|
Ông Nguyễn Hải Khánh ở xóm Cũ xã Nga My (Phú Bình) vay vốn trồng 70 gốc bưởi diễn, 70 gốc táo, 60 gốc thanh long ruột đỏ… Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng |
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều mô hình sản xuất thành công. Trong đó có thể kể đến như: Mô hình HTX chăn nuôi gà thả đồi (Phú Bình), các hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, rau an toàn (TP Thái Nguyên, huyện Đại Từ, huyện Đồng Hỷ), mô hình trồng chè trong nhà kính (huyện Phú Lương), mô hình nấm ăn và nấm dược liệu (huyện Đại Từ), mô hình chăn nuôi ngựa bạch, lợn nái ngoại (TX Phổ Yên, TP Sông Công, huyện Phú Bình), mô hình sản xuất viên nén sinh khối và bếp đun viên nén sinh khối (huyện Phú Bình) …
Đây là những mô hình do những người nông dân có khát vọng làm giàu, dám nghĩ, dám làm đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng đầu tư sản xuất và bước đầu đã hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1050 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đạt cấp tỉnh trong đó có 70 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đạt cấp Trung ương cho thu nhập đã trừ chi phí đầu tư bình quân khoảng 250 triệu/hộ/năm, đặc biệt xuất hiện một số mô hình có thu nhập trên 01 tỷ đồng/năm.
Chính vì vậy, các cấp Hội trên địa bàn tình đã tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng để giúp hội viên, nông dân tiếp cận với các nguồn vốn, cụ thể như phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng dư nợ đạt 956.222 triệu đồng thông qua 934 tổ tiết kiệm và vay vốn với 28.298 hộ vay.
Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 17.329 hộ vay với số tiền là 1.435.770 triệu đồng thông qua 920 tổ vay vốn.
Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011 – 2020” của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2663/QĐ-UBND ngày 07/10/2015 về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 – 2020”.
Theo đó, hằng năm ngân sách tỉnh sẽ bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh từ 2-3 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành, thị tham mưu cho cấp ủy và UBND cùng cấp phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện giai đoạn 2015 – 2020”.
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đạt 27,580 tỷ đồng (trong đó Trung ương uỷ thác 12,35 tỷ đồng; UBND tỉnh cấp 15,23 tỷ đồng).Hiện nguồn vốn đang được giải ngân cho 72 dự án với 911 hộ nông dân vay để đầu tư phát triển sản xuất.
Có 6/9 huyện, thành phố, thị xã đã cấp vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện với tổng số tiền là 2,615 tỷ, hiện đang cho 82 hộ nông dân vay để thực hiện 12 dự án.
Một số Hội ND huyện đã tích cực tham mưu ho cấp ủy, chính quyền cấp vốn để ngày càng tăng trưởng nguồn vốn Quỹ. Ví dụ như Quỹ HTND huyện Võ Nhai năm sau luôn cao hơn năm trước.
Năm 2015, tổng số tiền huy động của Quỹ HTND huyện Võ Nhai quản lý là 900 triệu đồng. Năm 2016, đạt 2,2 tỷ đồng, tăng 1,3 tỷ đồng so với năm 2015. Đặc biệt, năm 2017, nguồn vốn của Quỹ đã huy động được 3,5 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2015.
Qua đó, Hội ND huyện đã hỗ trợ vốn cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân. Hiện Hội đang triển khai cho 120 hội viên nông dân vay để thực hiện 8 dự án trên địa bàn huyện với tổng số tiền là 3 tỷ 500 triệu đồng.
Nhằm giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong quá trình triển khai các dự án, Quỹ HTND huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan Huyện như: Trạm Khuyến nông, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm chăn nuôi và thú y tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ...
Ngoài ra, Hội còn trực tiếp hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ 29 mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả; phối hợp tổ chức dạy nghề cho trên 2.800 hội viên nông dân; vai trò làm chủ của nông dân được nâng lên, người nghèo được tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,61% năm 2012 xuống còn 1,68% năm 2017.
Đến nay, Hội ND huyện Phú Bình đang quản lý nguồn vốn Quỹ HTND với số tiền 3,355 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, Quỹ HTND huyện đã hỗ trợ vốn cho 38 hộ nông dân có tiềm năng phát triển kinh tế trên địa bàn huyện thuộc 4 Dự án vay với tổng số tiền là 1,155 tỷ đồng.
Điển hình như Dự án phát triển nghề làm tương truyền thống tại xã Úc Kỳ (300 triệu đồng); Dự án phát triển chăn nuôi bò nái sinh sản xã Thượng Đình (355 triệu đồng) và 300 triệu đồng hỗ trợ Dự án mở rộng nghề đan lồng sắt tại xã Điềm Thuỵ…
Theo định hướng, trong thời gian tới, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ hộ nông dân sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tín chấp cho nông dân vay vốn thông qua các tổ vay vốn do Hội Nông dân thành lập và quản lý.
Tổ chức và thực hiện có hiệu quả đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 – 2020, phấn đấu các huyện, thành phố, thị xã đều xây dựng được Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện. Đây là nguồn lực quan trọng giúp cho các mô hình khởi nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn.