Tây Ninh: Tổng nguồn vốn Quỹ các cấp đạt gần 47 tỷ đồng
14:00 - 30/08/2019
(Quỹ HTND) – Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo đang là một trong những mục tiêu quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của toàn tỉnh nói chung. Các cấp Hội ND đã thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên, nông dân tiếp cận với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND) để bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp các mô hình sản xuất trên địa bàn phát huy hiệu quả, hội viên, nông dân phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống

 
 
Hiện nay, Quỹ HTND cấp tỉnh cùng 9/9 huyện, thành phố đã củng cố, kiện toàn Ban điều hành, thành lập Ban kiểm soát Quỹ HTND và có con dấu riêng. Ban Kiểm soát Quỹ HTND tỉnh có 03 thành viên; Ban điều hành Quỹ cấp huyện có từ 3- 4 thành viên.

 
Thực hiện chỉ tiêu xây dựng nguồn vốn đã được cấp trên giao, vốn Quỹ HTND ở các cấp ngày càng tăng trưởng rõ rệt. Sáu tháng đầu năm 2019, Quỹ HTND toàn tỉnh đã tăng trưởng đạt 944,324 triệu đồng (tăng 2,77% so với cuối năm 2018), nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt 46,965 tỷ đồng.

 
Trong đó, nguồn vốn được Trung ương ủy thác đạt 12 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh đạt 11,283 tỷ đồng; nguồn vốn cấp huyện đạt 4,9 tỷ đồng; nguồn vốn do cấp xã đạt 18,792 tỷ đồng.

 
Trong những tháng đầu năm 2109, nguồn ngân sách tỉnh đã cấp 8 tỷ đồng cho Quỹ HTND tỉnh. Ngoài ra, 05/09 đơn vị Hội ND cấp huyện đã tham mưu có hiệu quả và được cấp bổ sung 2,204 tỷ đồng từ ngân sách gồm các huyện: Bến Cầu, Hòa Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh.

 
Cùng với đó, một số huyện, thị, thành Hội nhờ làm tốt công tác vận động nên việc phát triển nguồn vốn Quỹ cũng đạt hiệu quả tích cực, số tiền huy động được luôn ở mức cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra. Có 5/9 đơn vị xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức từ 500 triệu đồng trở lên như các huyện: Dương Minh Châu, Hòa Thành, Tân Châu, Gò Dầu, thành phố Tây Ninh.

 
Có 16 xã được ngân sách địa phương ủy thác 205 triệu đồng gồm: Xã Chà Là, Phan, Phước Ninh, Phước Minh, Truông Mít, thị trấn Bến Củi (huyện Dương Minh Châu); xã Tân Bình, Tân Phong, Trà Vong, Tân Lập, Thạnh Tây (huyện Tân Biên); xã Thanh Điền (huyện Châu Thành); xã Trường Hòa, Trường Đông, Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành). 95/95 xã, phường, thị trấn xây dựng được nguồn vốn Quỹ.

 
Từ nguồn vốn trên, Quỹ HTND các cấp đã tiến hành thẩm định và giải ngân hơn 13 tỷ 533 triệu đồng cho 1.001 hộ vay triển khai 57 dự án. Cụ thể: Có 14 dự án trồng trọt (chiếm 24,6%); 33 dự án chăn nuôi (chiếm 57,9 %); 10 dự án buôn bán, dịch vụ, làng nghề (chiếm 17,5%). 

 
Trong đó, nguồn vốn của Trung ương ủy thác 1 tỷ 585 triệu đồng đang cho 65 hộ vay thực hiện 3 dự án; nguồn vốn cấp tỉnh 1 tỷ 255 triệu đồng cho 57 hộ vay triển khai 5 dự án; nguồn vốn cấp huyện và xã trên 10 tỷ 693 triệu đồng cho 879 hộ vay triển khai 49 dự án.

 
Ngoài ra, trong kỳ, các cấp Hội đã tiến hành thu hồi xong 10 tỷ 344 triệu đồng triển khai vay vốn trước đó với 897 hộ vay thực hiện 50 dự án. Cụ thể: Nguồn vốn Trung ương thu 1 tỷ đồng cho 45 hộ vay tại 2 dự án; vốn tỉnh trên 1 tỷ 105 triệu đồng cho 53 hộ vay thực hiện 5 dự án; vốn huyện và xã 8 tỷ 239 triệu đồng cho 799 lượt hộ vay đầu tư tại 43 dự án.

 
Tính đến ngày 31/5/2019, tổng dư nợ trong toàn tỉnh đạt hơn 43 tỷ 199 triệu đồng, cho 2.757 hộ vay để triển khai 164 dự án. Trong đó, nguồn vốn T.Ư với dư nợ đạt 12 tỷ đồng cho 499 hộ vay thực hiện 24 dự án; nguồn vốn của tỉnh dư nợ 11 tỷ 282 triệu đồng cho 577 hộ vay thực hiện 35 dự án; nguồn vốn của huyện và xã có dư nợ trên 19 tỷ 917 triệu đồng cho 1.681 hộ vay đầu tư tại 105 dự án.

 
Nguồn vốn trên đã được các cấp Hội kịp thời xét duyệt và đầu tư cho những hội viên, nông dân trên địa bàn đang có nhu cầu cần vay vốn để triển khai thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tiêu biểu như các mô hình: Trồng trọt (mãng cầu, cao su, thanh long ruột đỏ, lúa, mì, rau, hồ tiêu); trồng hoa kiểng; chăn nuôi (bò, dê, lợn, gà); nuôi thủy sản (baba, cá lóc bông); các ngành nghề truyền thống (đan lát); mua bán nhỏ lẻ; sản xuất kinh doanh đồ gỗ...

 
Các mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng, mở rộng quy mô sản xuất đã giúp phát triển ngành nghề và dần tạo thành các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn. Đây còn là cơ sở để giúp hình thành nên một số mô hình sản xuất tập thể như: Câu lạc bộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã.

 
Hiện đã có một số mô hình sản xuất quy mô lớn được triển khai tại nhiều địa phương và phát huy hiệu quả như: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa tại huyện Trảng Bàng; Tổ liên kết trồng mãng cầu tại thành phố Tây Ninh; Tổ liên kết trồng thanh long ruột đỏ ở ấp 3, xã Bàu Đồn- huyện Gò Dầu; tổ hợp tác nuôi ba ba tại xã Phước Ninh- huyện Dương Minh Châu…

 
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ vốn được triển khai kịp thời đã giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư vào sản xuất; các khoản phí được thu định kỳ 3 tháng/lần và chuyển nộp đầy đủ về cấp trên.

 
Có thể thấy, Quỹ HTND các cấp đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo diện mạo mới cho nông thôn. Thông qua việc cung cấp nguồn vốn giúp trên 2.757 hội viên, nông dân trong tỉnh có công ăn việc làm, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo tại địa phương.


 

Trung Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng