Tăng hỗ trợ vốn giúp hội viên, nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể
16:31 - 08/08/2024
(Quỹ HTND) – Thấu hiểu những khó khăn của hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo Hội ND các cấp đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả các nguồn lực về vốn. Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế tại nhiều địa phương.


Ban Thường vụ Hội ND tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội tập trung thực hiện tốt các nội dung của Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, công tác quản lý tài chính được đảm bảo, sử dụng nguồn Quỹ theo đúng quy định. Đồng thời, công tác xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Nhờ đó, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, vượt chỉ tiêu đặt ra.

 

Hội ND tỉnh đã tập trung đầu tư các mô hình có khả năng liên kết nhằm vận động, xây dựng mô hình các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, tổ hợp tác, Hợp tác xã, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mang lại giá trị và lợi nhuận cao

 

Bên cạnh đó, nhằm giúp tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND ngay tại cơ sở, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương sang cho Quỹ HTND cùng cấp. Đồng thời, các cấp Hội chủ động triển khai tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân để hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND.

 
Nhờ những giải pháp được triển khai đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả, năm 2024, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động tăng trưởng mới 1,45 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đang quản lý đạt gần 62 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác trên 9 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh quản lý 18 tỷ đồng; vốn cấp huyện quản lý gần 35 tỷ đồng.
 

Đáng chú ý, hiện nay tất cả 15/15 huyện, thành phố đều đã phát triển Quỹ HTND và được cấp vốn từ ngân sách địa phương; 140 Hội ND cơ sở cũng xây dựng, phát triển được Quỹ HTND. Một số đơn vị Hội ND cấp huyện đã xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND tương đối lớn, tiêu biểu như: Huyện Giồng Riềng đạt 6 tỷ đồng; huyện Tân Hiệp đạt 3,5 tỷ đồng; các huyện An Minh, An Biên, thành phố Phú Quốc đều đạt trên 2 tỷ đồng/huyện…


Thông qua nguồn vốn từ Quỹ HTND, theo định kỳ, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai việc giải ngân vốn kịp thời ngay khi có dự án được phê duyệt. Để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh cũng chủ động tiến hành giải ngân xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi nhằm kịp thời triển khai thêm các dự án mới khả thi. Có thể thấy, đây chính là kênh trợ vốn hiệu quả, giúp tạo đà cho hội viên, nông dân vươn lên ổn định cuộc sống.

 
Cùng với đó, các cấp Hội theo dõi chặt chẽ quy trình cho vay vốn, thu hồi nguồn vốn các dự án, đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức cung ứng con giống, vật tư đầu vào gắn với giải quyết nông sản hàng hóa đầu ra… Từ đó, giúp đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, nâng chất lượng hoạt động Quỹ HTND và ngày càng có thêm nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn được hưởng lợi.

 
Đến nay, Quỹ HTND tỉnh đã đầu tư xây dựng 42 dự án Hợp tác xã, 50 dự án tổ hợp tác, 44 dự án chi, tổ Hội ND nghề nghiệp. Nhiều mô hình khi triển khai thành công, mang lại kết quả rõ nét đã tạo được sức lan tỏa, thu hút đông đảo hội viên, nông dân đến tham quan, học tập và làm theo. Hoạt động Quỹ HTND đã có những tác động tích cực đối với việc phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn.

 
Một số mô hình thành công mang lại giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như: Dự án nuôi cá lồng bè ở các xã Hòn Nghệ và Sơn Hải, huyện Kiên Lương; dự án trồng khóm kết hợp nuôi tôm tại xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao; dự án nuôi lươn thương phẩm ở xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng; dự án nuôi bò vỗ béo của xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất; dự án trồng lúa chất lượng cao tại xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp; dự án nuôi tôm - cua cải tiến ở xã Đông Hưng A, huyện An Minh…

 
Thông qua các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh tăng cường việc liên kết, thúc đẩy các phong trào do các cấp Hội phát động ngày càng đi vào chiều sâu. Đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

 
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương trong tỉnh, thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thiết thực có sức lan tỏa và phát triển trên nhiều lĩnh vực, tạo niềm tin giữa hội viên, nông dân thêm gắn bó với tổ chức Hội. Kết quả, năm 2023, toàn tỉnh có 77.906 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 
Trong đó, cấp Trung ương có 232 hộ, cấp tỉnh 3.049 hộ, cấp huyện 10.996 hộ và cấp cơ sở 63.629 hộ. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã tích cực giúp đỡ, hỗ trợ 2.127 hộ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

 
Cũng từ phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn có thêm thu nhập. Phong trào còn góp phần làm cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không ngừng được cải thiện về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu nông sản đặc trưng…

 
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện giúp hội viên, nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, Quỹ HTND tỉnh đã triển khai giải ngân nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác để hỗ trợ hội viên, nông dân trồng lúa chất lượng cao. Trong đó, vào tháng 2/2024, Hội ND tỉnh đã tổ chức giải ngân 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác cho 10 hộ nông dân ở địa bàn xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất vay để triển khai thực hiện dự án trồng lúa chất lượng cao, với thời gian vay 24 tháng, phí vay 8,4%/năm bằng hình thức tín chấp.

 
Hiện nay, Hội ND tỉnh đã tập trung đầu tư các mô hình có khả năng liên kết nhằm vận động, xây dựng mô hình các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, tổ hợp tác, Hợp tác xã, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong đó, Hội ND tỉnh đã đầu tư 9 mô hình “Trồng lúa chất lượng cao”, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Chính phủ.

 
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” nhằm góp phần xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, chung tay với Chính phủ thực hiện cam kết với cộng đồng thế giới sẽ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính trong sản xuất lúa gạo.

 
Ngoài ra, Hội ND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Hội tập trung giải ngân vốn vay cho các mô hình, dự án như: Nuôi bò ở xã Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc (500 triệu đồng); trồng lúa ở xã Tân Hòa, huyện Tân Hiệp (500 triệu đồng). Tổ chức giải ngân 1,5 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh thực hiện 3 dự án tại địa bàn các huyện: Hòn Đất, Tân Hiệp, Kiên Hải, U Minh Thượng. Thu hồi xong 1,021 tỷ đồng nguồn vốn của Trung ương ủy thác và tỉnh quản lý tại các huyện: Kiên Lương, An Biên, Tân Hiệp, An Minh, Kiên Hải, Giang Thành, U Minh Thượng.

 
Các cấp Hội cũng xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn vay và luôn ưu tiên thực hiện giải pháp vận động phải đi đôi với hỗ trợ hội viên, nông dân. Cùng với việc tập trung chỉ đạo tốt các hoạt động giải ngân nguồn vốn từ Quỹ HTND, Hội ND các cấp trong tỉnh cũng luôn đồng hành cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh.

 
Cụ thể, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ cho hội viên, nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tính đến tháng 6/2024, dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội ND tỉnh quản lý tăng gần 204 tỷ đồng; nâng tổng dư nợ trong toàn tỉnh đến nay đạt hơn 1.835 tỷ đồng, thông qua 1.019 Tổ TK&VV với 50.340 lượt hộ hội viên, nông dân tham gia vay vốn. Qua các năm cho thấy chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt.

 
Hàng năm, cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền, để phối hợp thực hiện chính sách ủy thác vay vốn có hiệu quả Hội ND tỉnh đã phối hợp với Quỹ HTND Trung ương tổ chức tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các Ngân hàng cho 210 cán bộ quản lý Quỹ HTND các cấp. Đồng thời, các cấp Hội phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội tích cực tiến hành việc đánh giá phân loại các Tổ TK&VV theo định kỳ, đúng quy định.

 
Bên cạnh đó, công tác cho vay, thu nợ các nguồn vốn luôn đảm bảo đúng qui định, chất lượng, sử dụng nguồn vốn đầu tư rõ mô hình. Việc đầu tư giải ngân cho vay vốn từ nguồn Quỹ HTND luôn gắn với công tác chỉ đạo xây dựng các mô hình Tổ hợp tác và được các cấp Hội chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn vốn để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, quy mô lớn. 


Đồng thời, để giúp hội viên, nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn, Hội ND các cấp còn tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp tiến hành khảo sát để đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng. Hội ND các cấp còn thường xuyên phối hợp cùng ngành chức năng liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn về phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, giúp phát huy tốt các lợi thế vùng.

 
Một trong số những mô hình kinh tế tập thể được Hội ND các cấp trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cùng đồng hành và phát triển có Hợp tác xã nông dân làm vườn ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng. Ông Nguyễn Văn Tân- Giám Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã đã được Hội ND tỉnh cho vay từ nguồn vốn Quỹ HTND 2 lần, với tổng số tiền đã giải ngân 700 triệu đồng.

 
Nhờ có nguồn vốn bổ sung kịp thời, các thành viên Hợp tác xã đã có thêm điều kiện đầu tư cho vườn măng cụt, sầu riêng tốt hơn. Thời điểm hiện nay, Hợp tác xã đang trong quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm măng cụt Cái Bé nên hầu hết các thành viên đều bón phân hữu cơ vi sinh, hạn chế việc phun thuốc bảo vệ thực vật. 

 
Hộ gia đình anh Dương Khanh ở tại khu phố Lung Kha Na, thị trấn Kiên Lương cũng là một trong những nguời sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay được Quỹ HTND hỗ trợ. Nhờ sự quan tâm của các cấp Hội, anh đã được xét hỗ trợ cho vay 75 triệu đồng. Có nguồn vốn, anh đã đầu tư sản xuất lúa 2 vụ và mua thêm máy móc, vật tư, mua phân bón và giống để gieo sạ…

 
Bên cạnh đó, được Hội ND và ngành khuyến nông hướng dẫn và tư vấn phương án sản xuất, anh đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đến nay, gia đình anh đang có gần 10 ha đất sản xuất lúa, sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, còn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh khoảng 100 triệu đồng/năm. 

 
Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Quang Huy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường