Trà Vinh: Trên 2.800 lượt hộ hội viên, nông dân được vay vốn ưu đãi
15:00 - 26/11/2019
(Quỹ HTND)- Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng ủy thác giữa Hội ND với chi nhánh ngân hàng CSXH cùng cấp trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả. Được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng đều hàng năm.
|
Được các cấp Hội hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất đã giúp nhiều hộ gia đình hội viên, nông dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững |
Tính đến 30/6/2019, tổng dư nợ từ các chương trình ủy thác trên địa bàn đạt 780,790 tỷ đồng; tăng 260,488 tỷ đồng so với năm 2014. Thông qua 922 Tổ TK&VV do các cấp Hội quản lý, hiện có 38.581 lượt hộ hội viên, nông dân tham gia vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, mức lãi tồn do các cấp Hội quản lý và duy trì hiện đạt 11,24 tỷ đồng (tăng 1,903 tỷ đồng so với năm 2014).
Hoạt động của các Tổ TK&VV thường xuyên được quan tâm và tiến hành củng cố nên đã mang lại hiệu quả. Qua đánh giá xếp loại Tổ TK&VV theo định kỳ hàng năm cho thấy: Có 489 tổ xếp loại Tốt (chiếm 54%); 285 tổ đạt loại Khá (chiếm 30,9%); 127 tổ xếp loại Trung bình (chiếm 13,77%)…
Bên cạnh việc kịp thời giải ngân để giúp cho nguồn vốn nhanh chóng được quay vòng, các cấp Hội cũng xác định việc vận động hội viên, nông dân tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua các Tổ TK&VV là một nội dung hoạt động rất quan trọng. Theo đó, công tác huy động tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn được triển khai tốt với 100% số Tổ TK&VV tham gia. Tổng số tiền gửi tiết kiệm hiện đạt 31,015 tỷ đồng, tăng 21,03 tỷ đồng so với năm 2014.
Các cấp Hội đã lồng ghép tổ chức 3.550 cuộc tuyên truyền cho 102.950 lượt hội viên, nông dân tham dự về các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hội viên, nông dân nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Để đồng vốn phát huy hiệu quả, các cấp Hội phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 3.205 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách thức làm ăn cho 165.214 lượt hội viên, nông dân trên địa bàn.
Các cấp Hội cũng chủ động phối hợp thường xuyên với ngân hàng CSXH tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ ủy thác vay vốn cho 2.144 lượt cán bộ Hội ở cơ sở, các chi, tổ Hội và Tổ TK&VV. Qua đó, giúp các cán bộ làm công tác chuyên trách nâng cao ý thức, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tín dụng, thực hiện tốt việc phối hợp với cán bộ ngân hàng triển khai công tác bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn vốn vay cũng như việc đôn đốc trả nợ gốc, thu lãi tiền vay và huy động tiền gửi tiết kiệm…
Được hỗ trợ xét cho vay từ nguồn vốn vay hộ nghèo, anh Trì Cảnh- là chủ cơ sở đóng giường tre Trì Cảnh ở ấp Trà Tro B- xã Hàm Giang- huyện Trà Cú được tiếp thêm nguồn lực để sản xuất, khôi phục làng nghề đóng giường tre truyền thống. Hiện nay, bình quân mỗi lao động tham gia sản xuất có mức thu nhập ổn định từ 3,5- 4 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình ông Thạch Tươi- người dân tộc Khmer ở ấp Phú Mỹ, xã Mỹ Chánh- huyện Châu Thành trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo khó ở địa phương. Được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng CSXH, ông đầu tư nuôi bò thịt. Nhờ chịu khó chăn nuôi, hiện ông đã có đàn bò 5 con, trị giá gần 100 triệu đồng. Gia đình ông đã thoát nghèo bền vững.
Để thực hiện tốt các nội dung ủy thác, các cấp Hội bố trí, phân công cán bộ chuyên trách theo dõi công tác ủy thác. Đặc biệt, hai ngành còn thường xuyên phối hợp triển khai công tác kiểm tra, giám sát, sử dụng nguồn vốn vay; giám sát chặt chẽ các Tổ TK&VV để đảm bảo việc đôn đốc trả nợ gốc, thu lãi tiền vay và huy động tiền gửi tiết kiệm đạt kết quả.
Định kỳ hàng quý, các cấp Hội tham dự những buổi họp giao ban với chi nhánh ngân hàng CSXH cùng cấp. Qua đó, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động ủy thác tại địa bàn cũng như bàn bạc các biện pháp thu hồi nợ, cho vay mới. Tỉnh Hội cũng chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở thường xuyên theo dõi sát việc giải ngân và thu nợ, lãi của các Tổ TK&VV, đảm bảo tính công khai và minh bạch.
Cùng với đó, trong những cuộc họp định kỳ hàng tháng của các chi, tổ Hội, các Tổ TK&VV, nhiều nội dung thiết thực được lồng ghép và phổ biến (thu lãi, vận động gửi tiền tiết kiệm…). Các thành viên cũng được trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, phổ biến những cách thức làm ăn mới giúp nâng cao hiệu quả. Đồng thời, việc bình xét cho vay vốn được thực hiện công khai, khách quan thông qua các cuộc họp Tổ TK&VV; quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với trình độ của các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hàng năm, Chủ tịch Hội ND tỉnh và là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị ngân hàng CSXH tỉnh đều tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát theo nội dung của các chương trình, kế hoạch do Ban đại diện Hội đồng quản trị đề ra. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát tại 9/9 huyện, thị, thành Hội; 378 lượt cơ sở Hội; 548 Tổ TK&VV và 924 hộ vay vốn.
Đồng thời, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố cũng tổ chức kiểm tra đối với 100% cơ sở Hội, 1.397 lượt Tổ TK&VV, 2.803 lượt hộ vay vốn. Ngoài ra, Tổ trưởng các Tổ TK&VV cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hội viên, nông dân thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc vay vốn; có 52.314 lượt hộ vay vốn được tiến hành kiểm tra.
Nội dung kiểm tra tập trung vào: Việc chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và quản lý hoạt động nhận ủy thác tại các địa bàn; công tác phối hợp, nắm thông tin, số liệu; hoạt động của Tổ TK&VV; việc bình xét công khai, giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn vay; đôn đốc người vay trả nợ gốc, lãi theo định kỳ đã thỏa thuận, tiến hành việc thu tiền gửi tiết kiệm của các hộ vay…
Công tác phối hợp thực hiện Chỉ thị 40 giữa hai ngành trong những năm qua được tiến hành thường xuyên và đạt nhiều tiến bộ. Việc triển khai các quy trình nghiệp vụ đảm bảo theo đúng hướng dẫn. Thời gian tới, các cấp Hội sẽ đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương cơ cấu 100% thành phần tham gia vai trò làm Tổ trưởng các Tổ TK&VV đều là chi Hội trưởng ND hoặc Tổ trưởng Tổ ND.
Bình Phục