|
Nhiều dự án sản xuất nông nghiệp có sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của Hội (Ảnh minh họa) |
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn Thành phố Hà Nội đang quản lý là 552.140,8 triệu đồng. Trong đó, cấp Thành phố là 483.885,8 triệu đồng, cấp huyện, thị là 45.630 triệu đồng, cấp cơ sở là 20.625,1 triệu đồng. 100% các huyện, thị xã và cơ sở có Quỹ.
Có 14/18 huyện có số dư trên 1 tỷ (chiếm 77%). Các cấp Hội hướng dẫn xây dựng dự án vay vốn phát triển kinh tế hộ, các mô hình điểm phù hợp với tình hình của địa phương và đã xét duyệt cho 35.122 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội Nông dân Thành phố chỉ đạo 100% Hội Nông dân các huyện, thị xã ký hợp đồng thỏa thuận với các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố thành lập các tổ vay vốn tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến hết năm 2018, các cấp Hội đã xây dựng được 538 mô hình kinh tế tập thể. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 297 mô hình, chăn nuôi 127 mô hình, kinh doanh dịch vụ 114 mô hình.
Các mô hình tiêu biểu như: Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi tại xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì); sản xuất rau an toàn tại xã Đặng Xá, Văn Đức (Gia Lâm); sản xuất rau hữu cơ ở Thanh Xuân (Sóc Sơn); trồng Cam canh ở Kim An (Thanh Oai); trồng ổi Đài Loan ở Di Trạch (Hoài Đức)...
Để có nguồn vốn hỗ trợ nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã trình và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giai đoạn 2014- 2020. Đến nay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý là 66 tỷ 112,5 triệu đồng.
Thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân nhiều hộ vay đã sử dụng vốn tốt, phát huy hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cho các hộ nông dân, góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ việc triển khai các dự án vay vốn mới Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo được thêm nhiều lao động có việc làm ổn định, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây cho hiệu quả kinh tế cao như: Dự án “Trồng cam vinh” tại xã Tiên Tiến (huyện Phù Cừ), xã Minh Châu (huyện Yên Mỹ), xã Đồng Thanh (huyện Kim Động); dự án “trồng và chế biến nghệ” xã Chí Tân (huyện Khoái Châu); dự án “Nuôi gà thương phẩm” xã Việt Hưng (huyện Văn Lâm); dự án “trồng hoa” xã Xuân Quan (huyện Văn Giang), dự án “nuôi vịt sinh sản” xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động)... đã trở thành những mô hình điển hình của tổ chức Hội Nông dân trong tỉnh.
Các cấp Hội tỉnh Hải Dương đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trích ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Đến nay, cấp tỉnh đã trích ngân sách bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh 26,7 tỷ đồng; 100% cấp huyện trích ngân sách bổ sung Quỹ được 2,6 tỷ đồng; 77/259 cơ sở trích ngân sách bổ sung quỹ được 500 triệu đồng; nâng tổng số Quỹ Hỗ trợ nông dân 3 cấp tỉnh Hải Dương là 52,5 tỷ đồng.
Trong đó, Quỹ cấp tỉnh quản lý 31,3 tỷ đồng, quỹ cấp huyện 7,2 tỷ đồng, quỹ cấp cơ sở 14 tỷ đồng.
Nguồn Quỹ đã trực tiếp giúp cho 4.023 hộ vay theo nhóm hộ, các câu lạc bộ, tổ, nhóm liên kết, hỗ trợ cho các hộ xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất.
Qua các chương trình phối hợp với các Ngân hàng, Hội Nông dân các cấp tỉnh Khánh Hòa quan tâm chỉ đạo giúp các thành viên trong tổ hợp tác, hợp tác xã được tiếp cận các nguồn vốn.
Tổng số dự án được Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư 1à 185 dự án, với tổng nguồn vốn trên 55 tỷ đồng, trong đó có 124 dự án của các tổ hợp tác được tiếp cận vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân với số vốn trên 30,3 tỷ đồng cho 1.470 hộ vay, hiện Quỹ cho vay với từ 30 triệu đến 50 triệu đồng/hộ; trung bình một dự án được đầu tư từ 200 đến 500 triệu đồng.
Đặc biệt, bằng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, trong những năm qua, đã tập trung đầu tư cho vay theo hướng hỗ trợ các mô hình sản xuất nhóm hộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội hướng dẫn thành lập hoạt động có hiệu quả.
Từ hiệu quả các mô hình cho thấy Quỹ Hỗ trợ nông dân đang là một nguồn lực quan trọng của các cấp Hội, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân; góp phần tích cực nâng cao vị trí, vai trò trung tâm nòng cốt của tổ chức Hội trong việc tổ chức các phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.