Trao đồng vốn giúp xóa đói, giảm nghèo
16:20 - 09/12/2022
(Quỹ HTND) – Những năm qua, Quỹ HTND tỉnh Hà Giang đã giúp hàng nghìn hộ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, các cấp Hội hướng dẫn, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy tốt lợi thế của từng vùng, góp phần tiếp sức, đồng hành cùng nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên trong cuộc sống.


Với địa hình là một tỉnh nằm ở khu vực miền núi phía Bắc còn rất nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn thấu hiểu tình trạng thiếu vốn sản xuất để ổn định cuộc sống của bà con nông dân trên địa bàn. Từ đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND.


Các cấp Hội đã quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn vay cho các hhội viên, nông dân ở những huyện thuộc địa bàn vùng cao của tỉnh như: Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc... thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo hiệu quả

 
Các cấp Hội cũng tăng cường việc tuyên truyền và nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, thu hút đông đảo hội viên, nông dân quan tâm, hưởng ứng và làm theo. Hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân ngày càng thiết thực, cụ thể và đi vào chiều sâu. Qua các năm, các chỉ tiêu thi đua đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó hoạt động Quỹ HTND các cấp đóng vai trò tích cực trong các hoạt động nói chung của Hội.

 
Hàng năm, các cấp Hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp bổ sung nguồn vốn ngân sách sang cho Quỹ HTND hoạt động theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận 61, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, trong năm 2022, Quỹ HTND các cấp đã được ngân sách cấp bổ sung 3.800 triệu đồng (cấp tỉnh 2.000 triệu đồng, cấp huyện 1.800 triệu đồng).

 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lí đạt 36.527 triệu đồng. Trong đó: Nguồn do Trung ương ủy thác 9.480 triệu đồng; nguồn Quỹ cấp tỉnh và huyện quản lí 27.047 triệu đồng (tăng 3.800 triệu đồng so với năm 2021).

 
Đáng chú ý, 05 huyện đã xây dựng được nguồn vốn đạt từ 500 triệu - 01 tỷ đồng, gồm các huyện: Bắc Quang (01 tỷ đồng), Đồng Văn (800 triệu đồng), Hoàng Su Phì (630 triệu đồng), thành phố Hà Giang (630 triệu đồng), Mèo Vạc (600 triệu đồng). Ngoài ra, có 06 huyện đang quản lí nguồn vốn mức dưới 500 triệu đồng/đơn vị.

 
Từ nguồn vốn trên, Hội ND tỉnh đã kịp thời phê duyệt và tiến hành giải ngân để triển khai thực hiện việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh và huyện. Đối với nguồn vốn ủy thác từ Quỹ HTND Trung ương và của tỉnh đều được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân, đảm bảo không bị tồn đọng nguồn vốn.

 
Trong năm, để quản lý nguồn vốn Quỹ HTND, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Điều lệ Quỹ; thực hiện tốt các khâu lựa chọn mô hình, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân… Hiện, tổng dư nợ của Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đạt 28.273 triệu đồng.

 
Tính đến 30/11, các cấp Hội đã làm thủ tục và tiến hành giải ngân xong 10.680 triệu đồng để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đã có 9.000 triệu đồng được giải ngân cho vay xây dựng các mô hình; 1.680 triệu đồng nguồn vốn dự án tín dụng quay vòng bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo được thực hiện tại địa bàn các xã biên giới của tỉnh.

 
Nguồn vốn vay hiện đang phân bổ cụ thể vào những lĩnh vực như: Chăn nuôi 4.800 triệu đồng (chiếm 53,5%); trồng trọt 4.000 triệu đồng (chiếm 44,3%); dịch vụ 200 triệu đồng (chiếm 2,2%). Ngoài ra, nguồn vốn 1.680 triệu đồng để thực hiện dự án tín dụng quay vòng bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo cũng đang chủ yếu được đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt.

 
Bên cạnh đó, công tác thu hồi nguồn vốn vay cũng luôn được các cấp Hội nghiêm túc thực hiện, đảm bảo đúng qui định và theo tiến độ. Qua đó nhằm bảo toàn và tiếp tục quay vòng đồng vốn hiệu quả, giúp cho ngày càng nhiều hộ hội viên, nông dân được hỗ trợ kịp thời về vốn, vươn lên thoát nghèo. Trong kỳ, Quỹ HTND các cấp đã tiến hành thu hồi xong 8.414,5/8.834,5 triệu đồng từ nguồn vốn vay đến hạn (đạt 95,2% kế hoạch).

 
Nhìn chung, mỗi dự án cho vay của Quỹ HTND đều mang tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với vùng chuyên canh nhằm phát huy các thế mạnh của từng địa phương. Một số mô hình, dự án đã cho thấy đầu tư đúng lĩnh vực, giúp đem lại hiệu quả thiết thực cho các hộ dân và đang tiếp tục được các cấp Hội nhân rộng.

 
Tiêu biểu như: Mô hình trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang) và các xã Yên Hà, Hương Sơn (huyện Quang Bình); chăn nuôi trâu tại xã Vĩ Thượng (huyện Quang Bình) và xã Quang Minh (huyện Bắc Quang); chăn nuôi lợn đen giống bản địa tại các phường Ngọc Hà, Minh Khai thuộc xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang); trồng dặm và chăm sóc cây thảo quả tại xã Tân Thành (huyện Bắc Quang)...

 
Theo tính toán, sau khi đã trừ hết mọi chi phí, lợi nhuận bình quân của các hộ vay vốn đạt trên 80 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt, một số mô hình chăm sóc cây cam đang triển khai tại địa bàn các huyện Bắc Quang, Quang Bình còn đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ/năm.

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn hỗ trợ đầu tư vốn cho các dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo khác thuộc địa bàn ở các huyện vùng cao của tỉnh như: Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc... Nhờ phát huy tốt những lợi thế sẵn có ngay tại địa phương, các mô hình hiện cũng đang phát huy hiệu quả rõ nét, đàn vật nuôi béo khỏe, cho thu nhập cao, giúp các hộ nông dân ổn định cuộc sống.

 
Cùng với việc giải ngân nguồn vốn vay, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 45 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.714 hội viên, nông dân tham gia. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hướng dẫn bà con nông dân chủ động đầu tư tiền vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng mặt hàng nông sản.

 
Hội ND xã Vĩnh Phúc- huyện Bắc Quang là một trong số những điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Với nhiều điều kiện thuận lợi về địa hình và thổ nhưỡng, sau khi xây dựng và đề xuất dự án, các cấp Hội đã xem xét, phê duyệt giải ngân 600 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương để đầu tư thực hiện mô hình “Chăm sóc cam theo hướng VietGAP” với 12 hộ dân tham gia tại địa bàn các thôn: Vĩnh Xuân, Vĩnh Chúa, Vĩnh Ban.

 
Tham gia vào dự án, cùng với việc hỗ trợ về nguồn vốn, các hộ vay còn được dự các lớp tập huấn do Hội tổ chức. Đồng thời, thông qua các cuộc sinh hoạt nhóm được tổ chức hàng quý, Hội ND xã phối hợp hướng dẫn các tài liệu khoa học kỹ thuật, kết hợp với tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân về các thủ tục, quy trình thành lập tổ hợp tác, Hợp tác xã, hướng dẫn việc đăng ký xây dựng tem nhãn sản phẩm…

 
Sau 04 năm triển khai (2018- 2022), từ những lợi ích thiết thực khi đầu tư sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn nâng cao nhận thức. Mặt khác, xét về năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm đều được nâng cao rõ rệt.

 
Hiện, hầu hết các hộ vay vốn tham gia dự án đều có mức thu nhập khá trở lên. Nhiều hộ dân còn tự xây dựng được thương hiệu tem nhãn, phát triển thị trường tiêu thụ, mức thu nhập bình quân sau khi đã trừ chi phí đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với trước khi tham gia dự án. Cùng với đó, các hộ còn tuyên truyền cho các hộ khác trên địa bàn để cùng sản xuất sạch đảm bảo an toàn.

 
Thông qua quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã dần hình thành sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Nhìn chung, những mô hình, dự án vay vốn Quỹ đã được các hộ hội viên, nông dân đầu tư sử dụng đúng mục đích, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho các lao động nông nhàn, góp phần ổn định an ninh trật tự tại các địa phương.

 
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, Hội ND tỉnh sẽ hướng đến việc cho vay Quỹ HTND phát triển các mô hình nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, quan tâm, hướng dẫn thành lập mô hình các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để quản lý, duy trì và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay.

 

Như Cương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng