Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả
12:21 - 28/08/2020
(Quỹ HTND)- Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân các cấp đã tích cực tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong quá trình cho vay, Hội Nông dân đã khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ hội viên, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. 
Hội viên, nông dân tham quan mô hình sản xuất hiệu quả để học tập kinh nghiệm

Được sự hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác cho Hội Nông dân tỉnh quản lý, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang được chọn để triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô 30 con tại 03 thôn và có 12 thành viên tham gia từ tháng 6/2017.

 
Ngay sau khi giải ngân Dự án, Hội Nông dân xã đã phối hợp với phòng kinh tế của thành phố tổ chức tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăm sóc gia súc cho 12 hộ hội viên tham gia Dự án chăn nuôi bò sinh sản.

 
Dự án được triển khai để tạo điều kiện cho hội viên sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết ổn định và mở rộng thành Tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho nông dân trong vùng và đưa việc phát triển đàn gia súc thành sản phẩm hàng hóa của địa phương.

 
 Qua thời gian 36 tháng triển khai dự án, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với khả năng, điều kiện chăm sóc của các hộ nông dân;12/12 hộ vay vốn phát triển từ 30 con bò giống.

 
 Đến nay đàn bò đã có 68 con; xuất chuồng 18 bò bê. Thu nhập bình quân mỗi hộ từ 15 - 18 triệu đồng/năm. 

 
Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP.Thuận An, Bình Dương đã hướng dẫn, hỗ trợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để thành lập mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất và tổ ngành nghề. Đến nay, trên địa bàn có 27 tổ kinh tế làm ăn hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tăng thu nhập đáng kể.


Với diện tích đất nông nghiệp 7.000m2, hộ ông Nguyễn Văn Tuấn (phường An Thạnh) đã đầu tư sản xuất rau ăn lá, ăn quả an toàn từ đồng vốn Quỹ HTND. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư ông Tuấn có thu nhập trên 320 triệu đồng.


Hay ông Lê Trọng Hoàng, xã Hưng Định vay 50 triệu đồng, sau khi đáo hạn, ông tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái, hiệu quả mang lại thấy rõ, kinh tế gia đình ổn định. Thời gian vay vốn 3 năm với lãi suất ưu đãi chỉ 0,5%/tháng. Lãi suất thấp, nguồn vốn thật sự mang lại niềm vui cho ông Hoàng và nhiều hộ nông dân khác.


Tổng nguồn Quỹ HTND tại TP.Thuận An đến cuối tháng 5-2020 trên 12,4 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng thực hiện bảo đảm công tác quản lý cho vay vốn theo đúng quy trình thủ tục, lập hồ sơ dự án vay vốn. Chỉ đạo, lựa chọn mô hình theo định hướng phát triển của từng địa phương bảo đảm tính khả thi của dự án. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho vay được gần 80 dự án, 980 lượt hộ vay vốn với trên 23 tỷ đồng.


Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp trong tỉnh đạt 24,745 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương ủy thác 12,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh cấp 6 tỷ đồng, ngân sách huyện cấp 8,31 tỷ đồng, còn lại là nguồn vận động.


Số tiền trên được triển khai cho vay từ năm 2010 đến nay, đã xây dựng và nhân rộng 79 lượt dự án với hơn 1.700 lượt hộ hội viên, nông dân được vay vốn.


Trong đó có 11 dự án trồng trọt với 8,8 tỷ đồng, 67 dự án chăn nuôi với 24,35 tỷ đồng; 10 dự án nuôi thủy sản với 4,58 tỷ đồng; 9 dự án kinh doanh, dịch vụ với 2,34 tỷ đồng.


Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cũng đầu tư vốn xây dựng các dự án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương, như mô hình trồng cam Lương Sơn tại huyện Bảo Yên; bưởi Múc, na dai tại huyện Bảo Thắng; mận Tam hoa tại thị trấn Bắc Hà; lê, đào Pháp, hoa ly, địa lan, atiso tại thị xã Sa Pa…


Các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với thu nhập ổn định. Nhiều dự án đã xây dựng được các mô hình tổ, hội nghề nghiệp, góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập cho hội viên, nông dân.
 

Khánh Linh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường