Quỹ HTND Cần Thơ: Nhiều mô hình kinh tế đạt doanh thu hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm
09:00 - 28/02/2019
(Quỹ HTND) – Nhờ làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng năm, nguồn vốn ngân sách thành phố cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ HTND có sự tăng trưởng đều. Năm 2016, UBND thành phố mới cấp bổ sung cho Quỹ 2 tỷ đồng thì đến năm 2018, số vốn cấp cho Quỹ HTND đã tăng lên 6 tỷ đồng. 

Nhờ nguồn vốn ưu đãi kịp thời giúp hội viên, nông dân xây dựng nhiều mô hình kinh tế đạt doanh thu cao


Bên cạnh đó, nguồn vốn của T.Ư Hội ủy thác cho địa phương quản lý là 5,7 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách các quận, huyện và nguồn vận động của Hội các cấp đạt 7,7 tỷ đồng.

 
Kết quả, tính đến nay, nguồn Quỹ HTND toàn thành phố đang quản lý trên 19,2 tỷ đồng; qua đó đã hỗ trợ cho hơn 14.000 lượt hội viên, nông dân vay vốn để triển khai thực hiện trên 30 dự án đem lại hiệu quả về kinh tế rõ rệt. Các dự án chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương như: Chăn nuôi; sản xuất lúa giống chất lượng cao; cải tạo vườn cây ăn quả phục vụ du lịch sinh thái; trồng hoa màu…

 
Song song với việc hỗ trợ hội viên, nông dân về nguồn vốn vay, công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con cũng được các cấp Hội ND thành phố quan tâm và triển khai thực hiện thường xuyên. Các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức 657 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc lúa, hoa màu, cây ăn trái… cho trên 22.000 lượt hội viên, nông dân tham gia.

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn tích cực mở rộng các loại hình hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân; hướng dẫn bà con tham gia vào các hình thức hợp tác sản xuất; tổ chức các dịch vụ cung ứng vật tư sản xuất, hỗ trợ các thủ tục để xây dựng nhãn hiệu nông sản vùng… Theo đó, Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư 7.103 tấn phân bón; 10,5 tấn thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ 173.570 cây giống các loại cho 291 lượt hộ trong tỉnh.

 
Hội ND các địa phương còn chủ động đứng ra làm “cầu nối” để gắn kết với các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất lúa giống trên địa bàn bao tiêu lúa giúp cho hội viên, nông dân. Phối hợp với các ngành chức năng thành lập mới 18 Hợp tác xã nông nghiệp có 288 thành viên, 79 Tổ hợp tác sản xuất có 1.117 thành viên tham gia; tư vấn cho 5 Hợp tác xã, liên kết với 14 lượt doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản lượng lúa cho 6.899 ha sản xuất (chiếm 35% diện tích cách đồng lớn); hướng dẫn 09 Tổ hợp tác, Hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu tập thể và 01 nhãn hiệu cá nhân…

 
Đáng chú ý, nhiều dự án, mô hình được triển khai và đạt hiệu quả kinh tế cao đã góp phần làm chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp của thành phố theo hướng đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, hội viên, nông dân tại nhiều địa bàn trong thành phố nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, lại được hỗ trợ tập huấn về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn phương thức làm ăn theo hình thức liên kết nhau lại để sản xuất đã góp phần xây dựng, hình thành nên nhiều mô hình Tổ hợp tác sản xuất đạt giá trị kinh tế cao.

 
Điển hình như: Mô hình sản xuất lúa giống, kinh doanh vật tư nông nghiệp của ông Tiêu Ngọc Lợi ở xã Thạnh Lộc hay mô hình nuôi cá tra, trồng cam xoàn, nhãn Idor của ông Hà Tấn Tâm ở phường Thới An đều có mức lợi nhuận đạt trên 4 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất lúa giống theo tiêu chuẩn từng cấp giống của ông Trần Thanh Liêm ở phường Trung Kiên mang lại lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/năm; mô hình trồng hoa kiểng và cây giống của ông Nguyễn Văn Dành ở phường Long Hòa cũng có lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng/năm…

 
Bên cạnh đó, thông qua phương thức tập trung liên kết để sản xuất giữa các hội viên, nông dân đã giúp hình thành nhiều mô hình Tổ hợp tác hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Tổ hợp tác trồng hoa kiểng ở phường Thốt Nốt; Tổ hợp tác trồng cam xoàn thuộc phường Thới An; Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô tại xã Thới Hưng… Nhiều mô hình giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động lao động tại địa phương. Qua đó, góp phần gia tăng thu nhập, ổng định đời sống cho hội viên, nông dân, thu hút thêm đông đảo nông dân đăng ký vào tổ chức Hội.

 
Tại địa bàn phường Thường Thạnh- Quận Cái Răng- Thành phố Cần Thơ, từ tháng 6/2016, được sự quan tâm hỗ trợ của Hội ND thành phố, mô hình dự án “Trồng dưa hấu” được nguồn vốn Quỹ HTND triển khai với số vốn là 500 triệu đồng, cho 14 hộ vay để canh tác trên diện tích 9,7 ha. Sau một năm đầu tư cho các hộ canh tác, dự án đã trồng được 4 vụ dưa hấu, thu hoạch năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha, tổng sản lượng đạt trên 1.164 tấn. Với giá bán ngoài thị trường 4.000 đồng/kg, tổng doanh thu của cả dự án đạt gần 4,7 tỷ đồng. Sau khi trừ hết mọi chi phí đầu tư ban đầu, dự án có lợi nhuận đạt trên 2,7 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ tham gia có mức thu nhập gần 200 triệu đồng/hộ/năm.

 
Theo ông Huỳnh Văn Việt- Chủ nhiệm dự án đánh giá: Không chỉ giúp gia tăng lợi nhuận về kinh tế, sau khi kết thúc dự án, Hội ND phường Thường Thạnh còn phát triển được 50 hội viên mới; đồng thời, vận động 100% các hộ tham gia dự án đóng góp trở lại xây dựng Quỹ HTND với mức góp từ 100- 200.000 đồng/hộ để tiếp tục có nguồn vốn quay vòng hỗ trợ các hộ hội viên khác. Hiện nay, mô hình vẫn đang được các hội viên, nông dân trên địa bàn phường duy trì và mở rộng thêm diện tích canh tác trồng dưa hấu.

 
Hay như mô hình “Sản xuất lúa cao sản chất lượng cao” được triển khai bởi Hội ND xã Trường Xuân A- huyện Thới Lai cũng đã cho thấy tính hiệu quả cao. Dự án được nguồn Quỹ HTND đầu tư hỗ trợ với số vốn là 500 triệu đồng, cho 23 hội viên, nông dân tham gia triển khai thực hiện trong thời gian 12 tháng, trên diện tích sản xuất là 33,86 ha. Sau một năm, dự án sản xuất 03 vụ lúa, với tổng thu nhập đạt 3,3 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ tham gia dự án có thu nhập khoảng 142,6 triệu đồng/ha.

 
Hiệu quả từ dự án mang lại không những giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện để sản xuất, gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần rất lớn trong việc chuyển đổi nhận thức cho bà con nông dân chuyển từ sản xuất lúa truyền thống, cá thể, tự phát sang phương thức sản xuất tập thể, áp dụng phương pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường…

 
Sau khi dự án triển khai tại địa bàn, Hội ND xã đã có 09 hộ thoát được nghèo, kết nạp mới 110 hội viên, nông dân. Đặc biệt, từ hiệu quả thiết thực đạt được sau khi triển khai thí điểm, hiện nay, mô hình sản xuất giống lúa cao sản đang được áp dụng và nhân rộng ra địa bàn toàn xã.

 
Năm 2018, được sự hỗ trợ của Hội ND xã Giai Xuân- Huyện Phong Điền đã đứng ra giúp hội viên, nông dân liên kết nhau lại để thành lập Tổ hợp tác trồng vú sữa tại ấp Tân Hưng gồm 36 thành viên, canh tác với diện tích 30 ha. Hiện tại, các thành viên trong Tổ hợp tác đang tiến hành trồng chủ yếu hai giống gồm: Vú sữa lò rèn và vú sữa tím.

 
Bên cạnh việc tạo điều kiện giúp cho hội viên, nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đồng thời, Hội còn tích cực phối hợp với các ban, ngành ở địa phương tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình theo hướng liên kết sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế. Hiện mô hình đã và đang mang lại hiệu quả, sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, bán với giá cao.

 
Theo ông Trương Văn Thể- Tổ trưởng Tổ hợp tác phấn khởi cho biết: Gia đình ông tham gia mô hình với 5.000 m2 vườn trồng 80 cây vú sữa; trong đó, có 40 cây gần 20 năm tuổi và 40 cây khác cũng khoảng 7 năm tuổi. Năm 2017, vườn vú sữa của gia đình ông cho thu hoạch trên 10 tấn quả, bán ra thị trường với mức giá ổn định nên thu nhập vào khoảng 160 triệu đồng/năm, trừ hết mọi chi phí, ông còn có lãi 120 triệu đồng.

 
Khi tham gia vào Tổ hợp tác, hội viên, nông dân sẽ được tập huấn, chuyển giao về khoa học kỹ thuật để biết cách chăm sóc cây vú sữa; các thành viên còn được cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn quy trình bón phân, phun thuốc và thời gian cách ly để vú sữa đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là cách làm mới, được các thành viên trong tổ tích cực hưởng ứng; từ đó, sản phẩm làm ra luôn được thị trường đón nhận, giá bán cũng cao và ổn định hơn so với những nhà vườn bên ngoài.

 
Có thể thấy, việc liên kết sản xuất hiện đang trở thành xu hướng của phát triển nông nghiệp bền vững. Liên kết sản xuất giúp các Tổ hợp tác, các nông hộ gia tăng tiềm năng, sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững, ổn định hơn. Từ hiệu quả của các mô hình sản xuất liên kết này đem lại đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để xây dựng tăng trưởng Quỹ HTND, các cấp Hội cũng sẽ hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Đồng thời với đó, Hội cũng sẽ phối hợp để định hướng, dạy nghề nông nghiệp chuyên sâu và các nghề phi nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân biết kết hợp mô hình vườn cây ăn trái gắn với du lịch để gia tăng thu nhập.



 

Thành Trung
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng