh tế - xã hội; từ đó có những tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội, Trung ương Đảng ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời.

 
- Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp hoạt động với tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hoạt động ủy thác cho vay qua Tổ TK&VV do các tổ chức Hội quản lý. Hàng năm, tổ chức mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV để không ngừng nâng cao hiệu quả của chính sách tín dụng; đồng thời kịp thời đề xuất khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân làm tốt công tác thực hiện ủy thác.

 

Hồng Hạnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng