Nhờ vốn vay, thành tỷ phú: [Bài 1] Chị Cuối đi đầu trồng rau sạch
Đồng vốn từ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) được những đôi tay cần lao của nông dân chuyển đổi thành mô hình sản xuất nông nghiệp độc đáo, với tỷ suất lợi nhuận cao.
Nông thôn trở thành miền đất đáng sống, nơi sản sinh những tỷ phú thời 4.0.
Người đàn bà nhỏ thó có mái tóc tém ngắn, gồ má cao ẩn dưới làn da ngăm nhễ nhại mồ hôi đang nhổ rau cải trong nhà màng chính là chị Đặng Thị Cuối. Phong cách xuề xòa chẳng ăn nhập gì với hai chữ “tỷ phú”, nhưng chị đích thị là đại gia của xã Đan Phượng, huyện nông thôn mới Đan Phượng (Hà Nội).
Rau hữu cơ đắt giá
Hơn 10 năm làm thuê trong những đồn điền trồng rau tại Đài Loan, vợ chồng chị Cuối tích lũy được nhiều kinh nghiệm canh tác tiên tiến. Người ta đi xuất khẩu lao động và gửi về quê đô la, còn chị thì dùng tiền lương sắm từng cái đinh, con ốc vít chuyển về Việt Nam để dựng nhà màng màng trồng rau sạch.
|
Chị Cuối đang thu hoạnh khu nhà màng sản xuất rau cải hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. |
Sau khi về quê, vườn ổi hơn 1.300m2 của gia đình được đốn hạ để lợp lán trồng rau các loại rau ăn lá. Giống sạch bệnh được nhập từ Đài Loan, đất được bón phân hoai mục, côn trùng không thể xâm nhập nhà màng nên chẳng cần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Mô hình trồng rau của chị cực kỳ nhàn nhã, sau khi gieo giống không cần làm bất cứ việc gì, chỉ chờ 17 - 20 ngày sau là mở cửa vào thu hái. Cỏ mọc um tùm bênh những gốc cải, nhưng cây rau nào cũng xanh non mỡ màng.
Chị Cuối chia sẻ, trồng rau theo kiểu truyền thống chỉ được 500kg/sào. Nhưng năng suất trồng rau trong nhà màng, sử dụng giống của Đài Loan, Nhật Bản cao gấp 3 lần, đạt từ 1,2 - 1,6 tấn. Quan trọng nhất là cây rau không bị tác động bởi mưa gió, côn trùng phá hoại nên giữ nguyên được bộ lá.
Lứa thu hoạch đầu tiên, chị Cuối hí hửng đem rau ra chợ bán nhưng kết quả nhận lại là sự thất vọng tràn trề. Người ta thấy rau đẹp quá nên sợ. Thế là, ai chê chị tặng hết. Dần dần, người ta đến tận nhà chị Cuối tìm mua rau, cứ đến lứa thu hoạch là bán hết ngay tại ruộng.
Không đủ hàng để bán, nhưng muốn mở rộng diện tích thì phải có thật nhiều tiền để đầu tư. Năm 2017, chị Cuối lên ngân hàng Agribank vay 500 triệu đồng làm vốn, thuê 3 mẫu ruộng để trồng thêm nhiều loại rau khác (rau dền, ngót, mồng tơi, muống, măng tây, dưa chuột bao tử…).
Không lúc nào đủ rau để bán
Ông Bùi Ngọc Sáu, Giám đốc phòng giao dịch Tân Hội, chi nhánh Agribank huyện Đan Phượng chia sẻ: “Lúc đó chị Cuối chẳng còn tài sản bảo đảm. Nhưng qua khảo sát ý kiến chính quyền địa phương và phương án kinh doanh của hộ sản xuất, chúng tôi nhìn thấy được tương lai thành công của mô hình sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, chúng tôi đồng ý cho chị vay theo hình thức tín chấp với lãi suất ưu đãi để gia đình phát triển kinh tế”.
|
Khu sản xuất rau sạch của chị Cuối còn trồng nhiều loại hoa quả như đu đủ, mướp, dưa chuột bao tử... |
Để kiểm soát đồng vốn cho vay, Agirbank Đan Phượng cử người phụ trách kiểm tra thực tế mô hình của chị Cuối hàng tuần. Đáng mừng là vườn rau mở rộng đến đâu, lợi nhuận nhân lên đến đó. Những hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch như Bác Tôm, Vinmart+ và hàng chục trường mầm non đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài.
Thừa thắng xông lên, chị Cuối tiếp tục vay 800 triệu đồng từ ngân hàng Agribank và huy động một vài nguồn khác để kiến tạo khu trồng rau công nghệ cao rộng 8ha, ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm, ước tính tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng.
Chị Cuối tiết lộ, rau của gia đình chị trồng bán đắt gấp 2 – 3 lần ngoài chợ nhưng không lúc nào đủ hàng để bán. Mỗi ngày chị xuất khoảng 2 – 4 tấn rau xanh các loại, thu từ 50 – 100 triệu đồng.
Nhờ có đối tác phía Đài Loan, Nhật Bản cung cấp giống rau, củ quả sạch bệnh và năng suất cao, nông trại của chị Cuối có những loại rau đặc biệt như mướp hồ lô; xu hào, bắp cải tí hon, rau muống trồng trái vụ…
Thậm chí có những loại rau rền siêu ngắn ngày (thời gian từ khi gieo đến lúc thu hoạch chỉ 13 ngày). Do đó, có những khu nhà màng mỗi năm canh tác được 20 vụ, năng suất cao gấp đôi, gấp 3 lần so với ruộng ngoài trời. Trên bao gói sản phẩm có đầy đủ các thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc.
Khi hỏi về thu nhập hàng năm, chị Cuối chỉ cười và bảo: “Vẫn thửa vườn đó, nhưng trồng rau sạch lãi gấp trăm lần vườn ổi ngày xưa, các chú tính hộ chị”.
Ngoài trồng rau, nhiều trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng còn mời chị Cuối giảng dạy cho học sinh về lĩnh vực canh tác nông nghiệp sạch. Chị cũng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất rau sạch trong nhà màng cho nông dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Công việc luôn chân luôn tay, nhưng người đàn bà ở “quê hương người gái đảm” tràn đầy hạnh phúc. |
Agibank, người bạn quan trọng
“Khi có được thành công hôm nay, tôi không bao giờ quên tình cảm đặc biệt mà Agribank huyện Đan Phượng dành cho gia đình.
Bởi đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao rất tốn kém, nếu không có 1,3 tỷ đồng vốn vay từ Agribank để kiến thiết hạ tầng và chi trả thuê ruộng thời điểm ban đầu, chắc chắn tôi sẽ không mở rộng được quy mô sản xuất”, chị Cuối nói.
Đan Phượng có quy mô diện tích đất nông nghiệp không lớn, tuy nhiên đây là địa phương đi đầu của Thủ đô Hà Nội trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Từ đó hình thành nên những khu sản xuất cho lợi nhuận từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Mỵ, Giám đốc Agribank huyện Đan Phượng chia sẻ, từ những ngày đầu huyện Đan Phượng triển khai xây dựng nông thôn mới, chúng tôi luôn nỗ lực để làm thỏa mãn nhu cầu vay vốn của bà con để phát triển các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao.
Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2019, Agriank huyện Đan Phượng đã huy động được 4.000 tỷ đồng, tăng 580 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 17%. Tổng dư nợ khoảng 1.000 tỷ đồng.
|
Khu sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao của chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. |
Đặc biệt, dư nợ cho vay nông nghiệp, thôn thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 90% tổng dư nợ, nợ xấu được khống chế ở mức dưới 1%. Qua đó góp phần đưa Đan Phượng trở thành huyện nông thôn mới chỉ sau 10 năm xây dựng.