Vĩnh Long: Nguồn vốn ưu đãi giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo
15:08 - 27/05/2020
(Quỹ HTND) – Xác định rõ tầm quan trọng của đồng vốn chính sách trong phát triển kinh tế nông thôn, những năm qua, các cấp Hội luôn tích cực phối hợp với các ngân hàng đảm nhiệm một số công đoạn nhận ủy thác nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và giúp đỡ hội viên, nông dân, các chủ trang trại có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập.

Từ nguồn vốn ủy thác, các cấp Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp để phát triển kinh tế gia đình và nâng cao thu nhập

 
Theo đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tích cực quan tâm chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến hội viên, nông dân; nhất là bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn cả về nguồn lực và nhận thức.

 
Cùng với đó, chất lượng tín dụng trên địa bàn từng bước được các cấp Hội duy trì và giữ ổn định. Cụ thể, các cấp Hội phối hợp với phía ngân hàng tổ chức triển khai thường xuyên hình thức cho vay thông qua các tổ nhóm. Đồng thời, rút gọn và đơn giản hoá tối đa trong thủ tục cho vay để giúp hội viên, nông dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng “tín dụng đen” phát sinh tại địa bàn nông thôn.
 

Hội ND tỉnh chỉ đạo 108 tổ chức cơ sở Hội nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Hiện tổng dư nợ của 19 chương trình tín dụng chính sách do các cấp Hội nhận ủy thác qua kênh ngân hàng CSXH đạt 688.566 triệu đồng với 33.515 hộ hội viên, nông dân vay thông qua 876 Tổ TK&VV.

 
Các cấp Hội tập trung trong việc thường xuyên phân công cán bộ Hội bám sát địa bàn ở cơ sở, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của hội viên, nông dân để sớm triển khai các phương án đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn. Nhờ đó, một số chương trình tín dụng ủy thác tại các địa phương đạt hiệu quả rõ nét với dư nợ ngày càng tăng qua các năm.
 

Điển hình như: Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với dư nợ đạt 142.523 triệu đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường có dư nợ 180.192 triệu đồng; hộ cận nghèo đạt 75.709 triệu đồng; hộ nghèo với 54.685 triệu đồng; chương trình học sinh, sinh viên thông qua hộ gia đình đạt 78.873 triệu đồng...

 
Bên cạnh đó, các Tổ TK&VV đã tổ chức thực hiện việc bình xét cho vay đảm bảo đúng quy trình; đồng thời, duy trì việc sinh hoạt tổ theo định kỳ, thường xuyên tiến hành việc đánh giá xếp loại các Tổ TK&VV, bình xét thi đua đối với Hội ND cấp xã... Hội ND cấp xã cũng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các Tổ TK&VV tiến hành bình xét theo qui định đối với các hộ hội viên, nông dân đủ điều kiện được vay vốn, tổ chức giải ngân kịp thời, không để nguồn vốn tồn đọng.

 
Hàng năm, các cấp Hội còn thường xuyên phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức đánh giá, xếp loại theo định kỳ cũng như củng cố lại các Tổ TK&VV trên địa bàn. Năm 2019, có 498 Tổ xếp loại tốt, chiếm 57%; Tổ khá chiếm 26%; tổ trung bình, chiếm 13%. 

 
Đồng thời, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tích cực chỉ đạo Hội ND cấp huyện và tổ chức ký kết với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp. Đến nay, 7/8 đơn vị cấp huyện đã ký với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cấp huyện.

 
Trong năm 2019, các cấp Hội đã thành lập mới 120 Tổ Vay vốn, nâng tổng số lên 175 Tổ Vay vốn. Hội đã bảo lãnh giúp cho 4.590 hộ hội viên, nông dân (tăng 3.606 hộ so với năm 2018) được vay nguồn vốn ưu đãi để mua sắm vật tư, cây, con giống, máy móc trang thiết bị phục sản xuất kinh doanh, cải hoán đóng mới tàu thuyền với tổng dư nợ đạt 277.992 triệu đồng (tăng 221.126 triệu đồng so với năm 2018).

 
Từ nguồn vốn ủy thác, các cấp Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập. Nhờ nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình đã giải quyết được khó khăn, đầu tư mua thêm cây, con giống, phân bón, dụng cụ, máy móc… phục vụ quá trình phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống và thoát được nghèo.

 
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Trần Vĩnh Hảo ở ấp Khu Phố, xã Hựu Thành- huyện Trà Ôn, trước đây, do không có vốn nên gia đình ông chủ yếu làm lúa, thu nhập thấp nên cuộc sống rất khó khăn. Được xét vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi, ông quyết định đầu tư mua bò nuôi vỗ béo và sinh sản. Sau 18 tháng chăn nuôi và áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn gia súc, ông đã xuất bán 2 con bò thịt thu về 55 triệu đồng.

 
Từ nguồn lợi nhuận bước đầu, ông tiếp tục mua thêm bò về nuôi. Sau 5 năm, hiện gia đình ông đã phát triển lên thành 13 con bò thịt, bình quân giá xuất chuồng mỗi con bò giúp ông thu lãi từ 15 triệu đồng trở lên; lợi nhuận đạt khoảng 50 triệu đồng/năm.

 
Hay như gia đình ông Thạch Tùng ở xã Tân Mỹ- huyện Trà Ôn được đánh giá là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay mang lại hiệu quả. Được hỗ trợ cho vay 42 triệu đồng vốn ưu đãi để nuôi bò. Hiện bình quân mỗi con bò ông xuất bán được 50 triệu đồng. Hàng tháng, ngoài việc đóng đầy đủ tiền lãi, gia đình ông còn gửi tiết kiệm.

 
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Thành ở Ấp 4, xã Chánh Hội- huyện Mang Thít được vay 35 triệu đồng vốn ưu đãi để mua 2 con bò về nuôi vỗ béo.

 
Được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi do Hội ND xã tổ chức, anh có thêm kiến thức để phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Hiện anh đang nộp đơn xin vay thêm 40 triệu đồng để tiếp tục phát triển đàn bò và thuê đất trồng cỏ dùng làm thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

 
Có thể thấy, nguồn vốn chính sách ưu đãi đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thay đổi tư duy, phương thức làm ăn cho bà con nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn cũng đã trở thành nguồn lực tích cực, tiếp sức kịp thời giúp cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.


 

Hà Vỹ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng