Những năm qua, huyện Đức Trọng đã có nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người nông dân trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
|
Đức Trọng thực hiện nhiều biện pháp để đồng hành, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Hoàng My |
Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng, diện tích gieo trồng ở địa phương này hiện đạt trên 49 ngàn ha. Giá trị canh tác đạt trung bình hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, diện tích cà phê trên 18 ngàn ha; rau, hoa, cây thực phẩm trên 20 ngàn ha. Riêng diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên 8 ngàn ha (nhà kính 265 ha, nhà lưới 67 ha, tưới tự động là gần 7 ngàn ha, phủ màng polimer là 834 ha). Sản lượng rau, củ, quả hàng năm đạt trên 500 ngàn tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng khẳng định: “Con số trên là kết quả từ sự nỗ lực của những người nông dân - yếu tố quyết định cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương với việc tận dụng và phát huy có hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ… đã đồng hành, góp sức cùng với người nông dân phát triển nông nghiệp”.
Trong sự đồng hành đó, quan trọng nhất là yếu tố về vốn. Tại Đức Trọng, dư nợ từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 3,7 tỷ đồng cho 98 hộ vay thông qua 10 dự án, tăng 2,5 tỷ đồng so với năm 2012. Hình thành nhiều tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân quản lý, phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, sử dụng nguồn vốn này luân phiên hàng năm. Nguồn vốn vận động từ hội viên hội nông dân đã xây dựng 12 dự án với 98 hộ tham gia, được phân bổ hầu hết tại các xã, thị trấn. Các hộ tham gia dự án là điểm trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực nghiệm giống mới và phương thức canh tác mới để nhân rộng. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đã tranh thủ nguồn vốn chính sách xã hội tín chấp cho hơn 5.300 hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp với dư nợ trên 100 tỷ đồng. So với năm 2015 con số này đã tăng hơn 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã giao Hội Nông dân huyện làm vai trò cầu nối thực hiện những chương trình và ký kết với các doanh nghiệp để có thêm nhiều chương trình hỗ trợ nông dân. Đơn cử như chương trình hỗ trợ mua phân bón trả chậm cho nông dân khoảng 500 tấn trị giá 5 tỷ đồng. Đây là động lực để nông dân các địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư cho nông nghiệp.
Anh Nguyễn Đình Mẫu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Gia cho biết: Đến nay, trên địa bàn toàn xã có khoảng 2.800 hộ sản xuất song song cây công nghiệp và rau thương phẩm. Có 150 hộ đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 16 hộ sản xuất các loại rau hoa công nghệ cao đủ tiêu chuẩn cung ứng cho các thị trường khó tính. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 11%/năm. Hiện cà phê vẫn đang là cây trồng chủ lực với trên 4 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha. Tiếp đó, diện tích cây hồ tiêu trên 200 ha, năng suất 3,2 tấn/ha. Đặc biệt, đến nay trên địa bàn có 1,4 ha diện tích nhà kính, nhà lưới. Diện tích tưới phun tự động ngoài trời cho rau, cà phê là 183 ha. Diện tích phủ màng polymer cho rau 4 ha...
Vai trò cầu nối ấy còn được phát huy khi tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hỗ trợ tối đa cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, đối với cà phê, hầu hết các hộ sản xuất đều liên kết với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp để có thỏa thuận mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm. Các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp thu mua cà phê theo giá thị trường ở từng thời điểm và làm đầu mối cho các cơ sở thu mua đưa đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, có trên 2.000 hộ nông dân tham gia mô hình này. Đơn cử như Hội Nông dân xã Ninh Loan liên kết với Công ty xuất khẩu cà phê 2/9 Đắk Lắk sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, 700 hộ tham gia với diện tích gần 1.300 ha, hầu hết sản phẩm được cơ sở Lan Sơn thu mua và nhập cho Công ty 2/9, nông dân được bù cước phí vận chuyển trên 1 kg cà phê cao hơn so với nông dân không liên kết gần 1.000 đồng.
Diện tích rau, hoa cao cấp sản xuất trong nhà kính, nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP được các Công ty Thảo Nguyên, Phong Thuý, HTX Anh Đào, HTX Tiến Huy, Công ty Hoa Mặt Trời… phân bổ kế hoạch sản xuất, đầu tư giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân ở thị trấn Liên Nghĩa, Hiệp An, Hiệp Thạnh, Tân Hội, Tân Thành, Phú Hội, Ninh Loan với trên 600 hộ nông dân tham gia. Thị trường của các loài hoa như: lily, lan Hồ điệp, lan Vũ nữ… được xuất đi Nhật Bản, Đài Loan. Các loại rau, củ, quả nhập cho các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh.
Nhiều hộ nông dân đang sản xuất dựa trên các hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp lớn. Đơn cử như ký kết với: Tập đoàn ORION (Hàn Quốc) để tiêu thụ khoảng 100 ha khoai tây vụ đông/năm; Công ty Trường Hoàng liên kết với nông dân sản xuất 300 ha chanh dây để chế biến nước ép. Hợp tác xã Nam Sơn liên kết sản xuất 1.000 ha củ cải, cà rốt, khoai lang của bà con để cung cấp cho các chợ nông sản trong nước…
Việc liên kết sản xuất tạo ra nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp ở những giai đoạn cao điểm giảm rõ rệt, góp phần hạn chế những rủi ro mất trắng, nông dân thua lỗ. Việc này đã từng bước tạo thế cho sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện Đức Trọng xác định rõ việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành với nông dân hướng tới mục tiêu: 100% hộ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 70-80% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ, kỹ thuật cao. Tiếp tục tái canh cà phê, sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Sản xuất rau, hoa, củ, quả theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Vận động làm cầu nối để doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở thu mua với nông dân hợp đồng liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đến năm 2020 đạt trên 50% số hộ và 70% sản lượng được thu mua ổn định.