Kon Tum: Ưu tiên nguồn vốn cho vay theo hình thức nhóm hộ và dự án đạt hiệu quả
15:00 - 18/10/2019
(Quỹ HTND) – Những năm qua, để tạo nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ giúp hội viên, nông dân có cơ hội vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh và tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp linh hoạt, cụ thể.
|
Nhiều mô hình sản xuất cho thấy tính hiệu quả, giúp các hội viên, nông dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống |
Nhờ có sự quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ có sự phát triển qua từng năm. Năm 2019, thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ HTND tỉnh được duyệt cấp bổ sung từ ngân sách 1.000 triệu đồng. Trên địa bàn, có 03 đơn vị Hội ND cấp huyện và thành phố đã thành lập được Quỹ HTND; hiện có Quỹ HTND huyện Đăk Glei được ngân sách cùng cấp bổ sung 99 triệu đồng vào năm 2018.
Từ nguồn vốn Quỹ, đã có hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh không những được hỗ trợ về vốn, đầu tư trong phát triển sản xuất mà còn liên kết với nhau để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị giúp các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao. Trong kỳ, từ nguồn vốn 1.500 triệu đồng, Quỹ HTND các cấp đang cho 37 hộ vay để triển khai thực hiện 03 dự án theo mô hình Tổ hợp tác và nhóm hộ. Trong đó: Có 02 dự án trồng trọt (chiếm 66,6%); 01 dự án nuôi cá nước ngọt (chiếm 33,3%).
Năm 2019, tỉnh Hội chỉ đạo và tiến hành thu hồi 500 triệu đồng của 01 dự án đến hạn đã triển khai trước đó cho 18 hộ vay.
Hiện tính đến cuối kỳ, toàn tỉnh còn có 06 dự án đang triển khai với dư nợ 3.000 triệu đồng, cho 67 hộ hội viên, nông dân vay để sản xuất, kinh doanh. Cụ thể: Có 02 dự án trồng trọt (chiếm 33,3%); 03 dự án chăn nuôi (chiếm 50%); 01 dự án nuôi cá nước ngọt chiếm (16,6%).
Với đặc thù của một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đang còn rất nhiều khó khăn như Kon Tum, nguồn vốn Quỹ HTND thực sự đã phát huy hiệu quả, giúp nhà nông, mà nhất là các hộ nghèo có thêm vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai trên địa bàn còn giúp tạo nhiều việc làm ổn định, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tại địa phương có nhiều khởi sắc.
Nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND hiện đã và đang chuyển dịch theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng giá trị. Nhiều mô hình, dự án liên kết nhờ sử dụng vốn Quỹ đạt hiệu quả đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.
Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Dự án chăn nuôi bò theo hình thức bán công nghiệp tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô); mô hình cải tạo và chăm sóc cà phê ở xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà); trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn Việt Gap ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum)...
Đáng chú ý, từ thời điểm sau Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh vào năm 2018, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã và đang triển khai 02 dự án giúp hóm hộ nông dân cùng liên kết cải tạo và chăm sóc cà phê theo chuỗi giá trị nhằm tạo lập chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện dự án Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt theo chuỗi giá trị. Bước đầu cho thấy, các dự án đều mang lại những hiệu quả tích cực.
Thời gian qua, để phát huy lợi thế của vùng, đồng thời giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập tại chỗ, Hội ND xã Kon Đào- huyện Đăk Tô tập trung triển khai dự án “Nuôi bò thịt theo hình thức bán công nghiệp bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững”. Với nguồn vốn ưu đãi 500 triệu đồng từ Quỹ HTND đã giúp cho 20 hộ nông dân tham gia vay vốn thực hiện dự án trong thời gian 36 tháng.
Theo đó, từ nguồn vốn hỗ trợ trên, hội viên, nông dân trong xã đã mua 44 con bò theo hình thức mua bò về nuôi và chăm sóc, vỗ béo trong thời gian 2- 3 tháng rồi xuất chuồng bán ra thị trường. Nhờ đầu tư đúng hướng, các gia đình thu được nguồn lãi khá, giúp nhanh chóng hoàn trả đầy đủ số tiền đã vay. Ước tính, mỗi hộ gia đình khi tham gia dự án có thu nhập bình quân tăng từ 20- 30 triệu đồng.
Từ những hiệu quả đạt được của dự án, Hội ND xã lại tiếp tục đề xuất với Hội cấp trên hỗ trợ thêm 500 triệu đồng từ nguồn vốn quay vòng của Quỹ HTND để phát triển và mở rộng dự án “Chăn nuôi bò sinh sản theo hình thức bán công nghiệp”.
Sau khi được Hội ND xã triển khai, các thôn tiến hành bình xét công khai và hỗ trợ cho 10 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn mua 24 con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi trong thời gian 36 tháng. Đến nay, đàn bò đang sinh trưởng và phát triển tốt, hiện đã tăng lên thành 40 con bò. Các hộ hội viên, nông dân tham gia dự án đều có thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.
Một tấm gương điển hình đã thoát được nghèo từ nguồn vốn Quỹ HTND có gia đình ông Lê Đắc ở thôn 6, xã Kon Đào. Là một trong số những hộ hội viên, nông dân nghèo được Hội ND tỉnh giúp đỡ vay 25 triệu đồng để nuôi bò thịt. Sau vài tháng tích cực chăm sóc, phòng bệnh đúng kỹ thuật, ông đã xuất chuồng bán bò, thu về đầy đủ cả vốn và lãi để tiếp tục chuyển sang đầu tư mô hình chăn nuôi bò sinh sản.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do các cấp Hội tổ chức, đến nay, ông Đắc đã phát triển được thành 6 con bò, có trị giá khoảng gần 90 triệu đồng. Như vậy, không những đã trả hết số vốn vay từ nguồn Quỹ HTND, gia đình ông còn có thêm tích lũy, cuộc sống ngày càng trở nên khấm khá.
Xã Ia Chim- thành phố Kon Tum cũng là một trong những địa phương điển hình trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND. Theo đó, từ nguồn vốn 600 triệu đồng do Quỹ giúp sức, đã có 12 hộ hội viên, nông dân trong xã được tạo điều kiện vay vốn để cùng liên kết hợp tác với nhau xây dựng mô hình kinh tế tập thể trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích canh tác 2 ha.
Qua thực tế triển khai, mỗi hộ được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để tập trung trồng thanh long ruột đỏ. Hiện nay, mô hình đã cho thấy tính hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp các hội viên, nông dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để bảo toàn nguồn vốn, công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên và liên tục. Đến hết tháng 6/2019, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh, Hội ND các huyện, thành phố và cơ sở đã tổ chức 615 đợt kiểm tra đối với 974 đơn vị Hội cấp huyện, cơ sở và các Tổ TK&VV, đảm bảo theo đúng kế hoạch đã đề ra từ đầu năm 2019.
Nhằm giúp nguồn vốn phát huy hiệu quả, Hội ND các cấp đã chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 860 lượt hội viên, nông dân tham gia. Nhờ được trang bị thêm kiến thức và khoa học kỹ thuật, đồng thời còn được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn áp dụng thành công những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thông qua việc triển khai tốt nguồn vốn vay Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn phát huy tốt tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống và sản xuất. Đồng thời, giúp hạn chế việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở địa bàn nông thôn. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn Quỹ còn có tác dụng tạo điều kiện giúp cán bộ Hội các cấp sâu sát hơn với hội viên, nông dân; giúp đa dạng hóa các nội dung hoạt động của Hội, củng cố thêm niềm tin của hội viên, nông dân đối với tổ chức Hội.
Thu Trang