Bà Rịa- Vũng Tàu: Nguồn vốn Quỹ HTND giúp trên 5 ngàn lượt hội viên, nông dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả
16:00 - 15/07/2020
(Quỹ HTND) – Những năm qua, bên cạnh việc giao chỉ tiêu vận động phát triển nguồn vốn Quỹ HTND các cấp, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả.

Nguồn vốn ưu đãi giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên khá, giàu

 
Nhờ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo triển khai, thực hiện tốt Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn Quỹ HTND đã có sự tăng trưởng liên tục qua các năm. Đến nay, Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 81 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp.

 
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai việc giải ngân vốn, kịp thời giúp 5.291 lượt hội viên, nông dân vay để thực hiện 296 dự án thuộc các lĩnh vực gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, chế biến hải sản, sản xuất kinh doanh và các mô hình khác…

 
Qua đó, giúp các hộ có thêm điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình và vươn lên khá, giàu. Đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho 10.396 lao động ở nông thôn có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 
Một điểm mới trong công tác quản lý nguồn vốn Quỹ HTND của Ban Thường vụ Hội ND tỉnh thời gian qua là đã tập trung ưu tiên nguồn vốn vay để hỗ trợ cho hội viên, nông dân tại địa bàn những xã đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới.

 
Đến nay, đã có 20 xã nông thôn mới được xét vay nguồn vốn 25,9 tỷ đồng từ Quỹ HTND để thực hiện 66 dự án với tổng số 876 hộ tham gia vay. Ngoài ra, 23 xã đang xây dựng nông thôn mới cũng được vay 37,5 tỷ đồng với 1.210 hộ hội viên, nông dân vay tại 80 dự án.

 
Theo đó, các dự án vay vốn Quỹ HTND khi triển khai thực hiện tại các xã nông thôn mới, ngoài việc đạt được những thành công về giá trị kinh tế thì các sản phẩm làm ra cũng cần phải bảo đảm những yêu cầu về vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những điều kiện bắt buộc để yêu cầu các thành viên khi được xét tham gia vào các dự án cần cam kết thực hiện; cụ thể gồm: Không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng chế phẩm Balasa- N01 dùng làm đệm lót trong chăn nuôi lợn, gà; xây dựng hầm biogas để xử lý mùi hôi trong chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường...

 
Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều địa phương đã xây dựng được những mô hình liên kết sản xuất ra các loại nông sản có chất lượng, an toàn mang lại giá trị lợi nhuận và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: Mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Sông Xoài- huyện Tân Thành; trồng thanh long ruột đỏ và nhãn xuồng cơm vàng ở thị trấn Phước Bửu- huyện Xuyên Mộc; dự án chăm sóc vườn tiêu theo tiêu chuẩn sản xuất sạch tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc…

 
Anh Nguyễn Thanh Chức ở thôn 1, xã Suối Rao- huyện Châu Đức là người đã thành công với việc đầu tư xây dựng và phát triển mô hình nuôi các loại cá nước ngọt. Được xét vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, anh tập trung vốn đầu tư đào ao nuôi cá đảm bảo đúng qui trình kỹ thuật, mua con giống tốt và chọn lọc các loại thức ăn chăn nuôi uy tín trên thị trường để giúp mô hình phát huy hiệu quả.

 
Hiện nay, trên diện tích 1 ha mặt nước, anh đã qui hoạch và xây dựng 2 ao khép kín để nuôi các loại cá nước ngọt như: Chép, trắm, rô phi. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm và nắm chắc những kỹ thuật mới trong việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá nên mô hình của gia đình anh phát triển tốt, thu nhập bình quân đạt hơn 800 triệu đồng/năm.

 
Từ những thành công bước đầu, anh còn đứng ra vận động bà con trong xã cùng nhau liên kết lại để thành lập Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt xã Suối Rao nhằm xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín giúp gia tăng giá trị và chất lượng của sản phẩm đầu ra.

 
Được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, bên cạnh việc thường xuyên giúp bà con nông dân chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, anh còn tích cực tìm kiếm sự kết nối và hợp tác với các Công ty, doanh nghiệp chế biến để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của thành viên trong Tổ hợp tác.

 
Cùng ở huyện Châu Đức, song hộ gia đình bà Nguyễn Thị Diêm ở thôn 3, xã Suối Rao lại thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp. Được tiếp sức nhờ vốn vay từ Quỹ HTND, bà triển khai mô hình chăn nuôi lợn và các loại gia cầm. Bên cạnh đó, nhờ thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi cũng như đi học tập kinh nghiệm thực tế từ nhiều mô hình sản xuất hiệu quả do các cấp Hội tổ chức, bà đã tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại để nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm.

 
Hiện, trang trại chăn nuôi của bà được qui hoạch khép kín có tổng diện tích khoảng gần 1.000 m2 được phân chia thành các khu riêng biệt để nuôi 100 con lợn, 200 con dê và hàng chục ngàn con gia cầm (gà, vịt, bồ câu…). Mô hình mang lại cho gia đình bà thu nhập từ 500- 600 triệu đồng/năm.

