Quỹ HTND Khánh Hòa: Ưu tiên nguồn vốn cho vay theo hình thức nhóm hộ và dự án đạt hiệu quả
14:20 - 07/03/2019
(Quỹ HTND)- Tính đến hết tháng 12/2018, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã xây dựng được 5.615 triệu đồng/4.500 triệu đồng (đạt 124,7% chỉ tiêu T.Ư Hội giao); nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý đạt 55.212 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương ủy thác 13.600 triệu đồng; nguồn vốn tỉnh quản lý 12.800 triệu đồng; nguồn cấp huyện đạt 28.812 triệu đồng.

Nhiều dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND đạt hiệu quả đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống


 
Đối với nguồn Quỹ HTND các cấp được ngân sách phê duyệt cấp bổ sung tổng số tiền là 4.722 triệu đồng theo Quyết định 223/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Cụ thể: Nguồn Quỹ tỉnh được cấp bổ sung 1.000 triệu đồng; nguồn cấp huyện 2.400 triệu đồng; nguồn cấp cơ sở: 1.322 triệu đồng.

 
Đồng thời với đó, có 100% các huyện, thị, thành Hội được ngân sách cùng cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hoạt động. Trong đó, có nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng khá, điển hình như: Mức 400 triệu đồng có huyện Ninh Hòa, thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh; mức 300 triệu đồng có các huyện Diên Khánh, Cam Lâm; mức 200 triệu đồng có huyện Vạn Ninh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh…

 
Riêng trong năm 2018, các cấp Hội đã vận động được hơn 868 triệu đồng, nâng tổng nguồn vận động toàn tỉnh lên 10.703 triệu đồng; ngoài ra, có 4/8 huyện, thị, thành Hội bổ sung mức tăng trưởng nguồn vốn với số tiền 24,5 triệu đồng.

 
Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn, công tác tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của Quỹ cũng thường xuyên được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo. Không chỉ chủ động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn mở nhiều lớp tập huấn, Hội còn thực hiện theo phương thức “cầm tay, chỉ việc” nhằm giúp cho các cán bộ Hội làm công tác theo dõi hoạt động Quỹ ở cơ sở phát huy tốt nghiệp vụ và quản lý nguồn vốn.

 
Để việc sử dụng vốn có hiệu quả, Hội ND các cấp chỉ đạo và thực hiện tốt việc lồng ghép cho vay vốn với các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật, dạy nghề cho hội viên, nông dân nhằm xây dựng các mô hình phát triển theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm. Trong năm, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 1.712 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 77.600 lượt người tham gia.

 
Ngoài ra, Hội cũng trực tiếp mở 13 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 424 hội viên, nông dân và phối hợp dạy nghề cho 3.759 người. Sau khi được hỗ trợ học nghề, Trung tâm Dạy nghề & HTND tỉnh cũng đã tư vấn, giúp đỡ thành lập các tổ hợp tác sản xuất kinh doanh; đồng thời, phối hợp với Ban điều hành Quỹ đề nghị với Ban Thường vụ Hội ND tỉnh hỗ trợ vốn cho 5 lớp nghề với 56 hộ vay, số tiền 4,4 tỷ đồng để triển khai các phương án kinh doanh.

 
Năm 2018, thông qua việc lồng ghép cùng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tổ chức 01 buổi tập huấn về nghiệp vụ vay vốn và công tác quản lý tài chính Quỹ cho 126 cán bộ ở cơ sở Hội. Đã có 6/8 đơn vị (trừ thành phố Cam Ranh và thành phố Nha Trang) đã tổ chức tập huấn cho 230 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, kế toán phụ trách quản lý tài chính Quỹ HTND ở cơ sở Hội về công tác ghi chép sổ sách, chứng từ kế toán Quỹ cấp cơ sở.

 
Nhờ đó, việc quản lý thu phí, gốc đều đảm bảo đúng thời hạn, đúng tỷ lệ quy định. Trên địa bàn hiện chưa phát hiện có trường hợp nào nâng phí, thu phí quá hạn mức quy định. Việc sử dụng phí thu được và hoa hồng nhận ủy thác được sử dụng theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và Trung ương Hội, các cấp Hội tiến hành mở sổ sách để theo dõi thường xuyên.

 
Với nguồn vốn xây dựng được, các cấp Hội đã nhanh chóng tiến hành giải ngân kịp thời, giải quyết cho đúng đối tượng cần được hỗ trợ, nguồn vốn ít bị tồn đọng, không có tình trạng thất thoát vốn (đối tượng được hỗ trợ từ Quỹ HTND không trùng lắp với đối tượng vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội). Đã có 2.753 lượt hộ hội viên, nông dân có nhu cầu được các cấp Hội tạo điều kiện xét vay vốn; hội viên, nông dân có ý thức, trách nhiệm khi sử dụng nguồn vốn. Việc cho vay được các cấp Hội trong tỉnh thực hiện theo đúng các Quy định về điều lệ Quỹ HTND và Hướng dẫn số 82 của Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương.

 
Cụ thể: Đối với nguồn vốn T.Ư Hội ủy thác số tiền 13.600 triệu đồng, đang được triển khai thực hiện 31 dự án với 359 hộ vay, hộ vay thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất mức 70 triệu đồng. Quy mô của các dự án từ 300 triệu đồng - 01 tỷ đồng/dự án.

 
Đối với nguồn vốn cấp tỉnh, hiện cũng đang còn dư nợ số tiền 12.790 triệu đồng, được triển khai tại 49 dự án với 420 hộ vay, hộ vay thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng. Quy mô từ 200 - 400 triệu đồng/dự án.

 
Nguồn vốn cấp huyện, thị, thành phố với tổng dư nợ là 28.812 triệu đồng, cho 1.974 lượt hộ vay. Trong đó: Có 14.789 triệu đồng được hỗ trợ để triển khai thực hiện 91 dự án với 625 hộ vay, hộ vay thấp nhất 15 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng, quy mô từ 100 - 300 triệu đồng/dự án; dư nợ 14.022 triệu đồng (nguồn vốn do cấp xã vận động được) đang cho 1.349 lượt hộ vay theo hình thức nhỏ lẻ (hiện nay Hội cũng đang thực hiện việc dồn vốn để xây dựng dự án theo nhóm hộ với quy mô tối thiểu 50 triệu đồng/dự án, mức vay từ 10 triệu đồng/hộ trở lên).

 
Hầu hết các dự án được hỗ trợ đã xây dựng các mô hình sản xuất tốt, thành lập các tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh giúp đỡ các hộ tham gia dự án cùng nhau phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần chuyển đổi về nhận thức của các hộ tham gia dự án, biết chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp, tiếp cận thị trường, từng bước giải quyết có hiệu quả đầu ra của sản phẩm.

 
Đáng chú ý, thông qua việc triển khai các mô hình, dự án còn giúp giải quyết việc làm cho trên 8.500 lao động, gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống của các hộ tham gia dự án. Nhờ đó, góp phần tích cực vào việc thực hiện có kết quả một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 
Đã có nhiều mô hình, dự án được triển khai đem lại hiệu quả rõ nét. Điển hình như dự án vay vốn của tổ Hội nghề nghiệp nuôi tôm hùm lồng tại phường Cam Phúc Nam- thành phố Cam Ranh. Tham gia dự án có 10 thành viên, được hỗ trợ 500 triệu đồng để đầu tư mua tôm giống, thức ăn, sửa chữa lại lồng bè... Sau khi trừ mọi chi phí, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 380 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30 lao động.

 
Hay như dự án vay vốn của Tổ hợp tác trồng dừa xiêm tại xã Xuân Sơn- huyện Vạn Ninh triển khai với 10 thành viên tham gia; dự án được đầu tư số tiền 400 triệu đồng, với diện tích canh tác của mỗi hộ từ 1- 1,5ha. Theo đó, các hộ đã đầu tư trồng mới trên 45 cây/hộ, mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê công đào hố và trồng dừa....

 
Hiện nay, bình quân mỗi hộ đang có từ 90- 100 cây dừa xiêm, với giá bán tại vườn là 10.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí, thu nhập của mỗi hộ đạt trên 85 triệu đồng/năm. Dự án còn giúp giải quyết việc làm cho 20 lao động tại chỗ. Dự kiến thu nhập hàng năm của các hộ tham gia dự án sẽ tiếp tục tăng cao do vườn dừa vẫn đang phát triển và đạt sản lượng năm sau cao hơn năm trước.

 
Trong lĩnh vực làng nghề, mô hình của Tổ hợp tác Đan giỏ cần xé ở xã Cam Hiệp Nam- huyện Cam Lâm cũng được đánh giá đem lại hiệu quả. Dự án được hỗ trợ số vốn 400 triệu đồng, cho 8 hộ vay để đầu tư mua nguyên liệu, máy móc… Hiện nay, mỗi hộ duy trì việc xuất bán ra thị trường từ 5.000- 7.000 giỏ cần xé/tháng, với giá bán 30.000 đồng/giỏ (loại giỏ thường) và 50.000 đồng/giỏ (loại giỏ đẹp); sau khi trừ chi phí, tổng thu nhập bình quân đạt khoảng 180 triệu đồng/hộ/năm. Dự án cũng giúp giải quyết cho gần 50 lao động có công ăn việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 200.000- 300.000 đồng/ngày/người.

 
Dự án vay vốn của Tổ hợp tác nuôi lợn sinh sản tại xã Cam An Bắc- huyện Cam Lâm, được hỗ trợ 300 triệu đồng cho 06 hộ vay để đầu tư sửa chữa chuồng trại, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước uống tự động.... Nhờ Hội phối hợp với Công ty chăn nuôi CP hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định nên năng suất, chất lượng sản phẩm thịt lợn được nâng lên. Sau khi trừ hết mọi chi phí, bình quân thu nhập mỗi hộ tăng từ 90- 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động tại chỗ.

 
Dự án “Trồng hẹ” triển khai tại xã Ninh Đông- thị xã Ninh Hòa cũng là một điển hình thành công của việc khép kín từ đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất và hướng dẫn áp dụng kỹ thuật tiên tiến.

 
Có thể thấy, nhờ nguồn vốn kịp thời của Quỹ HTND, các hộ gia đình sau khi có thêm điều kiện để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh giúp tăng thu nhập, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ ở địa phương. Đồng thời với đó, không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình, các hộ dân còn đóng góp ủng hộ trở lại để phát triển Quỹ HTND ngày càng lớn mạnh hơn. Từ các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao đã giúp củng cố vị thế của Hội, ngày càng thu hút thêm hội viên, nông dân đăng ký tham gia vào tổ chức Hội.


 

Thu Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng