Hiệu quả từ đầu tư đúng hướng
16:58 - 08/07/2019
(Quỹ HTND)- Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hội viên, nông dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có điều kiện đầu tư sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu, thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh.
Nhờ quỹ Hỗ trợ nông dân mà mô hình trồng rau an toàn ở xã Mỹ Hòa Hưng được nhân rộng (Ảnh: Báo AG)


Quỹ HTND tỉnh Bình Phước hiện đầu tư vốn cho 68 dự án với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng, cho gần 700 hộ hội viên vay phát triển kinh tế, trong đó có 17 tỷ đồng là nguồn vốn của T.Ư Hội ủy thác. Bên cạnh đó, hơn 26 tỷ đồng đang được 11 đơn vị Hội cấp huyện quản lý và cho vay.


Từ nguồn vốn này đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/năm.


Từ Quỹ HTND, đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tạo việc làm và thu nhập.


Điển hình như dự án "Trồng tiêu theo hướng bền vững" tại hai xã Thiện Hưng và Thanh Hòa huyện Bù Đốp. Các hộ trồng tiêu đã tham gia câu lạc bộ tiêu sạch và thực hiện đúng quy trình sản xuất của chuỗi cung ứng tiêu sạch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.


Hội Nông dân huyện Lộc Ninh  đang đầu tư 300 triệu đồng cho 10 hộ tại xã Lộc Thái chăn nuôi bò sinh sản;  540 triệu đồng cho18 hộ tại xã Lộc Thiện nuôi dê và 450 triệu đồng ở xã Lộc Tấn chăm sóc tiêu. Hội còn phối hợp Hội điều Bình Phước xây dựng 30 mô hình cải tạo vườn điều năng suất thấp, với kinh phí 298 triệu đồng.


Hay dự án phát triển mô hình trồng măng tre Điền Trúc, với chi phí đầu tư 70 triệu đồng/ha tại ấp 2 của xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, với nguồn vốn được vay từ Quỹ HTND và vay thêm từ các nguồn khác, 10 hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư cải tạo trồng măng tre Điền Trúc. Mỗi héc-ta mang lại 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn rất nhiều so với trồng các loại cây khác.

 
Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đang quản lý gần 18 tỷ đồng vốn Quỹ HTND, giúp 587 hộ hội viên vay thực hiện 46 dự án phát triển sản xuất. Trong đó: 28 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; 16 dự án trồng trọt và 2 dự án nuôi thủy sản.


Các dự án đều mang lại hiệu quả. Tiêu biểu như dự án: Trồng và chăm sóc bưởi xã Phúc Ninh, Thắng Quân, Xuân Vân, huyệnYên Sơn; nuôi trâu sinh sản kết hợp cày kéo ở các xã Phúc Sơn, Trung Hòa, Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa; nuôi cá đặc sản trên sông Lô ở phường Nông Tiến, nuôi gà đặc sản Tân Tạo, xã Đội Cấn, TP Tuyên Quang...


Từ nguồn Quỹ HTND, Hội Nông dân phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang đã triển khai 2 dự án. Trong đó, dự án trồng và chăm sóc đào cảnh đã hết chu kỳ (từ năm 2015 đến 2018) giúp 20 hộ vay với tổng số 500 triệu đồng. Khi dự án kết thúc cả 20 hộ đều trả vốn, phí đúng thời hạn và duy trì nghề trồng đào cảnh với mức thu nhập từ 60- 100 triệu đồng/hộ/năm.


Hội đang tiếp tục triển khai dự án “Nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô” với 10 hộ tham gia, tổng số vốn 500 triệu đồng thời gian thực hiện 24 tháng, theo các hộ cho biết, kết quả dự án sẽ rất khả quan.

 
Quỹ HTND TP. Long Xuyên quản lý gần 2,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương Hội và của tỉnh ủy thác 1,82 tỷ đồng, thực hiện 4 dự án cho 42 hộ vay; vốn Quỹ của thành phố hỗ trợ 5 dự án cho 32 hộ vay.

 
Nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho hội viên, nông dân. Tiêu biểu như mô hình nuôi lươn trong bể lót cao su ở khóm Long Hưng 2, phường Mỹ Thới.


Thời gian đầu, địa phương có khoảng 30 hộ nuôi. Sau khi được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND Trung ương, 20 hộ vay từ giai đoạn 2013-2014 được tái vay 510 triệu đồng (giai đoạn 2, năm 2017-2018) để phát triển các mô hình.


Đến nay, khóm Long Hưng 2 đã có trên 80 hộ tham gia nuôi lươn. Mô hình còn phát triển sang các phường: Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Quý và xã Mỹ Hòa Hưng…


Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng được Quỹ HTND thành phố cho 39 hộ vay 900 triệu đồng (giai đoạn 2, năm 2017-2018) để mua sắm trang thiết bị tự động.


Hiện, Tổ sản xuất đã nâng lên thành Hợp tác xã nông nghiệp và được nhiều đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, lan rộng sang các địa phương khác như: xã Mỹ Khánh, phường Mỹ Thạnh.
 

Thông qua nguồn Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hạnh Hoa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng