Quỹ HTND Hải Dương: Liên kết làm ăn giúp nông dân thu nhập tăng gấp 4- 5 lần so với trồng lúa
15:59 - 29/03/2019
(Quỹ HTND) – Những năm qua, xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương hàng năm trích từ ngân sách bổ sung nguồn cho Quỹ hoạt động.
|
Nhiều mô hình vay vốn liên kết làm ăn giúp hội viên, nông dân có thu nhập tăng gấp 4- 5 lần so với trồng lúa |
Nhờ đó, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ có sự phát triển vượt bậc; hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh không những được hỗ trợ về vốn, đầu tư phát triển sản xuất mà còn biết liên kết với nhau để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp làm ra có chất lượng cao.
Đến nay, đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố được UBND cùng cấp trích từ nguồn ngân sách bổ sung cho Quỹ cấp huyện số tiền 2.640 triệu đồng. Đồng thời, có 77/259 đơn vị Quỹ cấp cơ sở được quan tâm, bổ sung 508,7 triệu đồng từ ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, công tác kiện toàn Ban điều hành, Ban kiểm soát Quỹ cấp huyện được chỉ đạo thực hiện thường xuyên với số lượng bình quân từ 3- 4 người/đơn vị. Hiện toàn tỉnh đã có 12/12 huyện, thành phố, thị xã và 259/259 cơ sở xây dựng được nguồn Quỹ HTND, đạt 100%; tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức từ 20%/năm trở lên.
Để giải quyết cho nhiều hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, công tác quản lý, thu hồi và quay vòng vốn luôn được Ban Thường vụ tỉnh Hội chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng nguyên tắc, điều lệ. Năm 2018, Hội ND các cấp đã tiến hành thu hồi 25,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đến hạn của 1.401 hộ vay trước đó và tiếp tục tiến hành giải ngân mới số tiền 31,4 tỷ đồng cho 1.1532 lượt hộ vay để sản xuất, kinh doanh.
Tính đến hết tháng 11/2018, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND do các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý đạt 66,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên đã giúp 3.854 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh (đạt 98,5% tổng nguồn vốn). Các hộ vay vốn Quỹ HTND đều được hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, không có nợ quá hạn.
Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND trên địa bàn hiện đã và đang chuyển dịch theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng giá trị. Nhiều mô hình, dự án liên kết nhờ sử dụng vốn Quỹ đạt hiệu quả đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.
Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng và hình thành được 328 mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn diễn ra nhanh và mạnh, bình quân giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đã tăng gấp 4 – 5 lần so với việc trồng lúa như trước đây. Nhiều mô hình triển khai tốt thậm chí có mức thu nhập đạt từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.
Điển hình của việc tổ chức cho hội viên, nông dân cùng nhau hợp tác làm ăn giúp mang lại hiệu quả là mô hình Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản xã Tân Dân- thị xã Chí Linh. Trước đây, địa bàn này vốn là một xã thuần nông nên thu nhập hàng năm của bà con nông dân còn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Từ khi xác định rõ chỉ có con đường cùng nhau hợp lực mới có thể phát huy hiệu quả kinh tế, Hội ND xã đã gắn việc cho vay vốn Quỹ HTND song hành với hướng dẫn về các thủ tục cụ thể để giúp bà con thành lập mô hình Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Câu lạc bộ đã xây dựng được mô hình chuỗi nuôi cá khép kín, đảm bảo cho hội viên chủ động được từ khâu sản xuất cá giống cho đến tìm thị trường giúp tiêu thụ ổn định sản phẩm đầu ra.
Là một trong số 15 hộ dân tham gia Câu lạc bộ và được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND, ông Trần Quy ở thôn Giang Hạ, xã Tân Dân cho biết: Gia đình ông có 1 ha diện tích mặt nước, nhờ đầu tư, cải tạo hợp lý, ông đã đào được 5 ao cá và phân chia 2 ao để ương cá giống và 3 ao nuôi cá thịt. Được hỗ trợ nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND, ông có thêm điều kiện để mua cá hương về nuôi ương thành cá giống nên tiết kiệm được chi phí đầu tư. Vụ thu hoạch cá năm 2017, ông xuất bán ra thị trường 20 tấn cá, trừ hết mọi chi phí cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Hay như cách làm của Hội ND xã Đoàn Kết- huyện Thanh Miện cũng là một trong những đơn vị đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND với các hoạt động như: Tư vấn, dạy nghề, dịch vụ, hỗ trợ nông dân… Theo đó, để hỗ trợ người nuôi cá trên địa bàn, Hội ND xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND thuộc Hội ND tỉnh mở các lớp dạy nghề nuôi cá nước ngọt cho 35 học viên là hội viên, nông dân của xã.
Sau khi lớp học nghề kết thúc, Hội ND xã đứng ra thành lập tổ nông dân liên kết nuôi trồng thủy sản thôn Tòng Hóa, ban đầu có 12 thành viên tham gia; các thành viên đều được hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật chăm sóc cá, phương pháp phòng ngừa dịch bệnh cho cá… Mặt khác, để trợ lực giúp bà con, Hội ND xã đã phối hợp và tiến hành giải ngân 300 triệu nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 15 hộ dân vay (mỗi hộ được vay 20 triệu đồng).
Từ thành công bước đầu của tổ nông dân liên kết, các thành viên trong tổ tiếp tục đầu tư, kêu gọi góp vốn và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết với hơn 30 thành viên tham gia. Theo ông Trần Thanh Bình- Chủ tịch Hội ND xã cho biết: Đến nay, Hợp tác xã đã có 160 ao nuôi cá với 131 hộ tham gia trên tổng diện tích gần 60 ha mặt nước; được cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Mỗi năm, khu nuôi thủy sản này mang về cho bà con doanh thu khoảng 14 tỉ đồng; trung bình mỗi xã viên thu khoảng 30 tấn cá/ha/năm, nhiều hộ đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhìn chung, các mô hình đều đã triển khai có hiệu quả, đồng thời thể hiện rõ vai trò của các cấp Hội trong việc tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Song song với việc tập trung xây dựng mô hình các Câu lạc bộ để cùng nhau liên kết làm ăn, các cấp Hội còn tổ chức cho nhiều lượt hội viên, nông dân đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm để tạo động lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, còn có nhiều mô hình hợp tác làm ăn đem lại hiệu quả ở khắp các địa phương trong tỉnh, tiêu biểu như: Mô hình chăn nuôi lợn ở xã Nam Tân (huyện Nam Sách); Câu lạc bộ chăn nuôi lợn xã Tân Việt (huyện Bình Giang); Hợp tác xã thủy sản xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện); trồng cây rau màu chuyên canh cho giá trị kinh tế cao ở xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc); Tổ liên kết sản xuất giống cà chua ghép trên gốc cà pháo ở xã Thượng Đạt (thành phố Hải Dương)…
Để hỗ trợ nông dân sau khi vay vốn, các cấp Hội ND trong tỉnh phối hợp với ngành chức năng tổ chức 2.016 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 127.350 lượt người.
Có thể thấy, các dự án vay vốn Quỹ HTND đều đã phát huy hiệu quả, giá trị kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Qua đó, góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Các hộ vay vốn đã tích cực đầu tư vào các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề bước đầu có hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và làm giàu. Song song với đó, cơ cấu lao động cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Ánh