Quỹ HTND Đồng Nai: Hỗ trợ trên 47 tỷ đồng giúp nông dân phát triển kinh tế
16:50 - 28/01/2019
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND), Ban Thường vụ tỉnh Hội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu được giao về xây dựng, phát triển và quản lý nguồn vốn Quỹ HTND.
|
Các cấp Hội tập trung tuyên truyền những mô hình hay thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi của Quỹ HTND, tạo động lực thi đua trong hội viên, nông dân |
Song song với việc kiện toàn, hoàn thiện tổ chức Quỹ HTND các cấp theo hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ tỉnh Hội cũng quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các cấp Hội tích cực tham mưu với UBND tỉnh và huyện để cấp bổ sung vốn từ nguồn ngân sách sang.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách đã cấp cho Quỹ HTND đạt 30.700 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh cấp 25.000 triệu đồng, ngân sách huyện cấp 5.700 triệu đồng. Đồng thời, thành lập Ban vận động xây dựng Quỹ ở tất cả các cấp.
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh còn chỉ đạo 11/11 huyện, thị, thành xây dựng Đề án thành lập Quỹ HTND cấp huyện trình Thường trực các huyện, thị, thành ủy xin chủ trương và trình UBND huyện cấp kinh phí. Đến nay, đã có 08 huyện được ngân sách địa phương cấp vốn với số tiền 5.700 triệu đồng. Trong đó, có 07 huyện được ngân sách địa phương cấp ngân sách với mức từ 500 triệu đồng trở lên. Có 157/157 đơn vị Hội cấp xã tổ chức vận động Quỹ HTND (đạt 100%), số tiền chuyển lên cho Quỹ HTND huyện quản lý là 11.700 triệu đồng.
Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh hiện nay đang quản lý đạt trên 47.107 triệu đồng. Trong đó, vốn do T.Ư ủy thác 9.600 triệu đồng; nguồn vốn ở cấp tỉnh vận động được 803 triệu đồng; vốn ngân sách của tỉnh cấp bổ sung 25.000 triệu đồng; vốn cấp huyện quản lý 11.704 triệu đồng.
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, nguồn vốn Quỹ có mức tăng trưởng 12.930 triệu đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào chỉ tiêu của T.Ư Hội NDVN giao hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu ngay từ đầu năm cho các huyện, thị xã, thành phố. Các cấp Hội chủ động lồng ghép việc tổ chức tuyên truyền để vận động các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ khá, giàu tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ HTND đạt và vượt chỉ tiêu khá tốt. Điển hình như các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc...
Từ nguồn vốn trên, đến nay, dư nợ cho vay từ nguồn Quỹ HTND các cấp quản lý hiện đạt 40.889 triệu đồng, triển khai cho vay tại 187 dự án, với 1.828 hộ vay. Trong đó, có 111 dự án trồng trọt (chiếm 59%), 61 dự án chăn nuôi (chiếm 33%), 09 dự án thủy sản (chiếm 5%) và 06 dự án khác (chiếm 3%).
Cụ thể như sau: Đối với nguồn vốn do T.Ư ủy thác, với tổng kinh phí là 7.900 triệu đồng, đang triển khai cho vay tại 18 dự án với 306 hộ vay; nguồn vốn do tỉnh Hội quản lý trực tiếp, với tổng kinh phí là 22.700 triệu đồng, cho 857 hộ vay để triển khai tại 49 dự án; nguồn vốn cấp huyện quản lý 10.289 triệu đồng cũng đang triển khai cho vay tại 120 dự án, với 665 hộ tham gia.
Trong năm 2018, các cấp Hội cũng đã tiến hành giải ngân xong số tiền 9.942 triệu đồng cho 494 lượt hộ vay vốn; thu hồi nguồn vốn của 278 hộ đến hạn với số tiền 4.127 triệu đồng. Nhìn chung, qua kiểm tra định kỳ cho thấy, các dự án đã triển khai tại các địa phương đều phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn.
Ngoài ra, Hội còn tập trung tuyên truyền về các mô hình, gương điển hình làm ăn có hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử… Qua đó, nhận được sự đóng góp và ủng hộ mạnh mẽ của các ngành, các cấp, các Mạnh Thường quân và nhất là cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn.
Trong năm, công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của Quỹ HTND tiếp tục được các cấp Hội chú trọng quan tâm và được tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú như: Tập trung tuyên tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ, Hội; qua các hội nghị, tập huấn...
Công tác tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định của Quỹ cũng luôn được các cấp Hội quan tâm và tiến hành thường xuyên. Hội ND tỉnh, huyện, thị, thành phối hợp với các ngành chức năng lồng ghép thông qua các lớp tập huấn để cho các cán bộ quản lý dự án, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội ND các xã nắm được về nghiệp vụ công tác Hội, nghiệp vụ cho vay Quỹ HTND; hướng dẫn thực hiện điều lệ Quỹ HTND, nghiệp vụ kế toán Quỹ tại cơ sở…
Công tác kiểm tra, kiểm soát Quỹ HTND cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Ngay từ đầu năm, Ban điều hành Quỹ đã tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh Hội xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động Quỹ HTND ở các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở. Hội ND tỉnh cùng với Hội ND các huyện, thị, thành và cơ sở thường xuyên tổ chức kiểm tra việc sử dụng vốn sau 01 tháng của các hộ vay vốn; tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, thực hiện việc thu nộp phí đúng định kỳ và đủ số lượng; kiểm tra việc thu, chi tài chính của cơ sở trong việc thu và sử dụng phí.
Định kỳ 03 tháng/lần, Ban Quản lý dự án phối hợp cùng Hội ND các cấp tăng cường công tác kiểm tra sổ sách theo dõi việc cho vay Quỹ HTND. Năm 2018, các cấp Hội đã tổ chức kiểm tra 495 cuộc với 1.340 đơn vị được kiểm tra. Qua kiểm tra không phát hiện sai phạm.
Đồng thời, Hội còn phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép việc cho vay vốn với các hoạt động dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người vay nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn. Đến nay, đã tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất được 295 cuộc với 13.659 lượt hội viên, nông dân tham gia. Qua đó, giúp các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Thông qua nguồn vốn vay của Quỹ còn giúp xây dựng được nhiều mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là sản xuất nhiều loại nông sản hàng hoá có giá trị, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và địa phương như: Mô hình thâm canh cây bưởi da xanh; trồng sầu riêng, chôm chôm, thanh long; chăn nuôi bò, lợn, thủy sản; trồng dâu nuôi tằm… Theo đó, nhiều hội viên, nông dân có điều kiện đã giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế và làm giàu.
Một tấm gương điển hình trong việc vay vốn Quỹ HTND đầu tư làm ăn hiệu quả là mô hình thâm canh bưởi da xanh của hộ ông Võ Văn Phu ở xã Bình Lợi- huyện Vĩnh Cửu. Được Quỹ HTND giải ngân 20 triệu đồng, cộng với nguồn vốn tiết kiệm được của gia đình, ông đã tập trung đầu tư trồng bưởi da xanh. Đến nay, mô hình của ông đang duy trì 100 gốc bưởi da xanh, 10 cây bưởi lá cam, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình tôi đã thu lãi được hơn 40 triệu đồng.
Hay như mô hình trồng giống sầu riêng hạt lép của nông dân giỏi Trần Thụy Nguyên ở ấp Nông Doanh, xã Xuân Tân- thị xã Long Khánh được rất nhiều người biết đến. Là người đi tiên phong trong việc mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng mới ở địa phương, ông Nguyên quyết định chặt bỏ vườn cà phê già cỗi để chuyển sang trồng giống sầu riêng hạt lép Ri6 và Monthong đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyên chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, gia đình ông đã phải đặt ra quyết tâm rất lớn trong việc chuyển đổi cây trồng giống mới vì hầu hết số tiền đầu tư đều từ nguồn vốn đi vay mượn. Thời gian đầu mới chuyển đổi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn vì kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng chưa có nhiều, đã có lúc gia đình ông gặp khó khăn khi cây trồng xảy ra dịch bệnh.
Nhờ tiếp cận được những kiến thức, kỹ thuật mới trong sản xuất, vườn cây của gia đình ông ngày một phát triển. Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm trại nuôi lợn để vừa tăng thêm thu nhập, vừa tạo ra nguồn phân chuồng đem bón cho vườn cây giúp giảm bớt chi phí đầu tư trong việc bón phân.
Hiện nay, vườn sầu riêng xen canh măng cụt của gia đình ông Nguyên phát triển xanh tốt, luôn đạt năng suất cao nên được địa phương công nhận là “Vườn cây kiểu mẫu thị xã Long Khánh năm 2018”. Ông còn đạt danh hiệu là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012- 2016; 2 năm liền là nông dân giỏi cấp Trung ương.
Có thể thấy, các dự án vay vốn Quỹ HTND đã bám sát chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, phát huy tốt lợi thế của từng địa phương nên đã góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho bà con nông dân; hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn.
Ngọc Ánh