Quỹ HTND Hải Dương: Hỗ trợ trên 3.800 hộ vay vốn phát triển sản xuất
14:00 - 25/11/2019
(Quỹ HTND)- Những năm qua, kênh dẫn vốn ưu đãi từ nguồn Quỹ HTND tỉnh đã trở thành “phao cứu sinh” giúp hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
|
Từ nguồn Quỹ HTND đã giúp hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi |
Để xây dựng các mô hình điển hình trong việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, các cấp Hội đã tăng cường công tác hỗ trợ nguồn vốn theo định hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, từ các mô hình, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên, nông dân lại vừa gắn với việc hướng dẫn chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới giúp gia tăng sản lượng và chất lượng của sản phẩm.
Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác xây dựng, quản lý, tăng trưởng nguồn vốn. Hội ND nhiều huyện, thành phố đã tích cực tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch hàng năm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.
Đến nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố được UBND cùng cấp trích từ nguồn ngân sách bổ sung 2.640 triệu đồng cho Quỹ cấp huyện. Đồng thời, 77/259 đơn vị Quỹ cấp cơ sở được quan tâm, bổ sung 508,7 triệu đồng từ ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, công tác kiện toàn Ban điều hành, Ban kiểm soát Quỹ cấp huyện được chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Hiện, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố, thị xã và 259/259 cơ sở xây dựng được nguồn Quỹ HTND, đạt 100%; tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức từ 20%/năm trở lên.
Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 73,755 tỷ đồng (tăng 4,74 tỷ đồng so với cuối năm 2018). Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 15,2 tỷ đồng triển khai 27 dự án; nguồn cấp tỉnh đạt 33,3 tỷ đồng cho vay tại 83 dự án; nguồn cấp huyện đạt 9,187 tỷ đồng; nguồn cơ sở là 16,068 tỷ đồng.
Trên địa bàn, một số đơn vị Hội cấp huyện có nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng cao, tiêu biểu như: Thành phố Chí Linh đạt hơn 1 tỷ đồng; huyện Thanh Hà đạt 990 triệu đồng; huyện Nam Sách đạt 947 triệu đồng; huyện Gia Lộc đạt 878 triệu đồng; huyện Ninh Giang đạt 860 triệu đồng...
Cùng với đó, nhiều đơn vị ở cấp cơ sở cũng vận động nguồn vốn Quỹ HTND đạt cao như: Xã Tân Hương (huyện Ninh Giang) đạt 138,9 triệu đồng; xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) đạt 126,9 triệu đồng; phường Thạch Khôi (thành phố Hải Dương) đạt 115,9 triệu đồng; xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) đạt 113,1 triệu đồng; xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang) đạt 112,9 triệu đồng.
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp được quản lý chặt chẽ theo đúng nguyên tắc và điều lệ; đang giúp 3.839 hộ hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: Mô hình thâm canh trồng cây ăn quả tại xã Tân Việt (huyện Thanh Hà); nuôi trồng thủy sản ở xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ), xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện); trồng cây rau màu chuyên canh cho giá trị kinh tế cao ở xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), xã Nam Tân (huyện Nam Sách); tổ liên kết sản xuất giống cà chua ghép trên gốc cà pháo ở xã Thượng Đạt (thành phố Hải Dương)...
Từ các dự án vay vốn theo nhóm hộ, nhiều nơi đã xây dựng và thành lập được các Câu lạc bộ, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng sản xuất, hình thành nên thương hiệu các sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương.
Các cấp Hội đã xây dựng và hình thành được 349 mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao; giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn diễn ra nhanh và mạnh. Ước tính bình quân giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đã tăng gấp 4- 5 lần so với việc trồng lúa như trước đây. Nhiều mô hình nhờ triển khai tốt cho mức thu nhập đạt từ 200 triệu đồng - hơn 1 tỷ đồng/năm.
Điển hình của việc tổ chức cho hội viên, nông dân cùng nhau hợp tác làm ăn giúp mang lại hiệu quả là mô hình Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản phường Tân Dân- thành phố Chí Linh. Trước đây, địa bàn này vốn là một xã thuần nông nên thu nhập hàng năm của bà con nông dân khá thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Từ khi xác định rõ chỉ có con đường cùng nhau hợp lực mới có thể phát huy hiệu quả kinh tế, Hội ND xã đã gắn việc cho vay vốn Quỹ HTND song hành với hướng dẫn về các thủ tục cụ thể để giúp bà con thành lập mô hình Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Câu lạc bộ đã xây dựng được mô hình chuỗi nuôi cá khép kín, đảm bảo cho hội viên chủ động được từ khâu sản xuất cá giống cho đến tìm thị trường giúp tiêu thụ ổn định sản phẩm đầu ra.
Gia đình ông Trần Quy ở thôn Giang Hạ, phường Tân Dân là 1 trong số 15 hộ dân tham gia Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản. Hiện, với diện tích 1ha mặt nước, ông đang thả nuôi 2 ao cá giống và 3 ao cá thịt. Được hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND, ông mua cá hương về nuôi ương thành cá giống nên tiết kiệm được chi phí đầu tư. Bình quân mỗi năm, gia đình ông xuất bán ra thị trường 20 tấn cá, trừ mọi chi phí cho thu lãi gần 200 triệu đồng.
Hay như cách làm của Hội ND xã Đoàn Kết- huyện Thanh Miện cũng là một trong những đơn vị phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND. Hội ND xã đã giải ngân 300 triệu nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 15 hộ dân vay; mỗi hộ được vay 20 triệu đồng để nuôi cá.
Ngoài ra, để hỗ trợ về kỹ thuật nuôi cho bà con, Hội ND xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân- Hội ND tỉnh mở các lớp dạy nghề nuôi cá nước ngọt cho 35 học viên là hội viên, nông dân của xã nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Được vay 20 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND, gia đình bà Ngô Thị Ảnh ở thôn Tòng Hóa đầu tư nuôi một số loại cá có giá trị kinh tế cao như: Trắm, chép… Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật mới trong chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cá nên mô hình của gia đình bà ngày càng phát huy hiệu quả. Hiện nay, sau mỗi vụ thu hoạch cá đem xuất bán, trang trại của bà cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, để đa dạng hóa các kênh vay vốn ưu đãi, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn triển khai hoạt động hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác với các ngân hàng đạt 2.359,2 tỷ đồng cho 41.741 hộ nông dân vay. Trong đó, dư nợ với ngân hàng CSXH đạt 921,8 tỷ đồng cho 26.220 hộ vay; dư nợ với ngân hàng NN&PTNT đạt 1.347,5 tỷ đồng cho 13.632 hộ vay.
Cùng với việc tiếp sức từ nguồn vốn của Quỹ HTND, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn cùng ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức 764 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 44.042 lượt hội viên, nông dân.
Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND và nhiệm vụ ủy thác nguồn vốn giữa Hội với các ngân hàng được tiến hành thường xuyên. Sáu tháng đầu năm 2019, Hội ND tỉnh đã thành lập 02 đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác quản lý Quỹ HTND, hoạt động phối hợp với ngân hàng CSXH tại 6 cơ sở Hội. Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung, các mô hình đều đã triển khai có hiệu quả.
Song song với việc tập trung xây dựng mô hình các Câu lạc bộ để cùng nhau liên kết làm ăn, các cấp Hội còn tổ chức cho nhiều lượt hội viên, nông dân đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để tạo động lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, nhận thức của hội viên, nông dân thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã chuyển sang phương thức sản xuất liên kết, nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất kinh doanh, cùng ngành nghề. Từ đó, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp có giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.
Văn Công