 
Được Quỹ HTND thị xã Phú Mỹ hỗ trợ xét cho vay 30 triệu đồng, gia đình ông Phan Văn Trọng ở ấp Sông Xoài 1, xã Sông Xoài đã đầu tư mua cây giống và triển khai xây dựng mô hình trồng chuyên canh giống bưởi da xanh đặc sản. Hiện nay, trên diện tích gần 5.000 m2 đất nông nghiệp đã được cải tạo, mô hình giúp gia đình ông có nguồn thu nhập gần 350 triệu đồng/năm.

 
Đáng chú ý, từ việc nhận thấy giá trị kinh tế cao của mô hình này mang lại, Quỹ HTND thị xã đã tiếp tục giải ngân 500 triệu đồng để đầu tư cho 12 hộ hội viên, nông dân trên địa bàn xã Sông Xoài triển khai thực hiện dự án “Trồng và thâm canh cây bưởi” với thời hạn vay 36 tháng.

 
Nhờ các cấp Hội đã quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng hướng trong việc tập trung nguồn lực để phát triển cho sản phẩm thế mạnh của địa phương, đến nay, diện tích trồng bưởi da xanh trong toàn xã đã tăng lên thành 150 ha.

 
Hộ gia đình ông Trần Văn Bảo ở ấp Phước Lộc, xã Phước Hội- huyện Đất Đỏ trước đây vốn là diện hộ nghèo nhiều năm liền ở địa phương. Được Hội ND xã đứng ra bảo lãnh và xét cho vay 25 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND huyện, ông đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín và mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện đàn bò của gia đình ông đã tăng lên thành 12 con, trong đó có 4 con bò cái sinh sản.
 

Bên cạnh đó, để có thêm kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của Hội tổ chức. Ngoài ra, tận dụng diện tích hơn 500 m2 vườn, ông tiến hành trồng rau màu các loại gồm: Mướp, bắp, đậu, cải… vừa có thêm nguồn thu nhập đều đặn từ số rau xanh hàng ngày, lại vừa tạo nguồn thức ăn sẵn có cho đàn bò. Đến nay, không những đã hoàn trả hết số vốn đã vay, mô hình chăn nuôi và trồng trọt kết hợp còn giúp gia đình ông có nguồn lợi nhuận ổn định từ 60- 70 triệu đồng/năm.

 
Hộ gia đình ông Dương Văn Lý ở ấp Bắc, xã Long Phước- thành phố Bà Rịa được các cấp Hội xét cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND thành phố, lại được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, ông đầu tư mua 4 con bò sinh sản lai Sind về nuôi. Nhờ áp dụng đúng các kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi nên đàn bò của gia đình ông phát triển khỏe mạnh.

 
Năm 2019, ông đã bán 3 con bò thịt thu về 75 triệu đồng. Hiện, đàn bò lai Sind của gia đình ông đang có tổng số 17 con; trong đó, có 8 con bò giống và 9 con bò thịt. Ước tính sau khi xuất chuồng bán hết số bò thịt, ông sẽ thu về được hơn 300 triệu đồng.

 
Các dự án vay vốn được triển khai trên địa bàn đều tập trung vào việc hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ. Bên cạnh đó, việc phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế trong liên kết sản xuất cũng đã hỗ trợ hội viên, nông dân vừa có vốn đầu tư sản xuất để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vừa xây dựng các thương hiệu nông sản chất lượng cao.

 
Các cấp Hội luôn xác định việc bảo đảm an toàn nguồn vốn là quan trọng nhất trong công tác quản lý vốn. Vì vậy, trước khi tiến hành các thủ tục giải ngân để cho vay nguồn vốn Quỹ HTND đều phải trực tiếp thẩm định đối với 100% số hộ xin vay. Nhờ đó, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đều được quản lý, điều hành hoạt động chặt chẽ, đúng với điều lệ, quy chế quản lý Quỹ; trên địa bàn không có hiện tượng nợ xấu, nợ quá hạn hay chiếm dụng vốn.

 
Cùng với việc giải ngân nguồn vốn, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đều tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đối với 07/07 đơn vị cấp huyện, đạt 100%. Đối với các dự án triển khai vay vốn từ nguồn của Quỹ HTND, các cấp Hội tiếp tục kiểm tra theo định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời nhắc nhở các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

 
Nhìn chung các dự án đã triển khai trên địa bàn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả; các hộ vay thực hiện việc trả lãi và vốn đúng kỳ hạn. Sau khi dự án kết thúc, các địa phương đều tiến hành việc tổ chức tổng kết để đánh giá hiệu quả các mô hình đã đầu tư, lấy đó làm cơ sở và tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Từ đó, đã tạo động lực để phát triển và củng cố hoạt động của các làng nghề, chi Hội nghề nghiệp, Câu lạc bộ chăn nuôi, sản xuất…
 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tăng cường hỗ trợ về vốn giúp hội viên, nông dân có nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất; phối hợp với các sở, ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Đồng thời, các cấp Hội cũng đẩy mạnh việc phối hợp với sở ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; kết nối thị trường nông sản… 


 

Trọng Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường