Quỹ HTND Ninh Thuận: Giải quyết tình trạng “khát” vốn giúp hàng ngàn lượt hội viên, nông dân thoát nghèo
14:00 - 30/07/2019
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực cùng những bước phát triển mạnh mẽ. Nguồn vốn Quỹ liên tục tăng trưởng hàng năm góp phần giải quyết tốt tình trạng “khát” vốn của hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn.
|
Nguồn vốn Quỹ liên tục tăng trưởng hàng năm góp phần giải quyết tốt tình trạng “khát” vốn của hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn |
Nhờ được tiếp vốn kịp thời đã giúp bà con nông dân có thêm nguồn lực, tập trung đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất, ngày càng khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực lao động tại chỗ. Mặt khác, việc triển khai tốt hoạt động vay vốn của các cấp Hội trong tỉnh thông qua Quỹ HTND còn giúp hội viên, nông dân hạn chế dần tình trạng phải vay tín dụng đen bên ngoài; giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động tại địa phương; góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Đạt được những kết quả như trên trước hết là nhờ Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định công tác xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND chính là một nội dung quan trọng trong phong trào thi đua hàng năm của các cấp Hội. Ngay từ đầu năm, căn cứ vào chỉ tiêu T.Ư Hội giao, tỉnh Hội sớm xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND trong các cấp Hội; đồng thời, chỉ đạo các huyện, thành Hội tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, kèm theo các giải pháp chủ yếu để điều hành thực hiện kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCH Hội ND tỉnh đã đề ra.
Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã duyệt cấp bổ sung 3.496 triệu đồng cho Quỹ HTND hoạt động. Theo đó: Bổ sung cho Quỹ cấp tỉnh 3.296 triệu đồng; nguồn Quỹ của 04/07 huyện, thành phố được cấp 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, có 1.955 triệu đồng từ nguồn vốn của cấp xã phát triển được chuyển về cho cấp huyện quản lý. Một số cơ sở Hội nhờ làm tốt công tác vận động nên việc xây dựng, phát triển Quỹ khá cao như các huyện: Ninh Hải 498 triệu đồng; Ninh Phước 432 triệu đồng; Ninh Sơn 324 triệu đồng; Thuận Nam 280 triệu đồng; Thuận Bắc 128 triệu đồng; thành phố Phan Rang- Tháp Chàm 269 triệu đồng...
Tính đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đang quản lý đạt 18.298 triệu đồng, tăng 3.596,591 triệu đồng so với cuối năm 2018. Trong đó, nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh quản lý 14.681 triệu đồng; nguồn cấp huyện 1.662 triệu đồng; nguồn cấp xã 1.955 triệu đồng.
Thông qua nguồn vốn Quỹ đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Từ đó, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị ở địa bàn nông thôn.
Tính đến tháng 5/2019, Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân được 4.050 triệu đồng cho 142 hộ vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nguồn vốn Trung ương ủy thác 360 triệu đồng cho 12 hộ vay thực hiện 01 dự án; nguồn vốn cấp tỉnh quản lý 3.690 triệu đồng cho 130 hộ vay để triển khai 14 dự án.
Cùng với đó, công tác thu hồi vốn và lãi của các dự án đã triển khai cũng được tiến hành đúng kế hoạch và thời gian quy định. Quỹ HTND tỉnh đã thu hồi 11 dự án đến thời hạn với số tiền 3.580 triệu đồng. Tỷ lệ thu hồi nợ đạt 100% số vốn phải thu trong kỳ, bao gồm tiền gốc và các khoản phí đều thu nộp đầy đủ, đúng hạn.
Như vậy, lũy kế cho vay đến 31/5 dư nợ trên toàn địa bàn hiện đạt 17.590 triệu đồng, đã giải quyết cho 675 lượt hộ vay triển khai thực hiện tại 61 dự án. Trong đó: Có 13 dự án đầu tư cho trồng trọt (chiếm tỷ lệ 21,3%); 39 dự án chăn nuôi (chiếm 64%); 5 dự án nuôi trồng thủy, hải sản (chiếm 8,1%); 4 dự án ngành nghề khác (chiếm 6,6%).
Nhìn chung, các dự án triển khai trong hạn đều được các cấp, các ngành đánh giá có hiệu quả về kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn; tạo sự liên kết, hợp tác cùng sản xuất, kinh doanh giữa các hộ có chung ngành nghề. Các cấp Hội cũng thường xuyên phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp gia tăng thu nhập cho từng hộ vay trong dự án. Nhờ đó, nhiều mô hình khi triển khai đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Điển hình như: Dự án trồng và cải tạo vườn măng tây xanh tại các xã An Hải- huyện Ninh Phước và xã Xuân Hải- huyện Ninh Hải; nuôi cá bớp ở xã Thanh Hải- huyện Ninh Hải; chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Hòa Sơn- huyện Ninh Sơn... Một số dự án trồng trọt kết hợp dịch vụ tham quan du lịch giúp gia tăng thu nhập cho hộ vay, tiêu biểu như: Dự án trồng và cải tạo vườn nho xã Vĩnh Hải- huyện Ninh Hải; trồng cây ăn trái kết hợp đầu tư du lịch miệt vườn ở xã Lâm Sơn- huyện Ninh Sơn...
Không chỉ từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn hỗ trợ cho hội viên, nông dân, nhất là đối với những nông hộ có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thêm điều kiện để làm ăn, các cấp Hội còn hướng dẫn xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trên địa bàn huyện Ninh Phước, dự án cải tạo vườn măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải được đánh giá là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả nhờ hỗ trợ từ Quỹ HTND. Biết tận dụng lợi thế địa phương, được Quỹ HTND tạo điều kiện cho 16 hộ hội viên, nông dân vay 320 triệu đồng để cải tạo vườn măng tây xanh (mức vay 20 triệu đồng/hộ). Bên cạnh đó, nhằm giúp người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả, ngoài việc đôn đốc, nhắc nhở các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, Hội ND xã còn chủ động phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn cho bà con nông dân nắm bắt về kỹ thuật sản xuất.
Có vốn, lại có kỹ thuật, bà con trong xã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng và cải tạo lại vườn măng tây xanh đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, bình quân mỗi sào bà con nông dân thu được từ 8- 10 kg măng tây xanh, với giá bán trên thị trường dao động từ 50- 80 ngàn đồng/kg, ước tính mỗi hộ tham gia dự án có mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Hay như mô hình dự án thành lập tổ liên kết chăn nuôi dê ở xã Phước Thuận- huyện Ninh Phước, sau khi triển khai cũng giúp các thành viên trong nhóm có thu nhập trung bình từ 80- 100 triệu đồng/năm. Tham gia vào tổ liên kết, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ bệnh; biết tận dụng phụ phẩm từ lá nho, lá táo dùng làm nguồn thức ăn dự trữ. Nhờ đó, đàn dê khỏe mạnh, nhanh lớn, bình quân sau khoảng 4- 5 tháng cho dê ăn lá nho, lá táo; khi xuất chuồng đều đạt trọng lượng trung bình 35 kg/con.
Đáng chú ý, một số dự án khi được triển khai tại các vùng tập trung đông đồng bào dân tộc hiện cũng đạt nhiều kết quả khả quan như: Dự án nuôi lợn đen ở xã Bắc Sơn- huyện Thuận Bắc; nuôi dê sinh sản tại xã Phước Trung- huyện Bác Ái... Nhiều hộ vay vốn là người dân tộc, do cuộc sống khó khăn nên nhận thức còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn, lại được tham gia sinh hoạt để trao đổi thông tin, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trong sản xuất... đã giúp bà con chuyển đổi cơ bản về nhận thức và cách sản xuất.
Hiện nay, nhiều hộ trong dự án đã biết áp dụng kỹ thuật và tạo mối liên kết giữa các hộ trong nhóm để cùng hỗ trợ nhau về kiến thức; thực hiện đúng quy trình sản xuất giúp mang lại hiệu quả cao theo đúng mục tiêu đặt ra, nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Thông qua các mô hình, các cấp Hội cơ sở cũng định kỳ tổ chức sinh hoạt, trao đổi thông tin về hoạt động của dự án, lồng ghép truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Hội cấp trên giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Để thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo các hộ vay sử dụng đầu tư có hiệu quả đúng nội dung dự án được phê duyệt, Ban quản lý Quỹ HTND tỉnh thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện. Đối với các dự án nợ quá hạn hoặc gặp rủi ro trong quá trình thực hiện, Ban quản lý Quỹ theo dõi sát sao, thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội làm việc với Đảng uỷ, chính quyền địa phương để nắm tình hình thu hồi vốn và kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp đối với những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân.
Có thể khẳng định, thông qua hình thức vay vốn Quỹ HTND đã góp phần xây dựng thành công các mô hình kinh tế tập thể, tạo sức lan tỏa trên địa bàn. Từ hiệu quả của các mô hình, dự án đã tác động tích cực và nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, thấy được hiệu quả của tính liên kết trong sản xuất, làm ăn, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.
Hải Yến