Quỹ HTND Kon Tum: Đồng hành cùng hội viên, nông dân vượt khó, làm giàu
15:00 - 10/07/2020
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên, nông dân được tiếp cận với các nguồn vốn và chính sách ưu đãi, tạo nguồn lực đầu tư sản xuất một số loại cây, con đặc sản để phát triển kinh tế.

Hầu hết các mô hình, dự án khi triển khai đều phát huy tốt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho các hộ dân

 
Theo đó, thực hiện chỉ tiêu phát triển và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND do T.Ư Hội giao, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh giai đoạn 2016- 2020 và đưa kế hoạch xin cấp vốn vào kế hoạch phân bổ ngân sách hàng năm của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn Hội ND các huyện, thành phố xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND” và thành lập Quỹ HTND cấp huyện, thành phố.

 
Nhờ có sự quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ có sự phát triển qua từng năm. Năm 2020, Quỹ HTND tỉnh được duyệt cấp bổ sung từ ngân sách tỉnh 1.000 triệu đồng.

 
Ngoài ra, 3 đơn vị Hội cấp huyện cũng được cấp ủy và chính quyền cùng cấp duyệt bổ sung nguồn vốn từ ngân sách cho Quỹ HTND, gồm: Huyện Đăk Hà được ngân sách cấp 500 triệu đồng; huyện Đăk GLei cấp 100 triệu đồng; huyện Sa Thầy cấp 100 triệu đồng.

 
Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội ND tỉnh luôn chú trọng quan tâm và chỉ đạo các cấp Hội thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Quỹ HTND tỉnh luôn đồng hành cùng với công tác phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, giúp nhiều lao động có thêm việc làm, nhiều hộ hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên khá, giàu; góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.

 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh được hỗ trợ kịp thời về vốn để có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, bà con còn được các cấp Hội hướng dẫn và khuyến khích chuyển đổi phương thức sang liên kết với nhau để cùng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản đạt chất lượng cũng như mang lại lợi nhuận cao.

 
Đến nay, tổng dư nợ của Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đạt 4.200 triệu đồng, đang cho 100 hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện 10 dự án theo mô hình Tổ hợp tác và nhóm hộ. Trong đó: Có 5 dự án trồng trọt (chiếm 50%); 4 dự án chăn nuôi (chiếm 40%); 01 dự án nuôi trồng thủy sản (chiếm 10%).

 
Hiện nhiều mô hình, dự án vay vốn trên địa bàn đã và đang dần chuyển dịch theo hướng thành lập các tổ, nhóm nông dân liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng giá trị và lợi nhuận cho các hộ gia đình. Đồng thời, các mô hình, dự án liên kết nhờ sử dụng đồng vốn ưu đãi đạt hiệu quả còn góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa nông sản, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
 

Tại các địa phương trong tỉnh đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình, dự án đạt hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như: Dự án chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô); mô hình cải tạo và chăm sóc cà phê ở xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà); trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn Việt Gap ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum)...

 
Một điển hình trong việc quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND là Hội ND xã Ia Chim- thành phố Kon Tum. Theo đó, với nguồn vốn ưu đãi 600 triệu đồng từ Quỹ HTND, đã có 12 hộ hội viên, nông dân trong xã được tạo điều kiện vay vốn để cùng liên kết hợp tác với nhau xây dựng mô hình kinh tế tập thể trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn Việt Gap trên diện tích canh tác 2 ha.

 
Tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để tập trung cải tạo vườn và mua giống thanh long ruột đỏ về trồng. Bên cạnh đó, các hộ dân còn được tham gia nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do các cấp Hội phối hợp tổ chức, đem áp dụng vào mô hình và đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. Hiện toàn bộ diện tích canh tác thanh long ruột đỏ của các hộ hội viên, nông dân đều phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp các hộ có thêm nguồn thu nhập ổn định.

 
Cùng với công tác phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội còn tập trung đẩy mạnh việc phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn để đa dạng hóa “kênh” vốn vay ưu đãi. Qua đó, tạo thêm nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn để hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo, nhất là bà con người dân tộc thiểu số thay đổi về nhận thức, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, giúp thoát nghèo bền vững.

 
Năm 2020, thực hiện chương trình liên tịch, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH tiếp tục đối chiếu dư nợ, củng cố dịch vụ uỷ thác tại cấp xã; đồng thời, củng cố các Tổ TK&VV và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân về quy trình thủ tục vay vốn… Bên cạnh đó, các cấp Hội còn thường xuyên cử cán bộ phối hợp với phía ngân hàng tiến hành giải ngân kịp thời nguồn vốn quay vòng sau khi đã thu hồi vốn hoặc khi có nguồn bổ sung mới, đảm bảo đồng vốn đến đúng tay các đối tượng thụ hưởng.

 
Nhờ đó, kết quả cho vay trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực qua các năm. Tính đến 31/5/2020, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt 79.121 triệu đồng; thu nợ đạt 60.550 triệu đồng, nâng tổng dư nợ do các cấp Hội nhận ủy thác thông qua kênh ngân hàng CSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách lên 795.586 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 482 Tổ TK&VV do các cấp Hội thành lập và quản lý với 18.844 thành viên tham gia vay vốn.

 
Các cấp Hội luôn quan tâm đến việc hướng dẫn, tư vấn để giúp các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của từng gia đình. Cùng với đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn từng bước được các cấp Hội duy trì và giữ ổn định. Có 482/482 số Tổ TK&VV đều được ủy nhiệm thu lãi, đạt 100%. Tỷ lệ thu lãi, thu tiết kiệm tự nguyện hàng tháng vẫn thường xuyên duy trì ở mức đạt 98% so với kế hoạch.

 
Việc củng cố chất lượng của các Tổ TK&VV được hai ngành phối hợp thực hiện thường xuyên và liên tục. Qua công tác đánh giá, phân loại Tổ TK&VV định kỳ cho thấy, có 366 Tổ TK&VV đang hoạt động được xếp loại tốt; 86 Tổ TK&VV xếp loại khá; 30 Tổ TK&VV loại trung bình và đặc biệt không có Tổ TK&VV nào loại yếu.

 
Bên cạnh đó, để tiếp tục chương trình phối hợp giữa Hội ND với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; Hội ND tỉnh đã ký Thỏa thuận hợp tác với Agribank chi nhánh tỉnh.

 
Đến 31/5/2020, các cấp Hội đã bảo lãnh cho 182 hộ hội viên, nông dân tham gia tại 15 Tổ Vay vốn được vay ưu đãi để mua sắm vật tư, cây, con giống, máy móc trang thiết bị phục sản xuất, kinh doanh… với tổng dư nợ đạt 5.830 triệu đồng. Trên địa bàn hiện nay không có tình trạng nợ quá hạn.

 
Với đặc thù của một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và đang còn rất nhiều khó khăn, những nguồn vốn vay ưu đãi thực sự đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ hội viên, nông dân nghèo có thêm vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

 
Hộ bà Trần Thị Sen ở thôn 2, xã Ia Đal- huyện Ia H'Drai đã vay 50 triệu đồng nguồn vốn ngân hàng CSXH huyện để phát triển sản xuất. Có vốn, bà đầu tư cải tạo và tập trung trồng chuyên canh 1,5 ha cây cà phê. Ngoài ra, bà còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt do các cấp Hội tổ chức để áp dụng vào mô hình của gia đình.

 
Đến nay, vườn cà phê của gia đình bà phát triển tốt và đã cho thu hoạch ổn định. Thu nhập bình quân sau khi đã trừ mọi chi phí, gia đình bà thu lãi 100 triệu đồng/năm.  Từ một hộ nghèo, giờ bà đã vươn lên thành hộ khá giả.

 
Hộ gia đình anh Trần Ngọc Hoa ở thôn 4, xã Tân Cảnh- huyện Đăk Tô nhờ được Hội ND xã tư vấn, anh tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi. Đồng thời, được xét vay 30 triệu đồng từ ngân hàng CSXH huyện, anh đầu tư mua 2 con bò đang có thai về nuôi.

 
Nhờ chịu khó chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ nên đàn bò phát triển và sinh trưởng tốt và tăng lên 6 con bò. Không những hoàn trả hết nợ, anh còn mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư trồng 0,6 ha cà phê và 0,5 ha cao su. Mô hình kinh tế tổng hợp giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả.

 
Để giúp nguồn vốn phát huy hiệu quả, Hội ND các cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH hội tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác vay vốn cho cán bộ Hội cấp cơ sở và Tổ trưởng các Tổ TK&VV. Đồng thời, Hội ND tỉnh tăng cường sự phối hợp với ngành chức năng tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho 90 lượt hội viên, nông dân; Hội ND cơ sở cũng phối hợp và tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi cho 430 lượt hội viên, nông dân trên địa bàn.

 
Nhờ được trang bị thêm kiến thức và khoa học kỹ thuật, đồng thời được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn áp dụng thành công những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; hầu hết các mô hình, dự án khi triển khai đều phát huy tốt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho các hộ dân.

 
Cùng với đó, để bảo toàn nguồn vốn, công tác kiểm tra, giám sát được các cấp Hội tiến hành thường xuyên và liên tục. Đến hết tháng 6/2020, Hội ND tỉnh tổ chức 7 đợt kiểm tra tại 7 huyện, thành phố, 19 cơ sở và 69 Tổ TK&VV; Hội ND cấp huyện tiến hành kiểm tra 101 lượt đối với Hội cấp cơ sở và 202 Tổ TK&VV; Hội ND cơ sở tổ chức kiểm tra 970 cuộc tại 970 Tổ TK&VV và 14.550 hộ hội viên, nông dân vay vốn.
 

Có thể thấy, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn giảm nghèo; đồng thời, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Qua đó, uy tín của tổ chức Hội ngày càng được nâng lên; hội viên, nông dân thêm tin tưởng vào tổ chức Hội. Từ những kết quả đạt được của các cấp Hội còn góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân tại địa phương.
 

Thành Trung
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường