Quỹ HTND Cà Mau: Hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất
11:06 - 28/07/2020
(Quỹ HTND) - Những năm qua, xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND trong việc giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tháo gỡ những khó khăn, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội ND tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND trên địa bàn đang chuyển dịch theo hướng thành lập mô hình các tổ, nhóm liên kết giúp nâng cao năng suất và giá trị kinh tế |
Ngay từ đầu năm 2020, các cấp Hội đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và phê duyệt cấp từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND. Nhờ đó, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp có sự phát triển, giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh được hỗ trợ vốn kịp thời.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020, vốn ngân sách tỉnh đã duyệt cấp bổ sung 2 tỷ đồng cho Quỹ HTND (nâng lũy kế đến nay đạt 12 tỷ đồng); đồng thời, nguồn vốn ngân sách huyện cũng duyệt cấp bổ sung 800 triệu đồng (lũy kế đến nay có 5 tỷ 747 triệu đồng).
Một số đơn vị huyện Hội nhờ làm tốt công tác tham mưu đã được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm phê duyệt sớm nguồn ngân sách cấp bổ sung. Cụ thể như các huyện: Đầm Dơi (200 triệu đồng); thành phố Cà Mau (200 triệu đồng); U Minh (100 triệu đồng); Năm Căn (100 triệu đồng); Trần Văn Thời (100 triệu đồng); Thới Bình (100 triệu đồng).
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung hướng tới chính là tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân vươn lên trong cuộc sống.
Theo đó, các cấp Hội thường xuyên quan tâm tới công tác vận động, xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ; tích cực phát động mỗi hội viên, nông dân ủng hộ đóng góp xây dựng Quỹ HTND với mức 60.000 đồng/hội viên/năm. Nhờ đó, giúp nguồn vốn Quỹ HTND các cấp liên tục tăng trưởng, vượt chỉ tiêu đề ra.
Hiện, 9/9 huyện, thành phố đều tích cực xây dựng phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Đáng chú ý, Hội ND huyện Trần Văn Thời đã xây dựng Quỹ HTND đạt mức 500 triệu đồng/năm.
Đối với Quỹ HTND cấp xã, phường, thị trấn, mặc dù trong những tháng đầu năm 2020 có rất nhiều khó khăn song tính đến 31/5 cũng đã vận động được 922 triệu đồng; nâng mức lũy kế đến nay đạt 13 tỷ 315 triệu đồng.
Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý hiện đạt 36 tỷ 662 triệu đồng, đã tiến hành giải ngân cho 3.743 hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện 215 dự án. So với cuối năm 2019, nguồn vốn Quỹ đã tăng trưởng 3 tỷ 722 triệu đồng.
Trong đó, nguồn vốn do T.Ư ủy thác đạt 5 tỷ 600 triệu đồng, cho 366 hộ hội viên vay thực hiện 16 dự án; nguồn cấp tỉnh quản lý 12 tỷ đồng, cho 1.020 hộ vay thực hiện 57 dự án; nguồn cấp huyện quản lý 5 tỷ 747 triệu đồng, cho 1.107 hộ vay thực hiện 52 dự án; nguồn vận động 13 tỷ 315 triệu đồng cũng đang triển khai 88 dự án với 1.250 hộ hội viên, nông dân vay.
Kết quả cho vay trong kỳ gồm: Nguồn vốn cấp tỉnh quản lý 3 tỷ 700 triệu đồng đã tiến hành xây dựng và triển khai tại 14 dự án cho 210 hộ vay (đã thu nợ tại 05 dự án với số vốn 1 tỷ 700 triệu đồng); nguồn vốn cấp huyện 800 triệu đồng cho 120 hộ vay triển khai 08 dự án; nguồn vốn do cấp cơ sở vận động đạt 922 triệu đồng đang cho 135 hộ vay triển khai tại 09 dự án.
Thông qua các mô hình, dự án được đầu tư triển khai trên địa bàn cho thấy những hiệu quả về kinh tế đạt được rất rõ nét và thiết thực. Theo đó, nhờ các mô hình, dự án được các cấp Hội triển khai xây dựng tại các địa phương đã giúp hội viên, nông dân kịp thời tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; cán bộ Hội thường xuyên đi kiểm tra các mô hình, tận tình hướng dẫn giúp đỡ hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ, bên cạnh việc xây dựng và phát triển nguồn vốn vay để kịp thời giải ngân, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 60 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về: Kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến; nuôi tôm sinh thái; nuôi cua, cá; trồng lúa, rau màu, cây ăn quả... cho 2.083 lượt hội viên, nông dân.
Các dự án sử dụng nguồn đầu tư nhờ vốn Quỹ HTND còn giúp gia tăng sự chia sẻ và tính đoàn kết giữa các thành viên tham gia dự án, cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm trong sản xuất... Từ đó, các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, ước tính mức thu nhập của các thành viên tham gia dự án bình quân đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng.
Việc cho vay vốn được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục. Việc chỉ đạo lựa chọn mô hình theo định hướng phát triển của từng địa phương nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án. Nhìn chung, đa số các hộ hội viên, nông dân khi tham gia thực hiện dự án đều đã có ý thức xây dựng mô hình và hoàn trả vốn vay đến hạn đúng quy định. Nhiều dự án đạt hiệu quả kinh tế cao được các cấp Hội tiếp tục nhân rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Đáng chú ý, các thành viên tham gia thực hiện dự án đã có sự thống nhất và liên kết chặt chẽ với nhau cả trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng hiệu quả và giá trị lợi nhuận của các mô hình. Tiêu biểu như: Nuôi cua thương phẩm ở xã Tân Đức- huyện Đầm Dơi; trồng bồn bồn ở xã Tân Hưng Đông- huyện Cái Nước; nuôi cá chình, cá bống tượng ở thành phố Cà Mau; trồng rau an toàn tại xã Khánh Bình Đông và trồng chuối xiêm trên vùng đất phèn tại xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); nuôi gà nòi lai ở xã Tân Lộc- huyện Thới Bình; nuôi cá thâm canh nước ngọt, kết hợp trồng cây ăn quả ở huyện U Minh...
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa hoạt động và những hiệu quả đạt được của các mô hình xây dựng từ nguồn vốn Quỹ HTND. Thông qua 215 dự án được triển khai giúp giải quyết việc làm cho 3.743 lao động nông thôn.
Mặt khác, việc triển khai các mô hình, dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND còn góp phần nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện để các cấp Hội hoạt động sâu sát với cơ sở, trực tiếp chỉ đạo xây dựng và phát triển các dự án sản xuất đạt hiệu quả thiết thực; nội dung sinh hoạt của các chi, tổ Hội ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu hơn, giúp hội viên, nông dân thêm tin tưởng vào tổ chức Hội.
Nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND trên địa bàn hiện đã và đang chuyển dịch theo hướng thành lập mô hình các tổ, nhóm liên kết. Từ đó, để vận động, hướng dẫn bà con nông dân cùng tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với việc tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Đến nay, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động và thành lập mới được 215 Tổ hợp tác và 17 Hợp tác xã.
Các dự án liên kết đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và hiện đang tiếp tục được các cấp Hội nhân rộng ra nhiều địa phương. Đồng thời, các cấp Hội cũng quan tâm chỉ đạo việc hướng dẫn bà con tích cực chuyển đổi các loại giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả bằng các giống mới có chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường vừa giúp tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa.
Nhờ đó, diện tích chuyển đổi áp dụng các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao liên tục gia tăng. Điển hình như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn; cải tạo vườn tạp để trồng rau màu; trồng cam sành, trồng dừa xiêm lùn; mô hình sản xuất lúa ứng dụng quy trình 3 giảm, 3 tăng kết hợp khôi phục nguồn lợi cá đồng; nuôi các loài thủy sản có giá trị cao (sò huyết, tôm càng xanh, rắn...); trồng bồn bồn; trồng nấm rơm...
Thực tế cho thấy, nhu cầu vay vốn để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể của hội viên, nông dân trên địa bàn là rất lớn. Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, tư vấn giúp nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất. Đồng thời, các cấp Hội tăng cường vận động các nguồn lực về vốn, giống, vật tư để hỗ trợ hội viên, nông dân đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm nông sản.
Trúc Hà