|
Các mô hình kinh tế hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương |
Để nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng hàng năm, Ban Thường vụ tỉnh Hội đã chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội tích cực thực hiện. Theo đó, tỉnh Hội đề ra kế hoạch hàng năm, mỗi hội viên nông dân đóng góp 10 ngàn đồng để xây dựng Quỹ HTND.
Trong năm 2019, cấp xã vận động được 3,646 tỉ đồng, nâng tổng số tiền xã vận động lên 6,652 tỉ đồng, đã cho 438 hộ vay tại 82 dự án.
Nguồn vốn TƯ Hội ủy thác 14,4 tỉ đồng, cho vay 40 dự án với 441 hộ. Nguồn cấp tỉnh cho vay 29 tỉ đồng tại 25 dự án với 253 hộ vay; 13/13 huyện, thành, thị đã cấp ngân sách cho Quỹ với số tiền 8,910 tỉ đồng.
Riêng năm 2019, 12/13 huyện cấp ngân sách bổ sung cho Quỹ với số tiền trên 2 tỉ đồng. Ba đơn vị có Quỹ cấp huyện đạt trên 1 tỉ đồng, 6 đơn vị có Quỹ cấp huyện từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng; 4 đơn vị cấp huyện có Quỹ dưới 500 triệu đồng.
Một số đơn vị vận động và quản lý nguồn Quỹ tốt như huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ,Vũ Quang, thành phố Hà Tĩnh…
Quỹ HTND toàn tỉnh đã cho vay gần 1.500 hộ tại 169 dự án, với số tiền gần 40 tỉ đồng. Trong đó có 145 dự án chăn nuôi; 8 dự án thủy sản, 16 dự án trồng cây ăn quả. Hiện Quỹ đang tập trung cho vay các loại hình sản xuất chăn nuôi vì loại hình này có lợi thế trên địa bàn.
Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, các dự án đều phát huy tốt nguồn vốn, các mô hình không chỉ cho thu nhập cao, phát triển kinh tế mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Thông qua nguồn vốn đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình như mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, Tượng Sơn, Thạch Long huyện Thạch Hà; mô hình trồng cây ăn quả ở Đức Liên, Hương Quang huyện Vũ Quang…
Từ việc vay vốn các hộ đã tập hợp thành nhóm, liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, tăng quy mô và hiệu quả cho nông hộ.
Ngoài ra, Hội đã tín chấp với Ngân hàng CSXH, hỗ trợ hội viên vay vốn thông qua 14 chương trình. Hiện toàn tỉnh có 13/13 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 246/262 cơ sở Hội làm công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Tính đến tháng 12 năm 2019, dư nợ toàn tỉnh đạt 1.714,149 tỉ đồng, chiếm 39% so với các tổ chức đoàn thể khác nhận ủy thác, thông qua 1.425 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với số thành viên là 42.546 hộ. Trong đó có 1.245 tổ thu tiết kiệm hàng tháng, hàng quý.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tích cực thực hiện Chương trình phối hợp với Ngân hàng NNPTNT. Đến nay có 11/13 huyện, thị, thành Hội phối hợp với chi nhánh Ngân hàng NNPTNT với 901 Tổ vay vốn, gồm 22.267 thành viên, tổng dư nợ đạt 2.096,552 tỉ đồng.
Những huyện có dư nợ cao như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà. Nhiều đơn vị có chất lượng tín dụng tốt như: Lộc Hà, Hương Sơn, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên…
Để đạt được kết quả trên, Hội ND tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Năm 2019, tỉnh Hội đã đi kiểm tra công tác quản lý vốn Quỹ của 100% huyện, thị, thành Hội. Mỗi huyện đi kiểm tra từ 2-3 xã; mỗi xã kiểm tra 4-6 tổ Tiết kiệm và vay vốn. Có xã 100% Tổ Tiết kiệm vay vốn được kiểm tra.
Ngoài ra, các cấp Hội còn lồng ghép kiểm tra hoạt động Quỹ với công tác Hội và phong trào nông dân tại 13/14 huyện, thành, thị; 35 xã, 175 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đồng thời hàng năm, các cấp Hội cũng phối hợp với Ngân hàng CSXH và NNPTNT tổ chức nghiệp vụ cho cán bộ Hội chuyên trách và các Tổ trưởng. Theo đó, mỗi đơn vị tổ chức 1 lớp cho cán bộ chi Hội trưởng phụ trách quản lý nguồn vốn; tập huấn cho cán bộ Hội chuyên trách tại các lớp lồng ghép.
Riêng năm 2019, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Quỹ HTND TƯ tổ chức 6 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn 2 Ngân hàng cho 6 đơn vị huyện, thành phố, thị xã với 844 Tổ trưởng Tổ vay vốn.
Năm 2020, các cấp Hội tiếp tục đôn đốc tổ chức vận động, tăng trưởng Quỹ; tham mưu với cấp ủy, chính quyền tiếp tục bổ sung vốn cho Quỹ; vận động mỗi hội viên góp 10 ngàn đồng xây dựng Quỹ; phối hợp tốt hơn nữa với Ngân hàng CSXH, NNPTNT để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất thông qua nguồn vốn ưu đãi.