Vĩnh Long: Tăng hộ khá, giàu nhờ vốn Quỹ
14:00 - 27/04/2020
(Quỹ HTND) – Ban Thường vụ Hội ND tỉnh và Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, định hướng việc đầu tư cho vay nhằm phát triển các mô hình sản xuất theo chủ trương của tỉnh như: Chăn nuôi bò sinh sản; chăn nuôi dê; trồng bưởi da xanh; trồng thanh long ruột đỏ; trồng cam sành; cải tạo vườn tạp; ươm cây giống...

Từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ giúp các hội hội viên, nông dân trên địa bàn có nguồn lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa

 
Năm 2019, để giúp Quỹ HTND có thêm nguồn vốn hoạt động, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và cấp bổ sung từ ngân sách 2.000 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách cấp lên 12.700 triệu đồng. 8/8 huyện, thị xã, thành phố được ngân sách địa phương duyệt cấp vốn cho Quỹ HTND hoạt động, năm 2019 tăng trưởng 1.712 triệu đồng, nâng nguồn vốn bổ sung lên 4.442 triệu đồng.

 
Bên cạnh đó, có nhiều đơn vị Hội ND cấp huyện đã triển khai tốt công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn. Tiêu biểu như: Thành phố Vĩnh Long đạt 850 triệu đồng; huyện Tam Bình đạt 893 triệu đồng; huyện Long Hồ đạt 844 triệu đồng; thị xã Bình Minh đạt 585 triệu đồng; huyện Trà Ôn đạt 400 triệu đồng; huyện Mang Thít đạt 250 triệu đồng; huyện Vũng Liêm đạt 200 triệu đồng…

 
Đến hết năm 2019, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý 27.472 triệu đồng; tăng hơn 10.969 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2018.

 
Trong đó: Nguồn vốn của Trung ương ủy thác 9.730 triệu đồng cho 314 hộ hội viên, nông dân tham gia vay vốn xây dựng 25 dự án (chiếm 35,5%); nguồn Quỹ HTND cấp tỉnh đạt 12,7 tỷ đồng, với 432 hộ tham gia vay triển khai thực hiện tại 36 dự án, (chiếm 46,2%); nguồn vận động của tỉnh với dư nợ 600 triệu đồng đang cho 32 hộ hội viên, nông dân vay tại 02 dự án (chiếm 2,2%), qua đó giúp giải quyết việc làm và thu nhập cho 60 lao động nông thôn.

 
Đối với nguồn vốn Quỹ HTND các huyện, thị, thành phố đã giải ngân với 246 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 118 dự án phát triển sản xuất. Từ các mô hình triển khai trên địa bàn đã giúp giải quyết việc làm cho 453 lao động nông thôn.

 
Qua đánh giá, nhìn chung, việc cho vay vốn luôn được các cấp Hội thực hiện theo đúng quy trình thủ tục, lập hồ sơ dự án vay vốn. Đồng thời, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tập trung lựa chọn xây dựng các mô hình theo định hướng phát triển của từng địa phương để đảm bảo tính khả thi của các dự án.

 
Thông qua các dự án được triển khai đã tạo điều kiện cho các hộ hội viên, nông dân có thêm kinh nghiệm, tay nghề trong sản xuất. Đồng thời, các hộ nông dân giỏi sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất thực tiễn cho những hội viên còn thiếu kinh nghiệm để cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.

 
Trong kỳ, với dư nợ hiện đạt 8.530 triệu đồng đang cho 264 hộ vay triển khai 22 dự án. Ngoài ra, năm 2109, các cấp Hội đã thu hồi 5.130 triệu đồng của 161 hộ vay tại 12 dự án; tỷ lệ thu hồi đạt 100%, không có trường hợp nào nợ quá hạn.

 
Hiện, tổng dư nợ cuối kỳ đạt 23.030 triệu đồng cho hộ 776 hộ hội viên, nông dân vay vốn để thực hiện 63 dự án. Trong đó, có 24 dự án trồng trọt (chiếm 38%); 39 dự án chăn nuôi (chiếm 62%).

 
Hình thức cho vay vốn Quỹ HTND được tập trung theo các nhóm hộ, Tổ hợp tác cùng có nhu cầu, nội dung đầu tư phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất của địa phương về trồng trọt, chăn nuôi. Trước khi tiếp nhận nguồn vốn vay, các hộ hội viên, nông dân được tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất và cách thức trong quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích.

 
Năm 2019, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 120 cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở tham dự; 8/8 đơn vị Hội ND cấp huyện phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ Hội ở cơ sở.

 
Công tác kiểm tra, giám sát cũng được coi trọng. Ngay từ đầu năm 2019, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động Quỹ HTND tại 8/8 huyện, thị, thành Hội. Đến nay, đã kiểm tra 3 cuộc với 8 đơn vị Hội ở cấp huyện, 16 cơ sở Hội và 100% các hộ có vay vốn từ Quỹ HTND. Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung, công tác lưu trữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ thu, chi đảm bảo đúng theo quy định và dần dần đi vào nề nếp.

 
Mặt khác, trong quá trình thực hiện các dự án, Ban Điều hành, Ban Thường vụ Hội ND các cấp thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn nhằm kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề phát sinh. Các dự án được thực hiện đầy đủ các khâu trong quá trình cho vay; đầu tư theo quy hoạch của địa phương; làm tốt công tác khảo sát, thẩm định, hướng dẫn lựa chọn phương án sản xuất; kiểm tra trước và sau khi giải ngân.

 
Nhờ đó, đa số các hộ hội viên, nông dân tham gia thực hiện dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND luôn có ý thức xây dựng mô hình và hoàn trả vốn vay khi đến thời hạn đảm bảo đúng quy định.

 
Gia đình ông Lê Văn Chánh ở phường 8- thành phố Vĩnh Long được xét vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư mua 1 con bò cái và 1 con bò đực. Sau gần 1 năm chăm sóc và triển khai tốt việc phòng trị bệnh cho vật nuôi theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, đàn bò của ông phát triển khỏe mạnh béo tốt. Hiện, ông đã xuất bán con bò đực thu được 60 triệu đồng. Đến nay, không những đã hoàn trả đầy đủ số vốn vay, gia đình ông còn thu lãi thêm 1 con bò mẹ và 1 bê con.

 
Gia đình chị Trần Thị Kim Phượng ở ấp Kinh Ngây, xã Hậu Lộc- huyện Tam Bình lại vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư phát triển trồng thanh long ruột đỏ. Hiện với 8 công vườn trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ, lợi nhuận thu về hàng năm giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định.

 
Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại địa phương, 13 hộ hội viên, nông dân cùng nhau liên kết để phát triển thành Hợp tác xã Thanh long Hậu Lộc. Được vay 400 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND, 13 hộ hội viên, nông dân có thêm điều kiện mua phân, thuốc, bóng đèn, dây điện... để phục vụ sản xuất và tiếp tục mở rộng diện tích canh tác.

 
Ước tính, mỗi trụ thanh long ruột đỏ cho thu hoạch 12 lứa/năm, trung bình năng suất đạt khoảng 600 kg/lứa (đối với cây trồng từ 1- 3 năm tuổi); lợi nhuận thu về 70 triệu đồng/công/năm, cao gấp 10 lần trồng lúa. Hiện mô hình đang tiếp tục được đầu tư vốn để nhân rộng.

 
Từ 20 thành viên ban đầu (năm 2017), đến nay Hợp tác xã đã tăng lên 40 thành viên với tổng diện tích canh tác 40 ha. Trong đó, có 1,4 ha đang được đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sắp tới, Hợp tác xã sẽ làm thêm mã vạch và đăng ký logo để tạo thương hiệu riêng, hướng tới mục tiêu xuất bán sản phẩm sang thị trường nước ngoài để gia tăng lợi nhuận cho các thành viên.

 
Có thể thấy, các dự án đạt hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn. Qua đó, giúp khai thác được tiềm năng và thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hoá, dịch vụ đạt chất lượng. Các hộ vay vốn trở thành những nhân tố quan trọng trong việc tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 
 
Từ Hiếu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường