Tăng nguồn vốn, tăng tính kết nối trong sản xuất
17:38 - 06/03/2023
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND thành phố Cần Thơ luôn quan tâm chỉ đạo các cấp Hội tập trung triển khai công tác xây dựng, vận động, tăng trưởng phát triển nguồn vốn Quỹ HTND ở tất cả các cấp. Nhờ đó, các cấp Hội đã tạo thêm nguồn lực thiết thực, đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn vay, các hộ tham gia dự án còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi về kinh nghiệm sản xuất giúp chăm sóc vườn cây ăn trái đạt hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định

 
Nhờ làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, hàng năm, nguồn vốn ngân sách thành phố cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ HTND có sự tăng trưởng đều. Năm 2022, Hội ND thành phố được cấp ủy, UBND thành phố, quận, huyện quan tâm, cân đối ngân sách và phê duyệt cấp bổ sung kinh phí cho Quỹ HTND cùng cấp.

 
Theo đó, ngân sách thành phố duyệt cấp bổ sung 02 tỷ đồng. Nguồn ngân sách các quận, huyện cũng đã cấp 2,12 tỷ đồng sang cho Quỹ HTND hoạt động.

 
Có được kết quả trên trước hết là nhờ vào sự tích cực của các cấp Hội trong việc triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2021-2025” được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và hỗ trợ kinh phí hàng năm. Đồng thời, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, nông dân đối với hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các Ngân hàng.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực triển khai công tác vận động, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND được 5,275 tỷ đồng, đạt 104% so với chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Kết quả, năm 2022, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn thành phố đang quản lý 41,492 tỷ đồng, giải ngân cho 525 hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện 46 dự án, mô hình sản xuất phát triển kinh tế.

 
Cụ thể, đối với nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội 6,568 tỷ đồng, đang triển khai cho 139 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 13 dự án; nguồn vốn Quỹ HTND thành phố quản lý 14,2 tỷ đồng đang thực hiện 31 dự án với 362 hộ vay; nguồn vốn Quỹ HTND quận, huyện quản lý 20,5 tỷ đồng cũng đã giải ngân cho 1.545 hộ vay tại 164 dự án.

 
Theo định kì, các cấp Hội trực tiếp tiến hành việc giải ngân cho hội viên, nông dân ngay khi có dự án. Thông qua đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trên địa bàn ngày càng trở nên thuận lợi, có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 
Lũy kế đến nay, từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã giải ngân xoay vòng cho 1.958 lượt hộ hội viên, nông dân triển khai thực hiện 195 dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương như: Sản xuất lúa giống chất lượng cao, cải tạo vườn cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái, trồng sầu riêng, sản xuất rau an toàn, trồng hoa kiểng…

 
Tính riêng trong quý 1 năm 2023, Ban điều hành Quỹ HTND thành phố đã tiếp tục giải ngân trên 1,1 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án giúp hội viên, nông dân trên địa bàn có nguồn lực sản xuất. Trong đó, nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác 710 triệu đồng và từ nguồn ngân sách của thành phố 400 triệu đồng.

 
Trong năm, Ban Thường vụ Hội ND thành phố cũng luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện với phương châm xây dựng các dự án, mô hình có sử dụng vốn Quỹ HTND gắn với điều kiện thực tế của từng địa phương và nhu cầu cụ thể của hội viên, nông dân. Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã giúp xây dựng được nhiều mô hình Tổ hợp tác liên kết trồng cây ăn quả chất lượng cao, nhiều hộ nông dân có mức thu nhập khá trở lên.

 
Cùng với đó, để tạo thêm nguồn vốn giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, hàng năm, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với các ngân hàng đóng trên địa bàn triển khai tốt các nội dung trong hoạt động ủy thác. Nhờ kênh vốn từ các ngân hàng đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân tiếp cận chính sách mới nhanh chóng, thuận lợi; các nguồn vốn vay thực sự trở thành “đòn bẩy” giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

 
Mặt khác, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Hội ND thành phố đã chủ động giao chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác cho các quận, huyện và cơ sở Hội; lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, bình xét xếp loại thi đua. Qua các năm, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ ngân hàng CSXH thông qua kênh của Hội ND liên tục tăng trưởng và phát huy hiệu quả.

 
Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn Ngân hàng CSXH ủy thác qua kênh Hội ND đạt trên 1.227 tỷ đồng. Đặc biệt, có 16 đơn vị Hội cấp xã, phường nhờ triển khai tốt công tác phối hợp nên không có nợ quá hạn; huy động tiền gửi tiết kiệm được 119,804 tỷ đồng.

 
Công tác phối hợp giữa các cấp Hội với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hội viên, nông dân vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng được tiến hành thường xuyên. Hiện, tổng dư nợ cho vay qua 25 Tổ Vay vốn của Hội ND quản lý đạt 39,675 tỷ đồng.


Trong quá trình cho vay, các cấp Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời, Hội còn tích cực phối hợp với ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các Tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh cho các hộ hội viên, nông dân.

 
Đáng chú ý, thông qua phương thức tập trung liên kết để sản xuất giữa các hội viên, nông dân đã giúp hình thành nhiều mô hình Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả mang lại giá trị và thu nhập kinh tế cao. Điển hình như: Tổ hợp tác trồng hoa kiểng ở phường Thốt Nốt; Tổ hợp tác trồng cam xoàn thuộc phường Thới An; Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô tại xã Thới Hưng…

 
Đến nay, các cơ sở Hội đã xây dựng được 81 Hợp tác xã, Tổ hợp tác, đạt 112,5% chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Nhiều mô hình còn giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động lao động tại các địa phương. Qua đó, góp phần gia tăng thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên, nông dân, thu hút thêm đông đảo nông dân đăng ký vào tổ chức Hội.

 
Một trong những điển hình của việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND là mô hình hoạt động Tổ hợp tác trồng sầu riêng ở ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền. Được hỗ trợ đầu tư 800 triệu đồng từ nguồn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương Hội, Hội ND xã đã xây dựng và phát triển dự án “Thâm canh và chăm sóc cây sầu riêng” ở Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành. Sau 3 năm triển khai, các thành viên tham gia dự án đều thực hiện tốt mô hình, hoàn trả lại nguồn vốn đúng quy định.

 
Có nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, các thành viên trong Tổ hợp tác đã đầu tư mua phân bón, giống cây sầu riêng mới, lắp đặt hệ thống béc tưới nước tự động… để nâng cao năng suất và hiệu quả. Nhìn chung, nhiều hộ nông dân trong Tổ hợp tác đã có mức thu nhập cao, một số hộ còn có nguồn thu khá ổn định nhờ việc bán sầu riêng trái vụ.

 
Hộ gia đình anh Hồ Văn Điền là thành viên của Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành và được hưởng lợi khi dự án triển khai trên địa bàn. Với hơn 13 năm chuyên canh trồng cây sầu riêng, anh Ðiền có khá nhiều kinh nghiệm. Gần đây, anh cũng đã nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. 

 
Cùng với việc được hỗ trợ nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Quỹ HTND để đầu tư phát triển mô hình, anh cũng thường xuyên được các cán bộ Hội tập huấn về khoa học kĩ thuật mới để biết thêm cách bổ sung dưỡng chất cho cây trồng giúp tăng năng suất và sản lượng. Mô hình vườn sầu riêng của gia đình anh ngày càng được hiện đại hóa, với hệ thống hơn 300 béc phun tự động được lắp đặt trên diện tích 22 công đất còn giúp anh tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức lao động, đạt hiệu quả ngày càng cao.

 
Đáng chú ý, Tổ hợp tác trồng sầu riêng ấp Tân Thành đã được địa phương hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, xúc tiến việc ký kết xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Mới đây, Hội ND thành phố tiếp tục phê duyệt và giải ngân 360 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND cho 10 hộ nông dân trồng sầu riêng trong ấp để thực hiện dự án “Thâm canh và trồng mới vườn sầu riêng”.

 
Địa bàn phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt vốn có thế mạnh về trồng cây ăn quả. Thời gian qua, các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2020-2025 về việc đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ và vườn du lịch sinh thái, chuyển dần lĩnh vực nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao...

 
Theo đó, chính quyền địa phương đã quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển mô hình trồng mới và chăm sóc vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao kết hợp với dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số hộ nông dân còn gặp khó khăn vướng mắc về nguồn vốn để triển khai thực hiện mô hình.

 
Để giúp hội viên, nông dân tiếp cận được nguồn vốn phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm mục tiêu hình thành vùng cây ăn trái chất lượng cao trên địa bàn, Hội ND phường Tân Lộc đã xây dựng dự án “Trồng mới và chăm sóc vườn cây ăn trái”. Theo đó, dự án sẽ triển khai tại 3 khu vực gồm: Trường Thọ 1, Tân An, Long Châu và được hỗ trợ nguồn vốn vay của Quỹ HTND.

 
Được chấp thuận triển khai dự án, từ nguồn vốn Quỹ HTND thành phố đã phê duyệt và giải ngân 500 triệu đồng cho 12 hộ thành viên trong Tổ hợp tác trồng cây ăn trái vay; mức vay bình quân từ 35-50 triệu đồng/hộ. Mặt khác, các hộ tham gia dự án còn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia trao đổi về kinh nghiệm sản xuất…

 
Qua 3 năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả rõ nét, ước tính bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Hiện, Tổ hợp tác trồng cây ăn trái đã thu hút thêm 15 hộ dân tham gia, diện tích canh tác cũng tăng thêm 15 ha. Mô hình còn góp phần giải quyết cho 20 lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.

 
Sau khi các mô hình, dự án kết thúc, các địa phương đều tổ chức tổng kết để đánh giá hiệu quả của các mô hình đã đầu tư, lấy đó làm cơ sở và tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Từ đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền để tạo động lực phát triển và củng cố hoạt động của các làng nghề, chi Hội ND nghề nghiệp, Câu lạc bộ chăn nuôi, sản xuất…

 
Có thể thấy, việc liên kết sản xuất hiện đang trở thành xu hướng của phát triển nông nghiệp bền vững. Liên kết sản xuất giúp các Tổ hợp tác, các nông hộ gia tăng tiềm năng, sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững, ổn định hơn. Từ hiệu quả của các mô hình sản xuất liên kết này đem lại đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Thái Công
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường